Giáo dục 4.0

Dạy và học trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0

  • 19/11/2019
  • Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) diễn ra hiện nay là sự kết nối giữa thế giới thực và thế giới ảo dựa trên công nghệ tiên tiến và sự sáng tạo không ngừng nghỉ của con người. Giờ đây máy móc có “năng lực ghi nhớ” thông qua cơ sở dữ liệu lớn và khả năng tự “tư duy logic” để xử lý hầu hết vấn đề mà con người thực hiện.

    TS Nguyễn Thanh Tùng.

    Nhìn tổng thể, CMCN 4.0 sẽ phát triển với tốc độ “không có tiền lệ trong lịch sử” trên 3 trụ cột chính yếu: kỹ thuật số, công nghệ sinh học và vật lý. Nó sẽ phá vỡ hầu hết “quy tắc” của ngành công nghiệp ở các quốc gia dưới tác động sâu rộng của sự thay đổi “triết lý” quản trị và quản lý các hệ thống sản xuất, dịch vụ.

    Thay đổi cách sống

    Người ta cho rằng CMCN 4.0 sẽ làm mất công việc của con người. Đây là một sự thật, việc lo lắng là đúng đắn, bởi vì các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây đều đã cảnh báo điều này.

    Tuy nhiên, con người có năng lực sáng tạo không giới hạn, và nhờ có “sự lo lắng” mà con người luôn tìm cách tự chuyển hóa để phù hợp với những thay đổi của môi trường. Nếu như chúng ta không phát triển năng lực tư duy, đổi mới và sáng tạo thì chúng ta sẽ không được tin dùng vào việc “điều khiển” hay “hợp tác” với các thiết bị rô-bốt tương lai. Năng lực tư duy và thích ứng của con người vốn độc đáo hơn hẳn các loài vật và những cỗ máy trí tuệ nhân tạo.

    Trong tương lai con người sẽ hưởng lợi từ những thành quả của CMCN 4.0, ví dụ các nhu cầu cá nhân được đáp ứng một cách nhanh chóng và chất lượng. CMCN 4.0 sẽ giúp các doanh nghiệp tăng tính linh hoạt trong sản xuất, nâng cao năng suất và tính hiệu quả. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường và người tiêu dùng sẽ hưởng lợi từ giá cả cạnh tranh đến việc cá nhân hóa yêu cầu khách hàng.

    Trong giáo dục, con người sẽ tiếp cận một kho tri thức vô tận mà ít bị hạn chế về rào cản ngôn ngữ. Cá nhân học tập thuận lợi hơn với tính trực quan và tương tác cao hơn. Tuy nhiên, CMCN 4.0 đòi hỏi con người có năng lực để sử dụng và kết nối với hệ thống này.

    CMCN 4.0 cũng sẽ làm thay đổi cách sống, giao tiếp, liên kết và làm việc của con người. Cuộc sống có vẻ dễ dàng hơn nhưng cũng đối mặt với những thách thức trong việc đáp ứng nhu cầu làm việc tiến bộ, kỹ thuật hơn.

    5 kỹ năng thiết yếu cho sinh viên

    Những phân tích trên cho thấy để thích ứng với CMCN 4.0, sinh viên, học sinh cần phải trang bị năng lực sáng tạo, học tập suốt đời và tiếp cận với công nghệ kỹ thuật số. Trong đó, các bạn trẻ phải được trang bị ít nhất 5 kỹ năng sau:

    Kỹ năng hợp tác. Đây là một kỹ năng quan trọng trong hội nhập, giúp con người biết hợp tác, tương tác với nhau và với máy móc thông minh để tồn tại, phát triển. Năng lực này có thể được rèn luyện ngay trên giảng đường bằng những dự án nhỏ hay các bài tập nhóm.

    Kỹ năng giao tiếp. Trong thời đại kỹ thuật số, khả năng giao tiếp, truyền thông là chìa khóa giúp con người tiếp cận nhanh với kho tri thức nhằm hoàn thành tốt mục tiêu của mình. Giao tiếp ở đây là năng lực lắng nghe và thấu hiểu tha nhân, cũng như trình bày, biểu đạt nhanh và chính xác ý tưởng của mình. Không được “đóng khung” trong “nghệ thuật giao tiếp” bởi điều đó chỉ làm con người thêm “xơ cứng” giữa xu thế công nghệ đang ngày càng lấn át các mối quan hệ xã hội và cá nhân.

    Kỹ năng sáng tạo. Tư duy sáng tạo giúp con người tìm ra giải pháp linh hoạt, thích hợp với các điều kiện hoạt động nhằm phục vụ các yêu cầu bên ngoài và nhu cầu cá nhân một cách hợp lý nhất. Sáng tạo trước hết là phải biết chấp nhận sự khác biệt của người khác và công nhận người khác để cùng phát triển.

    Kỹ năng tư duy phản biện. Đó là khả năng phân tích, đánh giá và phản hồi nhận thức của bản thân để mở rộng tri thức, nâng cao năng lực tư duy và sự thích ứng tốt nhất. Ngoài ra, đó còn là khả năng biết đặt nhiều câu hỏi để đi đến gốc rễ của vấn đề nhằm đạt hiệu quả trong học tập và làm việc.

    Kỹ năng học tập suốt đời. Ý thức học tập suốt đời giúp con người luôn sẵn sàng đón nhận và tiếp cận với cái mới, mở rộng kho tri thức cũng như năng lực tư duy của bản thân. Tinh thần học tập suốt đời sẽ giúp mỗi cá nhân có được tâm thế và năng lực thích ứng trong xu thế đổi mới và sáng tạo của thế giới.

    Sinh viên Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM thực hành. Ảnh: Quốc Việt

    Thay đổi cách đào tạo

    CMCN 4.0 sẽ phá vỡ hầu hết “quy tắc” truyền thống, vì thế công tác đào tạo cũng cần thay đổi để giúp thế hệ trẻ đáp ứng được những đổi mới trong tương lai.

    Việc dạy và học ở giảng đường đại học là môi trường thuận lợi nhất để giúp thế hệ trẻ tiếp cận và hoàn thiện dần các kỹ năng thiết yếu. Trong quá trình đào tạo, cần chú trọng phần hướng dẫn thực hành, ứng dụng công nghệ kỹ thuật hơn là trình bày lý thuyết suông và ghi chép các công thức. Ví dụ, hiện nay Microsoft tặng miễn phí các công cụ học tập để người học chủ động trong việc tự học cũng như luyện tập kỹ năng tương tác với công nghệ kỹ thuật cao, hay ĐH MIT cũng tặng miễn phí chương trình tự học công nghệ thông tin bằng bất cứ ngôn ngữ nào…

    Cần chú trọng đào tạo nhân lực cho các lĩnh vực nòng cốt trong CMCN 4.0 như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, rô-bốt… Bên cạnh đó cũng cần trang bị đầy đủ các phương tiện giảng dạy hiện đại để giúp sinh viên, học sinh làm quen với học trực tuyến, học online, trường học ảo, phòng thí nghiệm ảo… nhằm tối ưu hóa phương pháp học tập.

    TS NGUYỄN THANH TÙNG

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên