Hội nghị - Hội thảo

ĐHQG-HCM học tập Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

  • 05/11/2021
  • Sáng 5/11, tại Nhà Điều hành ĐHQG-HCM, Đảng uỷ ĐHQG-HCM đã tổ chức Hội nghị “Nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng".

    Hội nghị được dẫn dắt bởi PGS.TS Vũ Hải Quân - Ủy viên Trung ương Đảng Khóa XIII, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐHQG-HCM, cùng sự tham dự của toàn thể Đảng viên và Cán bộ chủ chốt thuộc Đảng uỷ ĐHQG-HCM.

    PGS.TS Vũ Hải Quân phát biểu tại hội nghị.

    “Lấy dân làm gốc, lấy người học làm trung tâm”

    Trình bày tại hội nghị, PGS.TS Vũ Hải Quân cho biết Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng gồm 2 nội dung lớn. Thứ nhất là tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII gắn với việc đánh giá 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển) năm 2011, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020. Thứ hai là đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045.

    PGS.TS Vũ Hải Quân nhận định Báo cáo Chính trị là báo cáo trung tâm của Đại hội XIII, đã quán triệt sâu sắc nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí luận - thực tiễn, kiên định - đổi mới, kế thừa - phát triển, trên cơ sở phát huy dân chủ rộng rãi. Việc chuẩn bị được tiến hành rất công phu, chu đáo, bài bản, trải qua nhiều lần, nhiều vòng, từng bước hoàn thiện, có nhiều đổi mới quan trọng về nội dung và phương pháp.

    Việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng về kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, và đấu tranh với đại dịch COVID-19. Điều này đã mang đến nhiều bài học kinh nghiệm, trong đó PGS.TS Vũ Hải Quân nhấn mạnh bài học quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “lấy dân làm gốc”, và gắn vào câu chuyện giáo dục tại ĐHQG-HCM là “lấy người học làm trung tâm”, người học cũng chính là dân.

    Theo quan điểm của Đảng, nhân dân là trung tâm, là chủ thể, là cội nguồn sức mạnh trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tương tự, học sinh, sinh viên, học viên tại ĐHQG-HCM cũng là chủ thể và là nguồn lực quan trọng, thế hệ lãnh đạo tương lai. Do đó, ở quy mô giáo dục đại học, ĐHQG-HCM sẽ học tập các bài học kinh nghiệm và triển khai tương xứng định hướng của Đảng, của quốc gia.

    Thách thức và mục tiêu

    PGS.TS Vũ Hải Quân nêu lên tình hình thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó dự báo: xu hướng đa cực, đa trung tâm, cạnh tranh giữa các nước lớn; cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, quá trình chuyển đổi số; tác động của đại dịch COVID-19 lên mọi mặt; các vấn đề an ninh phi truyền thống, các vấn đề toàn cầu; khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong đó có Đông Nam Á. Bên cạnh thành tựu đạt được, tình hình trong nước vẫn đối mặt nhiều khó khăn, hạn chế và thách thức.

    Việt Nam tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng, chưa bền vững và chất lượng chưa cao, nhất là khả năng chống chọi của nền kinh tế còn ở mức hạn chế. Thể chế phát triển quốc gia chưa đồng bộ, vẫn yếu ở khâu thực hiện. Cơ chế kiểm soát quyền lực chưa đầy đủ, hiệu quả chưa cao. Mặt khác, tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức vẫn còn tồn tại, cộng với sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị...

    Mục tiêu cụ thể của Đại hội XIII là đến năm 2025 Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, đến năm 2030 có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và tầm nhìn đến năm 2045 sẽ trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao.

    Để bám sát mục tiêu, có 3 đột phá chiến lược được đề ra:

    Gắn với khoa học công nghệ, đẩy mạnh đào tạo nhân lực

    Về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, PGS.TS Vũ Hải Quân nhấn mạnh quan điểm phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Cụ thể, phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số, coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

    Mặt khác, hệ thống pháp luật phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới. PGS.TS Vũ Hải Quân đưa ra ví dụ sự xuất hiện của dòng xe hơi tự hành đòi hỏi phải bổ sung và chi tiết hoá luật mới, chẳng hạn khi xe tự hành gây ra tai nạn thì liệu sẽ xử phạt chủ sở hữu xe hay nhà sản xuất xe. Một số ví dụ khác như là vấn đề tiền ảo, tiền kĩ thuật số hoặc sở hữu trí tuệ…

    PGS.TS Vũ Hải Quân cũng nhấn mạnh đột phá chiến lược đào tạo nhân lực và tập trung giải thích câu hỏi: “Tại sao là đào tạo nhân lực?”. Đảng đặt kì vọng và trách nhiệm rất lớn cho các đại học, trong đó có ĐHQG-HCM trong việc phát triển nhân lực, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây là trách nhiệm với tương lai của đất nước, là trách nhiệm đào tạo nhân tài, bồi dưỡng các thế hệ lãnh đạo tương lai.

    ĐHQG-HCM nhận thức sâu sắc rằng tài sản quý giá nhất và quan trọng nhất chính là trí tuệ của các thầy, cô giáo và các sinh viên, học sinh. Cùng với các đại học khác, ĐHQG-HCM có trách nhiệm thực hiện chiến lược quốc gia, đóng góp cho mục tiêu phát triển đất nước, trở thành cầu nối giữa quá khứ - hiện tại - tương lai của Việt Nam và giữa Việt Nam với bạn bè quốc tế. Giáo dục đại học còn là nền tảng của quá trình trẻ hoá lao động, thúc đẩy tiến bộ xã hội, nâng cao chất lượng con người và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo… Vì lẽ đó, giáo dục đại học cần được đặt ở vị trí ưu tiên.

    LÊ HOÀI

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên