Địa phương

Nghiên cứu khoa học - chuyển giao công nghệ: Góp phần phát triển kinh tế địa phương

  • 28/12/2023
  • Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được xem là công cụ nhằm gia tăng chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, đặc biệt là trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0. Các viện nghiên cứu, trường đại học chính là nơi chủ yếu tạo ra công nghệ và tài sản trí tuệ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

    Là một trong hai tổ chức giáo dục đại học lớn nhất của Việt Nam, ĐHQG-HCM xác định tầm nhìn trong mục tiêu chiến lược đến năm 2030 là trở thành đại học nghiên cứu. Trong đó, ĐHQG-HCM tiếp tục sứ mạng tạo ra những công trình nghiên cứu khoa học quan trọng, đi đầu trong đổi mới, đóng góp thiết thực vào công cuộc phát triển đất nước, thúc đẩy tiến bộ xã hội.

    Chuyển giao công nghệ theo nhu cầu của địa phương

    Trước bối cảnh của một nền kinh tế đang phát triển, hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) theo hướng ứng dụng và chuyển giao công nghệ (CGCN) của các viện nghiên cứu, trường đại học tại Việt nam còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, ĐHQG-HCM luôn linh động, đa dạng hóa các hình thức CGCN nhằm thực hiện nhiệm vụ đưa KH&CN vào phục vụ cộng đồng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

    Thông qua các chương trình hợp tác về KH&CN giữa địa phương và ĐHQG-HCM, các kết quả nghiên cứu sẽ được chuyển giao trực tiếp từ nguồn kinh phí địa phương hoặc theo chương trình hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước. Các công trình tiêu biểu có thể kể đến như Viện Công nghệ Nano ĐHQG-HCM chuyển giao 5 hệ thống quan trắc và cảnh báo xâm nhập mặn tự động cho một số tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, gồm: Vĩnh Long (3 hệ thống) và Bến Tre (2 hệ thống). Công nghệ và thiết bị của hệ thống quan trắc sử dụng năng lượng mặt trời, được kết hợp đầu đo cảm biến nano. Hệ thống có thể cung cấp thông tin về độ mặn của nước sông tức thời và liên tục 24/24 qua điện thoại và mạng Internet, giúp chính quyền địa phương và người dân nắm bắt thông tin xâm nhập mặn, từ đó có giải pháp ứng phó kịp thời.

    Hệ thống quan trắc và cảnh báo xâm ngập mặn tại Bến Tre.

    “Túi trữ nước ngọt” do Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu Polymer và Composite (Trường ĐH Bách Khoa) nghiên cứu, được chuyển giao cho nhân dân xã Tân Trung, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre sử dụng được tài trợ bởi Công ty Raycean (Nhật Bản). Kết quả chuyển giao đóng góp một phần không nhỏ trong hoạt động ứng phó tình hình xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu gây ra cho khu vực này. Chuyển giao kết quả nghiên cứu “Mô hình Aquaponics” của nhóm nghiên cứu từ Trường ĐH Khoa học Tự nhiên cho tỉnh Tây Ninh. Mô hình này được chuyển giao theo đặt hàng của địa phương và có kết hợp đào tạo ứng dụng mô hình. Bước đầu đã có những hiệu quả đáng ghi nhận theo định hướng hình thành mô hình phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống người dân tại địa phương. Kết quả chuyển giao được địa phương và các nhà khoa học của ĐHQG-HCM lên phương án nhân rộng mô hình.

    Hệ thống Aquaponics tại Tây Ninh.

    Chuyển giao công nghệ theo chương trình hợp tác với doanh nghiệp

    Đây là phương thức CGCN được ĐHQG-HCM vận dụng rất linh hoạt trong bối cảnh thị trường KH&CN ở Việt Nam vẫn còn rất thấp, nhằm thúc đẩy việc đưa KH&CN ứng dụng vào thực tiễn. Điển hình là dự án “Phát triển công nghệ chế tạo hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh sử dụng LED” do nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Bách Khoa và Công ty Bóng đèn Điện Quang phối hợp thực hiện. Tổng kinh phí dự án hơn 50 tỷ đồng được triển khai qua 3 giai đoạn: nghiên cứu, hoàn thiện thiết kế, thực hiện chuyển giao cho doanh nghiệp, chế tạo ở quy mô công nghiệp và xây dựng hệ thống cơ sở nghiên cứu sâu về chiếu sáng thông minh để thực hiện đào tạo nhân lực về lĩnh vực này. Mục tiêu của dự án là hình thành sản phẩm phục vụ chương trình “Thành phố thông minh” (Smart City) tại các địa phương, đặc biệt là tại TP.HCM.

    Hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh.

    Có thể nói, từ năm 2018 đến nay, tại Việt Nam, những thách thức về thị trường KH&CN vẫn là yếu tố tác động rất lớn và trực tiếp đến hoạt động CGCN từ các trường đại học, viện nghiên cứu. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực của toàn bộ hệ thống, sự linh hoạt trong việc thực hiện mục tiêu đưa KH&CN phục vụ cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế của quốc gia, hoạt động NCKH&CGCN của ĐHQG-HCM đã gặt hái những kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương và doanh nghiệp khu vực phía Nam.

    Bài, ảnh: LÂM QUANG VINH

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên