Tin tức - Sự kiện

Giá trị nhân văn trong tư tưởng của Nguyễn Trãi - Đoàn Thị Ngân

  • 22/06/2023
  • Tên luận án: Giá trị nhân văn trong tư tưởng của Nguyễn Trãi
    Chuyên ngành: Triết học
    Mã số: 9229001
    Họ và tên nghiên cứu sinh: Đoàn Thị Ngân
    Người hướng dẫn khoa học: TS. Nguyễn Anh Quốc, TS. Bùi Huy Du
    Tên cơ sở đào tạo: Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh.
    + Tóm tắt nội dung luận án
    Giá trị nhân văn trong tư tưởng của Nguyễn Trãi được hình thành và phát triển, phản ánh và bị chi phối bởi hai yếu tố quan trọng nhất của điều kiện lịch sử - xã hội Đại Việt ở thế kỷ XIV - XV: Một là, sự chuyển biến xã hội từ nhà Trần sang nhà Hồ và cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược; và hai là, thực tiễn nhiệm vụ củng cố, xây dựng và phát triển nhà nước phong kiến trung ương tập quyền Đại Việt độc lập, thống nhất, giàu mạnh, một xã hội Đại Việt an bình và thịnh trị ở thế kỷ XV. Bên cạnh đó, Nguyễn Trãi còn tiếp thu trên tinh thần “khai phóng” những giá trị nhân văn trong tư tưởng của Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo.
    Về hệ giá trị nhân văn trong tư tưởng của Nguyễn Trãi nổi bật là giá trị nhân văn cốt lõi và giá trị nhân văn phổ quát. Trong đó tinh thần yêu nước thương dân là giá trị nhân văn cốt lõi trong tư tưởng của Nguyễn Trãi đã khẳng định chủ quyền lãnh thổ và đề cao các giá trị văn hóa của dân tộc; thể hiện ý chí căm thù giặc, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và khát vọng xây dựng một xã hội thái bình, thịnh trị. Bên cạnh đó tinh thần vì con người là giá trị nhân văn phổ quát trong tư tưởng của Nguyễn Trãi đã thể hiện tinh thần vì dân và an dân; tinh thần đề cao vai trò, vị trí của nhân dân và phát huy sức mạnh của nhân dân; tinh thần yêu thương con người và khoan dung nhân nghĩa.
    Từ những giá trị nhân văn cao đẹp trong tư tưởng của Nguyễn Trãi, có thể nói, cuộc đời, sự nghiệp của Nguyễn Trãi nói chung, giá trị nhân văn trong tư tưởng của Nguyễn Trãi nói riêng, là kết tinh cao đẹp nhất cho tình cảm, trí tuệ và tinh thần của dân tộc Việt Nam trong một giai đoạn nhất định của lịch sử. Trong đó, nổi bật là tấm lòng yêu nước thương dân. Tư tưởng và tình cảm của ông luôn hướng về một xã hội tốt đẹp, một xã hội vua sáng, tôi hiền, người dân được ấm no, hạnh phúc. Trong bất cứ hoàn cảnh nào ông cũng đặt quyền lợi của dân tộc, của nhân dân lên trên quyền lợi của cá nhân. Giá trị nhân văn trong tư tưởng của Nguyễn Trãi được ra đời trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta trong nhiều thế kỷ, nên nó chứa đựng nhiều giá trị và ý nghĩa thực tiễn sâu sắc cho những giai đoạn lịch sử sau. Nghiên cứu về Nguyễn Trãi, tiếp thu di sản tư tưởng của ông, ta càng hiểu thêm những giá trị tinh thần - văn hóa mà dân tộc ta đã rèn đúc nên, càng thêm lòng tự hào, tình yêu đối với đất nước, con người Việt Nam. Những tư tưởng ấy của Nguyễn Trãi không chỉ có giá trị, ý nghĩa về mặt thực tiễn đối với xã hội đương thời, mà còn có ảnh hưởng sâu sắc trong toàn bộ lịch sử tư tưởng Việt Nam nói chung, nó bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm của dân tộc ta, và nó tiếp thêm nghị lực, quyết tâm để hoàn thành những nhiệm vụ lịch sử đang đặt ra trong công cuộc bảo vệ và dựng xây đất nước hiện nay.
    + Những kết quả của luận án
    1. Luận án đã trình bày, phân tích làm rõ những điều kiện lịch sử - xã hội, tiền đề lý luận và nhân tố chủ quan đã tác động, ảnh hưởng đến sự hình thành giá trị nhân văn trong tư tưởng của Nguyễn Trãi.
    2. Luận án đã trình bày, phân tích làm rõ hệ giá trị nhân văn, bao gồm giá trị nhân văn cốt lõi và giá trị nhân văn phổ quát trong tư tưởng của Nguyễn Trãi.
    3. Luận án cũng đã trình bày, phân tích và làm rõ đặc điểm và ý nghĩa lịch sử của giá trị nhân văn trong tư tưởng của Nguyễn Trãi đối với xã hội Đại Việt thế kỷ XV và đối với xã hội Việt Nam hiện nay.
    + Khả năng ứng dụng trong thực tiễn:
    Luận án có thể trở thành tài liệu tham khảo trong công cuộc kế thừa và phát huy các giá trị nhân văn truyền thống tốt đẹp của dân tộc để xây dựng đất nước trong thời đại ngày nay.

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên