Khoa học công nghệ

Chuyển giao công nghệ phải dựa trên nền tảng sở hữu trí tuệ

  • 23/04/2021
  • Đó là nhận định của PGS.TS Nguyễn Minh Tâm - Phó Giám đốc ĐHQG-HCM trong Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm Sở hữu trí tuệ và Chuyển giao công nghệ (IPTC) ĐHQG-HCM (2011-2021) được tổ chức tại Nhà Điều hành ĐHQG-HCM, sáng 23/4.

    Theo PGS.TS Nguyễn Minh Tâm, cách đây đúng 10 năm, Giám đốc ĐHQG-HCM đã ký quyết định thành lập IPTC nhằm hỗ trợ nâng cao nhận thức trong toàn hệ thống ĐHQG-HCM về hoạt động quản trị tài sản trí tuệ, phát hiện, ghi nhận và xác lập quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đối với các kết quả nghiên cứu trong ĐHQG-HCM.

    “Tại thời điểm đó, nhận thức về SHTT trong các tổ chức, cá nhân vẫn còn khá mới mẻ, các quy định của pháp luật về SHTT vẫn chưa thật sự đi vào đời sống. Nhưng với tinh thần trách nhiệm, tập thể lãnh đạo và cán bộ Trung tâm lúc đó đã vừa xây dựng, tổ chức hoạt động của đơn vị, vừa học tập, tìm hiểu mô hình các Trung tâm SHTT&CGCN của các nước tiên tiến, và vận hành một cách sáng tạo phù hợp thực tiễn tại ĐHQG-HCM” - Phó Giám đốc ĐHQG-HCM cho biết.

    Đánh giá cao những nỗ lực hoạt động của IPTC, PGS.TS Nguyễn Minh Tâm cho rằng SHTT đã thực sự lan toả và trở thành văn hoá trong nhận thức của các đơn vị đào tạo, nghiên cứu, nhà khoa học, giảng viên của hệ thống ĐHQG-HCM. Điều này giúp cho ĐHQG-HCM trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu hệ thống giáo dục cả nước về số đơn và bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích.

    “Những chuyển biến tích cực trong lĩnh vực xác lập quyền SHTT tại ĐHQG-HCM có sự đóng góp không nhỏ của IPTC. Trung tâm là cơ sở để ĐHQG-HCM quản lý tốt các hoạt động KH&CN, hạn chế sự thất thoát tài sản trí tuệ, thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ dựa trên nền tảng quyền SHTT, mang lại nguồn thu cho ĐHQG-HCM. Đó cũng là một trong những mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển KH&CN ĐHQG-HCM giai đoạn 2021-2025 mà IPTC sẽ là một trong những lực lượng tiên phong triển khai thực hiện” - PGS.TS Nguyễn Minh Tâm nhấn mạnh.

    Tại buổi lễ, ông Trần Lê Hồng - Phó Cục trưởng Cục SHTT đã trao giấy khen của Cục trưởng Cục SHTT cho IPTC vì những đóng góp nổi bật cho hoạt động SHTT trong 10 năm qua. IPTC là đơn vị đầu tiên trong cả nước được trao giấy khen này. Đồng thời, IPTC còn được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và Giám đốc ĐHQG-HCM.

    ThS Nguyễn Minh Huyền Trang - Giám đốc IPTC, cho biết trong thời gian tới, IPTC sẽ xây dựng chương trình quản trị TSTT theo định hướng của ĐHQG-HCM, tích hợp cơ sở dữ liệu của Cục Sở hữu trí tuệ và IPPlatform của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ. Đồng thời, hằng năm trung tâm sẽ hỗ trợ tối thiểu 20 đơn sáng chế/giải pháp hữu ích trong nước và 5 đơn sáng chế quốc tế.

    Trong hoạt động chuyển giao công nghệ, IPTC sẽ phối hợp Trường ĐH KHXH&NV, Trường ĐH Kinh tế - Luật thực hiện các chương trình đào tạo cho các chủ thể OCOP về SHTT; Hợp tác với Công ty CP Công nghệ 4TE xây dựng bộ công cụ truy xuất nguồn gốc dựa trên nền tảng AI; Ký kết hợp tác với RAROMA INC (Nhật Bản) nhằm hỗ trợ kết nối thương mại.

    Để lan toả văn hoá SHTT, IPTC tiếp tục phối hợp Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức cuộc thi Sinh viên với Quyền sở hữu trí tuệ S&IP lần II; Hợp tác WIPO và Cục Sở hữu trí tuệ biên soạn và ban hành Sổ tay quản trị TSTT và Sổ tay vận hành bộ phận quản trị TSTT dành cho các trường, viện; Ban hành Quy chế quản trị TSTT ĐHQG-HCM sửa đổi theo Luật SHTT sửa đổi, bổ sung…

    “Những hoạt động sôi nổi này nhằm khẳng định sự cam kết của IPTC đối với các nhà khoa học, doanh nghiệp, các đơn vị đại học và xã hội về giá trị mà IPTC đã lựa chọn: ‘Đồng hành - sáng tạo - kết nối tương lai’ khi bước qua năm thứ 10 hoạt động này” - ThS Nguyễn Minh Huyền Trang khẳng định.

    PGS.TS Nguyễn Minh Tâm  trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và Giám đốc ĐHQG-HCM cho đại diện IPTC. Ảnh: LÝ NGUYÊN
    Ông Trần Lê Hồng trao giấy khen cho đại diện IPTC. Ảnh: LÝ NGUYÊN

    PHIÊN AN

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên