Hội nghị - Hội thảo

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều: Thiếu phương pháp xây dựng lòng tin

  • 02/03/2019
  • TS Nguyễn Thành Trung - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS) và ThS Nguyễn Thế Phương - tốt nghiệp chuyên ngành Đông Á học đương đại, ĐH Duisburg-Essen, Đức cùng đưa ra nhận định trên tại tọa đàm “Thượng đỉnh Mỹ -Triều và những bước ngoặt mới” do Khoa Quan hệ Quốc tế - Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM tổ chức ngày 2/3.

    ThS Nguyễn Thế Phương và TS Nguyễn Thành Trung - hai diễn giả chính của tọa đàm.

    Phân tích nguyên nhân Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai không đạt thỏa thuận cuối cùng, ThS Nguyễn Thế Phương cho rằng có ba cách đánh giá về vấn đề này. Thứ nhất, cả Mỹ lẫn Triều Tiên đều bất đồng trong cách nhìn nhận gỡ bỏ các lệnh cấm vận. Thứ hai, sự kiện cựu luật sư thân tín của Tổng thống Donald Trump điều trần trước Ủy ban Giám sát Quốc hội Mỹ. Thứ ba, bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc

    “Hai bên không tin nhau. Họ chưa thống nhất được khái niệm ‘phi hạt nhân hóa’, và gần như không có chiến lược đàm phán nào. Hơn nữa, việc đẩy nhanh quá trình đàm phán, Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn thể hiện sự cứng rắn của mình. Dù đang đàm phán với Triều Tiên, nhưng ông sẽ không nhượng bộ bất kỳ lợi ích chính trị nội bộ nào với đảng Dân chủ. Đồng thời, ông Trump cũng muốn gửi đi một thông điệp mạnh mẽ với Trung Quốc rằng những lợi ích thương mại của Mỹ không dễ dàng đánh đổi. Ông có thể quay lưng với Triều Tiên và sẽ làm tương tự với Trung Quốc” - ThS Phương bình luận.

    Theo TS Nguyễn Thành Trung, vấn đề cốt lõi trong quan hệ Mỹ - Triều là cả hai đều thiếu phương pháp xây dựng lòng tin. “Hằng năm, Mỹ vẫn tập trận chung với Hàn Quốc và Nhật. Trong khi đó, Triều Tiên luôn xem vũ khí hạt nhân là con bài mặc cả của mình khi đàm phán” - TS Trung nhấn mạnh.

    Cựu Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế - Trường ĐH KHXH&NV cũng lưu ý để duy trì động lực cho các Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều tiếp theo, cả hai bên cần thống nhất cách hiểu “giải trừ vũ khí hạt nhân” của Triều Tiên.

    Đồng quan điểm, ThS Nguyễn Thế Phương đánh giá: “Giải trừ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là vấn đề lâu dài. Không thể qua 2-3 hội nghị thượng đỉnh có thể giải quyết được. Nhìn về lịch sử đàm phán, cả Mỹ lẫn Triều Tiên đều không tạo được cơ chế đảm bảo cho đối phương sẽ thực hiện những điều cam kết sau đàm phán”.

    Tuy nhiên, ông Phương cho rằng, đàm phán Mỹ - Triều đang diễn ra trong những điều kiện thuận lợi nhất từ trước đến nay.

    Ông phân tích: “Tổng thống Donald Trump nổi tiếng với những hành xử khó lường, không tuân theo bất cứ chuẩn mực truyền thống nào, hứa hẹn sẽ tạo nhiều bất ngờ. Đối với Chủ tịch Kim Jong-un, ông từng có thời gian theo học tại Thuy Sĩ, được giới chuyên gia đánh giá, ít nhiều mang hình ảnh của một trí thức Tây học và có ‘độ mở’ hơn so với hai nhà lãnh đạo trước. Bên cạnh đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jea-in lại rất ủng hộ quá trình hàn gắn quan hệ Mỹ - Triều và Trung Quốc cũng vậy. Trong thời gian tới, nếu cả hai tranh thủ được sự thuận lợi này sẽ đạt nhiều kết quả khả quan”.

    Trong khi đó, TS Nguyễn Thành Trung cho biết ông “khá bi quan” về tương lai đàm phán của hai quốc gia này. Ông nhận định: “Dù cho đảng Dân chủ hay Cộng hòa lãnh đạo thì quan điểm về vấn đề hạt nhân Triều Tiên vẫn nhất quán, trừ phi có một sự chuyển biến cực lớn từ phía Triều Tiên”.

    TẤN ĐỒNG

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên