Khoa học công nghệ

Đề xuất cơ chế đặc thù giúp TP.HCM phục hồi sau đại dịch COVID-19

  • 08/09/2021
  • Đầu tháng 9/2021, Trường ĐH Kinh tế - Luật và Viện nghiên cứu Phát triển công nghệ ngân hàng ĐHQG-HCM công bố nghiên cứu “Kiến tạo động lực phục hồi kinh tế TP.HCM giai đoạn COVID-19 lần thứ 4”. Nghiên cứu đã phân tích và nêu lên nhiều kiến nghị sâu sắc về các chính sách hỗ trợ đặc thù của chính phủ dành cho TP.HCM cũng như các chính sách vận hành của TP.HCM để phục hồi sau đại dịch.

    3 kịch bản kinh tế hậu giãn cách

    Theo nhóm nghiên cứu, mặc dù thu ngân sách của TP.HCM trong 7 tháng đầu năm đạt 66,67% nhiệm vụ thu năm 2021 nhưng số thu này chủ yếu nhờ vào 5 tháng đầu năm. Sụt giảm thu xảy ra liên tiếp 2 tháng 6,7 và khó có khả năng phục hồi mạnh trong quý 4.

    Trong tháng 8/2021, doanh số thương mại dịch vụ tại TP.HCM chỉ còn 35.500 tỷ đồng, chưa bằng 30% doanh thu hàng tháng trong điều kiện bình thường. Trong khi đó, xuất nhập khẩu giảm mạnh từng ngày. Chỉ sau 2 tuần đầu tháng 8, thu ngân sách của TP.HCM từ xuất nhập khẩu giảm 3.860 tỷ đồng, chỉ bằng 2/3 của 2 tuần cuối tháng 7/2021.

     

    Dựa vào số liệu thống kê có được đến cuối tháng 8/2021 và các giả định về các khả năng kiểm soát dịch bệnh của TP.HCM, nhóm nghiên cứu đã đưa ra 3 kịch bản ước tính triển vọng kinh tế TP.HCM năm 2021.

    Kịch bản 1 (kỳ vọng): Cơ bản kiểm soát dịch bệnh đến ngày 15/9 và thêm 2 tuần đệm trước khi thiết lập trạng thái “bình thường mới” kể từ tháng 10/2021. Ước tính GRDP 2021 theo giá hiện hành năm 2021 giảm khoảng 1,74% so với năm 2020. Đồng thời hoàn thành được 100% nhiệm vụ thu ngân sách, đạt khoảng 365.090 tỷ đồng (chưa bao gồm phần giảm thu ngân sách từ các chính sách miễn giảm thuế).

    Kịch bản 2 (xấu): Dịch bệnh kéo dài đến hết tháng 9/2021, trạng thái “bình thường mới” được thiết lập trong khoảng nửa sau tháng 10/2021. Các tổn thương kinh tế hết sức nghiêm trọng, ước tính GRDP 2021 theo giá hiện hành năm 2021 giảm sâu khoảng 13,48% so với năm 2020. Nền kinh tế dễ rơi vào vòng xoáy suy thoái. Đồng thời, thực hiện được 97,3% nhiệm vụ thu ngân sách, đạt khoảng 355.151 tỷ đồng (chưa bao gồm phần giảm thu ngân sách từ các chính sách miễn giảm thuế).

    Kịch bản 3 (tốt): Diễn biến dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn so với kịch bản 1, cùng với sự chuẩn bị đầy đủ và chu đáo cho việc kết thúc giãn cách, tái khởi động các hoạt động ngay từ ngày 15/9. Ước tính GRDP 2021 theo giá hiện hành năm 2021 sẽ suy giảm khoảng 0,85% so với năm 2020. Đồng thời hoàn thành được 103,6% nhiệm vụ thu ngân sách, đạt 378.075 tỷ đồng (chưa bao gồm khoản giảm thu ngân sách từ các chính sách miễn giảm thuế).

    Nhóm nghiên cứu cũng lưu ý, diễn biến COVID-19 lần IV có thể đã không được tính đến khi lập dự toán chi ngân sách 2021 của TP.HCM.

    “Trên thực tế, suốt thời gian dài TP.HCM phải tập trung nguồn lực rất lớn cho công tác phòng, chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội và sắp tới sẽ phải tăng chi hỗ trợ doanh nghiệp tái thiết sau giãn cách nên chúng tôi cho rằng ngay cả khi thu ngân sách ở kịch bản lạc quan, cân đối ngân sách 2021 của TP.HCM sẽ vô cùng khó khăn” – Nhóm nghiên cứu UEL nhấn mạnh.

    Hỗ trợ 4.000 tỷ để doanh nghiệp phục hồi

    Nhóm nghiêm cứu cho rằng, theo kinh nghiệm từ các nước, các gói hỗ trợ tập trung vào hai hướng: (1) Hỗ trợ trực tiếp cho tổng cầu: cắt giảm thuế, tăng chi đầu tư, chi hỗ trợ việc làm, chi hỗ trợ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu, đảm bảo an sinh xã hội. Và (2) Hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, hạn chế đóng cửa/phá sản: chia sẻ chi phí, bảo lãnh và cho vay, cung cấp dòng vốn chi phí thấp.

    Do đó, chính sách hỗ trợ cần hướng đến các mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội và giúp doanh nghiệp tái hoạt động.

    “Ngoài gói hỗ trợ chung từ Chính phủ, dựa trên nội lực của TP.HCM và mức độ tổn thương, chúng tôi khuyến nghị TP.HCM kiến tạo gói hỗ trợ với quy mô 22.291 tỷ đồng, tương đương 1,7% GRDP năm 2020 của TP.HCM mới đủ lớn nhằm tạo động lực cho hồi phục kinh tế” - Nhóm nghiên cứu kiến nghị.

    Theo đó, thành phố sẽ dành 17.391 tỷ đồng để hỗ trợ an sinh xã hội cho cá nhân, hộ gia đình tổn thương nghiêm trọng, tiểu thương, hộ kinh doanh (chi từ NSTP theo NQ68, NQ09 và đề xuất mới) và 4.900 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp tức thời (chưa bao gồm các hỗ trợ lãi suất có tính lặp lại và các dự án đầu tư theo đề án cụ thể.

    Về chính sách an sinh, TP.HCM cần đảm bảo an sinh xã hội tối thiểu 2 tháng cho cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp gặp tổn thất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng trong thời gian phục hồi kinh tế; Hỗ trợ tiểu thương, hộ kinh doanh cá thể giảm chi phí kinh doanh trong giai đoạn phục hồi kinh tế và hỗ trợ dài hạn cho hộ gia đình có trẻ em trong độ tuổi đi học gặp tổn thất đặc biệt nghiêm trọng trong thời gian giãn cách, giúp giảm thiểu tình trạng bỏ học vì gánh nặng tài chính.

    Về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, TP.HCM cần dành 4.000 tỷ đồng hỗ trợ chi phí để doanh nghiệp tái khởi động sau dịch (tái tạo việc làm). Tốc độ hồi phục kinh tế sau dịch phụ thuộc lớn vào tốc độ tái tạo việc làm. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tái khởi động cần nhắm đến mục tiêu giúp doanh nghiệp hạn chế sa thải lao động, tuyển dụng trở lại số lao động đã nghỉ việc/nghỉ không lương trước đây, thu hút lao động có tay nghề quay trở lại TP.HCM sau khi đã về quê trong giai đoạn giãn cách.

    Nhóm nghiên cứu đã đề xuất TP.HCM sử dụng ngân sách để hỗ trợ 25% lương tối thiểu vùng (tương đương tỷ lệ trích BHXH+BHYT+BHTN) áp dụng từ tháng 9/2021 đến 3/2022 chia làm 2 giai đoạn:

    Từ 1/9/2021 đến 31/12/2021 (4 tháng): Hỗ trợ 1.105.000 đồng/lao động/tháng cho số lao động vượt trên 50% so với thời điểm 30/5/2021.

    Từ 1/1/2022 đến 31/3/2022 (3 tháng): Hỗ trợ 1.105.000 đồng/lao động/tháng cho số lao động vượt trên 70% so với thời điểm 30/5/2021.

    Theo nhóm nghiên cứu, ước tính quy mô gói hỗ trợ 4.000 tỷ đồng tương đương 0,29% GRDP TP.HCM. Về kỹ thuật triển khai, ngân sách thành phố không trực tiếp chi bằng tiền mặt cho doanh nghiệp mà sau khi xác định số tiền cần hỗ trợ, tiến hành bù trừ với số tiền doanh nghiệp phải nộp ngân sách nhà nước và/hoặc số tiền phải nộp BHXH trong năm 2021.

    Tăng thêm 5% tỷ lệ điều tiết ngân sách

    Nhóm nghiên cứu cho biết, theo công bố của Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM, khi đợt dịch COVID-19 lần IV xảy ra trên diện rộng, phần lớn doanh nghiệp và lao động tại TP.HCM phải ngừng hoạt động. Chỉ 715/1.527 doanh nghiệp ở khu công nghệ cao, khu công nghệ, khu chiết xuất duy trì ở các mức độ hoạt động khác nhau với khoảng 65.000/345.000 lao động.

    “Ngay cả khi kiểm soát được dịch bệnh từ ngày 15/9, TP.HCM vẫn phải đối mặt với các bất lợi tiếp tục lan rộng, làm suy kiệt trầm trọng năng lực tài chính của thành phố. Nếu TP.HCM chậm hồi phục kinh tế, tăng trưởng của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ giảm mạnh, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, thu ngân sách quốc gia bị ảnh hưởng tiêu cực” - Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.

    Nhóm nghiên cứu cũng lưu ý, chiến lược phục hồi kinh tế TP.HCM không chỉ giới hạn ở khía cạnh kinh tế thuần tuý mà đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ với các chính sách về an sinh xã hội, y tế (phòng chống dịch, tiêm vaccine, chăm sóc sức khoẻ, điều trị nhiễm COVID...) cũng như chú trọng việc hàn gắn liên kết vùng đã bị đứt gãy trong thời giãn cách.

    Nhóm nghiên cứu đã nêu 5 kiến nghị đối với Chính phủ để giúp TP.HCM phục hồi sau đợt dịch COVID-19 lần IV này. Trước nhất, Chính phủ cần thành lập Tổ công tác đặc biệt về phục hồi kinh tế TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để giữ vai trò chủ trì, điều phối hiệu quả tất cả lĩnh vực và địa bàn.

    Tiếp đến, ngân sách trung ương bổ sung TP.HCM tối thiểu 13.200 tỷ cho gói hỗ trợ an sinh 50.000 đồng/người/ngày, duy trì trong 56 ngày từ 23/8 đến 15/10. Đồng thời, Bộ Tài Chính phát hành trái phiếu Chính phủ (ghi nợ ngân sách trung ương) để phân bổ nguồn vốn này cho TP.HCM kịp thời giải ngân các dự án đầu tư công đã phê duyệt nhưng bị tắt nghẽn do thiếu vốn. TP.HCM thanh toán chi phí lãi vay theo lãi suất trái phiếu Chính phủ tương ứng với phần vốn sử dụng. Với mặt bằng lãi suất trái phiếu chính phủ hiện đang khá thấp và hiệu quả của tác động kích thích từ đầu tư công, TP.HCM đủ khả năng trả lãi vay.

    Đặc biệt, từ năm ngân sách 2022, kiến nghị trung ương chấp thuận cho phép TP.HCM tăng tỷ lệ điều tiết từ 18% lên 23% nhằm giúp TP.HCM có nguồn lực phục hồi kinh tế đạt hiệu quả, tạo động lực phát triển cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

    Cuối cùng, kiến nghị Chính phủ nâng trần nợ công của TP.HCM và tạo điều kiện TP.HCM phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để tài trợ cho các dự án đầu tư vào hạ tầng y tế; hạ tầng giao thông đặc biệt là giao thông kết nối giữa TP.HCM với các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; hạ tầng kinh tế số và chuyển đổi số.

    PHIÊN AN

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên