Tin tổng hợp

Lễ kỷ niệm 20 năm ĐHQG-HCM

  • 27/01/2015
  • Sáng ngày 27/1, ĐHQG-HCM đã tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm ĐHQG-HCM Xây dựng – Phát triển - Hội nhập. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang , Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng bộ KHCN Nguyễn Quân, đại diện các bộ, các tỉnh thành, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Đà Nẵng, ĐH Huế cùng các đại biểu đã về tham dự.

        20 năm thành quả khoa học và công nghệ

        Mở đầu buổi lễ, ĐHQG-HCM cắt băng khai mạc triển lãm Giới thiệu thành quả KH&CN. Triển lãm giới thiệu các thành tựu khoa học và công nghệ nổi bật, các kết quả nghiên cứu khoa học xuất sắc, các sản phẩm tiên tiến, những công nghệ vượt trội trong nghiên cứu khoa học.

        Triển lãm với quy mô hơn 30 gian hàng, 120 sản phẩm thuộc các lĩnh vực đa dạng như KHTN, KHXH&NV, KT-CN, môi trường, khoa học sức khỏe. Các sản phẩm tại trưng bày thể hiện các thế mạnh của ĐHQG-HCM, trong đó có nhiều sản phẩm là thành quả của các nghiên cứu đỉnh cao được đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành uy tín hàng đầu thế giới, sản phẩm nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ và được thương mại hóa, chuyển giao công nghệ trong nhiều lĩnh vực.

    Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm Giới thiệu thành quả khoa học công nghệ.

        PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG-HCM chia sẻ: “Các sản phẩm trưng bày tại triển lãm chưa thể hiện hết được kết quả và những nỗ lực, quyết tâm mà tập thể thầy trò ĐHQG-HCM đã theo đuổi trong 20 năm qua. Nhưng với sự kiện này, ĐHQG-HCM hy vọng khuyến khích, động viên, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học tại ĐHQG-HCM tạo cảm hứng nghiên cứu khoa học cho cán bộ, giảng viên, sinh viên”.

        Với mục tiêu “Xây dựng ĐHQG-HCM trở thành đại học định hướng nghiên cứu hàng đầu ở Việt Nam”, nhiều năm qua ĐHQG-HCM đã kiên trì theo đuổi một chiến lược tổng thể nhằm xây dựng và phát triển tiềm lực KH&CN theo hướng tiếp cận nghiên cứu khoa học đỉnh cao thông qua hội nhập quốc tế và gắn các hoạt động KH&CN với nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội phục vụ cộng đồng.

    Các đại biểu tham quan triển lãm Gới thiệu khoa học công nghệ.

        Đến nay ĐHQG-HCM đã hình thành một mô hình đại học năng động và hiện đại, hội nhập bình đẳng với các nền giáo dục trên thế giới, đạt được những thành tựu đáng khích lệ trong hoạt động khoa học công nghệ.

        Đó là việc hình thành hệ thống hơn 70 phòng thí nghiệm và hơn 30 tổ chức KH&CN phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đào tạo theo các chương trình nghiên cứu trọng điểm. Hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh trong hầu hết các lĩnh vực KH&CN trọng điểm, với trung bình mỗi năm công bố từ 180 – 200 bài báo ISI, hơn 200 đối tượng sở hữu trí tuệ đã được đăng ký. Hình thành mạng lưới hợp tác quốc tế rộng khắp từ Châu Á, Châu Âu đến Bắc Mỹ với những trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu như: MiNATEC- Pháp; UCLA, UCB – Hoa Kỳ; các tập đoàn công nghiệp lớn như: Intel, Qualcomm, Toshiba, Mentor Graphics.

        Trong quan hệ với các doanh nghiệp, nhiều dự án hợp tác KH&CN đã và đang được triển khai, điển hình là Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải, Công ty cổ phần Viễn thông Di động Toàn Cầu, Công ty may Tada, Ngân hàng Eximbank…

        Gắn kết hoạt động nghiên cứu khoa học với việc phục vụ cộng đồng được thể hiện qua việc ĐHQG-HCM được nhà nước tin tưởng giao phó nhiệm vụ đồng chủ nhiệm chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn 2014-2019 “KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ”.

            20 năm tự hào, gian lao và thử thách

        Cùng trong dịp này, phòng truyền thống ĐHQG-HCM chính thức khánh thành. Với sự góp sức quan trọng của các đơn vị thành viên và trực thuộc, với tâm huyết, sự cần mẫn và sự sáng tạo của các chuyên gia, các nhà chuyên môn, Phòng truyền thống ĐHQG-HCM đã được hoàn thành với những tư liệu, hình ảnh quý, được trình bày có hệ thống và nghệ thuật, chuyển tải được những thông điệp quan trọng được đúc kết qua suốt chiều dài lịch sử của các trường đại học thành viên và 20 năm xây dựng và phát triển của ĐHQG-HCM. Toàn bộ kinh phí xây dựng phòng truyền thống do Tổng công ty Xây dựng Số 1 - CC1 tài trợ.

    Các đại biểu cắt băng khánh thành Phòng Truyền thống ĐHQG-HCM.

        Lịch sử hình thành và phát triển của ĐHQG-HCM không bó hẹp trong khoảng không gian, thời gian, đó là sự kết tinh của cả một nền giáo dục đại học Việt Nam qua hàng thế kỷ. Với quyết tâm xây dựng một nền giáo dục đại học tiến tiến, tiên phong trong đổi mới và hội nhập, nhưng vẫn đậm đà bản sắc VN, ĐHQG-HCM đang trên đường trở thành một đại học nghiên cứu, đóng góp phần quan trọng trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, sáng tạo KHCN đỉnh cao, phục vụ cộng đồng, phụng sự Tổ quốc.

    Các đại biểu tham quan phòng truyền thống.
        PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, Phó Giám đốc ĐHQG-HCM chia sẻ “20 năm là không dài để nói về lịch sử của một đại học, nhưng tôi tin rằng khi nhìn lại chặng đường đã qua với những tư liệu được trình bày, giới thiệu, tuy không nhiều, nhưng hết sức sinh động của Phòng truyền thống, chúng ta có quyền tự hào để vững bước đi tới.  20 năm rất vinh quang và tự hào, nhưng cũng không ít gian lao và thử thách”.

        Phòng truyền thống của ĐHQG-HCM được thiết kế gồm 5 khu vực trưng bày gồm: khu Khánh tiết, khu Lịch sử hình thành và phát triển, khu Những đặc trưng cơ bản, khu Những thành tựu cơ bản, khu Hướng tới tương lai.

           20 năm tiếp nối ngành giáo dục

        Phần chính của buổi lễ, PGS.TS Phan Thanh Bình, Giám đốc ĐHQG-HCM đã đọc diễn văn khái quá trình hình thành và phát triển của ĐHQG-HCM.

        Đại học Quốc gia Việt Nam được thành lập trên cơ sở tổ chức lại các trường đại học lớn, truyền thống, tại hai đầu đất nước, tại hai trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, công nghiệp và chính trị của Việt Nam nhằm góp phần vào quá trình đổi mới giáo dục, góp phần vào việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước.

        Từ đó ĐHQG-HCM đã được Thủ Tướng Võ Văn Kiệt ký quyết định thành lập vào ngày 27/1/1995 trên cơ sở sáp nhập 9 trường ĐH lớn trên địa bàn TP.HCM. Với trách nhiệm xây dựng một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lãnh vực, chất lượng cao làm nòng cốt trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam và từng bước hội nhập một cách bình đẳng và hệ thống các trường đại học tiên tiến thế giới.

        Với tầm nhìn xây dựng một tổ hợp, hệ thống các trường đại học nghiên cứu hiện đại trong tốp đầu châu Á, nơi hội tụ của khoa học, công nghệ và văn hóa Việt Nam, 20 năm qua thầy và trò ĐHQG-HCM dưới sự lãnh đạo của Chính Phủ và các Bộ ngành Trung ương, sự giúp đỡ các địa phương, sự hợp tác của các trường ĐH trong và ngoài nước và sự tín nhiệm đòi hỏi của xã hội đã không ngừng vươn lên đóng góp trí tuệ, tâm huyết của mình cho một sự nghiệp chung, một Đại học quốc gia của Việt Nam tại khu vực phía nam của tổ quốc, ĐHQG-HCM.

    Toàn cảnh buổi lễ. Ảnh Dương Thị Kim Anh


        PGS.TS Phan Thanh Bình nhấn mạnh 20 năm, chỉ là một quãng ngắn trong lịch sử một cơ sở đại học, nhưng ở đây không là một đơn vị mới hình thành mà là sự nối tiếp của ngành giáo dục đại học Việt Nam từ thuở Văn Miếu ra đời, là sự nối tiếp của lịch sử giáo dục đại học Việt Nam hiện đại, là sức sống mới của giáo dục đại học Việt Nam, ở miền nam tổ quốc. 20 năm, đã và đang hình thành một mô hình tổ hợp các trường đại học mạnh, một hệ thống các trường đại học hiện đại từ quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng. Sức mạnh hệ thống,trong tương tác với xã hội, ngày càng bền vững và phát huy mạnh mẽ đóng góp hiệu quả vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

        PGS.TS Phan Thanh Bình đại diện ĐHQG-HCM gửi lời cảm ơn tới Nhà nước, Chính Phủ và của các Bộ, ngành Trung ương đặc biệt là Bộ GD&ĐT, Bộ KHCN đã sâu sát và giúp đỡ ĐHQG HCM trong thời gian qua. Tỉnh Bình Dương tạo mọi điều kiện để một khu đô thị ĐH đang hình thành một cách mạnh mẽ giữa lòng vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ, các địa phương đã giúp đỡ và cùng với ĐHQG-HCM xây dựng một mô hình ĐH hiện đại gắn kết và phục vụ cộng đồng ngày càng rõ nét, hoàn thiện; các bạn bè trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp.  

        ĐHQG-HCM không chỉ là nơi lưu giữ, truyền đạt mà còn là nơi sáng tạo ra tri thức cho xã hội, khoa học, là một nhân tố quan trọng trong quá trình phát triển và hội nhập của đất nước Việt Nam.

    Bốn nhiệm vụ của tương lai

        Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thay mặt Đảng và Nhà nước, gửi đến các Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo ưu tú, toàn thể thầy và trò, cán bộ công chức, viên chức, công nhân viên ĐHQG-HCM lời chúc mừng nồng nhiệt và những tình cảm tốt đẹp nhất.

        Chủ tịch nước ghi nhận những thành quả đóng góp của ĐHQG-HCM trong 20 năm qua cho đất nước. ĐHQG-HCM Từng bước chuẩn hóa các chương trình đào tạo theo các tiêu chuẩn, tiêu chí chung của quốc tế; hoàn thiện và áp dụng đại trà học chế tín chỉ trong tất cả các cơ sở đào tạo; tích cực áp dụng các hệ thống đảm bảo chất lượng quốc tế như AUN, ABET cho các chương trình đào tạo. Triển khai thí điểm việc xây dựng và phát triển chương trình đào tạo theo phương pháp tiếp cận CDIO (Connceive Design Implement Operate); tăng cường công tác kiểm định chất lượng đào tạo, tham gia đánh giá ngoài của Mạng lưới đại học Đông Nam Á (AUN).

    Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tặng chữ TRÍ cho ĐHQG-HCM.


        Phát triển mạnh đội ngũ cán bộ khoa học, quản lý trình độ cao, ngang tầm với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học mũi nhọn, phục vụ cộng đồng, được xã hội, doanh nghiệp công nhận và từng bước hội nhập một cách vững chắc vào hệ thống giáo dục đại học quốc tế. Từng bước nâng cao uy tín và vị thế trên trường quốc tế, là thành viên của nhiều tổ chức giáo dục quan trọng như AUF (Cơ quan  Đại học Pháp ngữ), AUN (Mạng lưới đại học Đông Nam Á), AUN/SEED-Net (Mạng lưới các trường đại học kỹ thuật Đông Nam Á), EUROCOM (gồm 6 trường đại học kỹ thuật hàng đầu của Châu Âu).

        Thay mặt Đảng, Nhà nước Chủ tịch nước ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương ĐHQG-HCM với những thành quả quan trọng đã đạt được trong suốt 20 năm qua.

    ĐHQG-HCM trao huy hiệu tôn vinh cho Chủ tịch nước.

        Tại buổi lễ, Chủ tịch nước giao nhiệm vụ cho ĐHQG-HCM cần phải đi đầu, thực hiện sáng tạo có hiệu quả cao mục tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết Trung ương đề ra phù hợp với đặc thù của mình. Theo hướng đó, Chủ tịch nước đề nghị trong những năm tới ĐHQG-HCM cần tập trung làm tốt một số vấn đề.

        Một là: Quán triệt sâu sắc mục tiêu Nghị quyết Trung ương đề ra cho việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo là xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, đáp ứng ngày càng tốt công cuộc bảo vệ Tổ quốc, trong đó đối với giáo dục đại học là tập trung đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, có một số trường và một số ngành đào tạo ngang tầm với khu vực và quốc tế. ĐHQG-HCM phấn đấu 10-15 năm tới không chỉ khẳng định được vai trò hàng đầu trong hệ thống giáo dục đại học mà phải ngang tầm với các trường đại học hàng đầu trong khu vực, có những ngành học ngang tầm quốc tế.

        Hai là: ĐHQG-HCM cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, kiểm tra, thi cử, kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục đào tạo theo hướng hiện đại, theo các tiêu chuẩn, tiêu chí quốc tế. Phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo, khả năng tiếp cận trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến thay đổi nhanh chóng trên thế giới và khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn của người học. Đồng thời phải hết sức coi trọng giáo dục nhân cách đạo đức, lối sống bồi đáp lòng yêu nước, tự hào dân tộc, truyền thống cách mạng, ý thức trách nhiệm với xã hội cho thế hệ trẻ.

        Ba là: Để trở thành trường đại học hàng đầu đất nước, ngang tầm khu vực và quốc tế yếu tố hết sức quan trọng là ĐHQG-HCM phải đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác nghiên cứu khoa học phải đồng thời trở thành một trong những trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu của đất nước về lĩnh vực đào tạo mà trường có thế mạnh.

        Kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục, đào tạo với nghiên cứu khoa học không chỉ để phát huy tiềm năng trí tuệ của đội ngũ cán bộ khoa học của trường vào giải quyết các vấn đề của đất nước, đồng thời là cơ sở để nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao trình độ của cả thầy giáo và sinh viên.

        Bốn là: Để thực hiện những nhiệm vụ trên, điều có ý nghĩa quyết định là ĐHQG-HCM phải xây dựng được đội ngũ các thầy, cô giáo, cán bộ quản lý có trình độ cao, có phẩm chất đạo đức trong sáng, tâm huyết, tận tụy với sự nghiệp trồng người cao quý, say sưa với công tác nghiên cứu khoa học, là tấm gương sáng cho sinh viên noi theo.

        Tại buổi lễ, ĐHQG-HCM đã trao huy hiệu tôn vinh cho Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

        Để ghi nhận những đóng góp của ĐHQG-HCM đối với sự phát triển của nền giáo dục, khoa học công nghệ cũng như sự phát triển toàn diện và bền vững của địa phương, Bộ GD&ĐT, Bộ KH&CN, UBND TP.HCM, UBND tỉnh Bình Dương đã quyết định tặng cờ cho ĐHQG-HCM.

    Đại diện bộ Giáo dục và Đào tạo tặng cờ thi đua cho ĐHQG-HCM.

    Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân tặng cờ cho ĐHQG-HCM

    Đại diện TP.HCM tặng cờ cho ĐHQG-HCM.

    Đại diện tỉnh Bình Dương tặng cờ cho ĐHQG-HCM.


    Bài, ảnh: Thái Việt, Minh Châu

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên