Tin tổng hợp

Những nét nổi bật trong tư duy giáo dục TP.HCM 40 năm

  • 06/05/2015
  • Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) trong bốn thập niên qua (1975-2015) đã có những bước tiến lớn, đạt được nhiều thành tựu ấn tượng trong đổi mới - phát triển và hội nhập, để lại nhiều bài học rất có ý nghĩa cho Thành phố (TP) cũng như cho cả nước.
     

    ĐHQG-HCM trong ngày Khai khóa. Ảnh: Thái Việt.Nhãn

    Có thể nêu ra một số đặc trưng nổi bật trong tư duy GD&ĐT của TP như sau:

    Nhìn thẳng vào sự thật

    Mỗi khi tổng kết một giai đoạn, một kế hoạch, bên cạnh những thành tích đạt được, TP luôn chú tâm nhìn ra những tồn tại, yếu kém; từ đó có chủ trương biện pháp khoa học, khả thi để khắc phục và phát triển. Năm 1998, tại cuộc họp sơ kết 18 tháng thực hiện Nghị quyết Hội nghị TW II Khóa VIII về GD&ĐT, Thành ủy đã nhận định: Tình hình dạy và học ở vùng nông thôn, ngoại thành, vùng sâu còn nhiều bất cập, thiếu thốn, khó đạt được mục tiêu phổ cập THCS. Nhờ cái nhìn không tô hồng, không bôi đen đó mà TP tìm ra những bước đi đúng đắn để vực dậy nền GD&ĐT ở đây phát triển ngày càng căn cơ, bền vững.

    Đặt mục tiêu cao để phấn đấu

    Trong những năm 1986-1998, tiếp nhận tư duy đổi mới của đất nước, GD&ĐT TP tập trung cho mục tiêu giáo dục toàn diện, đổi mới toàn diện từ công tác quản lý đến việc liên thông các ngành học, bậc học; đa dạng hóa các loại hình trường lớp, các cấp học; gắn GD&ĐT với phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường xã hội hóa giáo dục…

    Tư duy phát triển GD&ĐT với kế hoạch lớn, mục tiêu cao như vừa nêu xuất phát từ ý thức trách nhiệm “cùng cả nước, vì cả nước” trong mọi lĩnh vực hoạt động của TP. Mặc dù không phải lúc nào cũng cho kết quả như mong đợi, thậm chí đôi khi còn ít nhiều nóng vội, duy ý chí nhưng nhìn chung đó là biểu hiện tính năng động và tư duy tích cực của lãnh đạo và nhân dân TP.

    Hài hòa giữa đại trà và đỉnh cao

    Một mặt, TP luôn ưu tiên vực dậy những cơ sở giáo dục gặp nhiều khó khăn, nhất là vùng ngoại thành, vùng nông thôn, vùng xa. Mặt khác, TP rất chú trọng thúc đẩy vai trò tiên phong của các cơ sở giáo dục đầu tàu; đầu tư đồng bộ và mạnh mẽ cho các trường điểm, trường chuẩn, trường năng khiếu như Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Du, Phổ thông Năng Khiếu, Sư phạm Thực nghiệm, Đại học Quốc Tế…

    Từ đó cho thấy các cấp lãnh đạo TP có tư duy cài lồng giữa tiệm tiến và nhảy vọt, giữa đại trà và đỉnh cao trong GD&ĐT. Tiệm tiến và ổn định để duy trì trạng thái cân bằng, nhưng cũng cần xây dựng những mũi nhọn, những đầu tàu để tạo bước nhảy vọt cục bộ, dẫn tới chuyển biến toàn bộ. Tư duy này thể hiện rõ khát khao về một sự phát triển nhanh và bền vững của TP.

    Chủ động, sẵn sàng hội nhập

    Từ giữa thập niên 1980, GD&ĐT TP có sự chuyển dịch rất đáng chú ý: từ hợp tác - hội nhập trong nội bộ khối xã hội chủ nghĩa sang hội nhập giáo dục toàn cầu; từ chỗ chỉ có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực theo chỉ tiêu, phục vụ cho kế hoạch hóa tập trung của Nhà nước, sang đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu rộng rãi cho mọi thành phần kinh tế; từ chỗ coi lĩnh vực giáo dục là thuần túy phúc lợi, sang nhận thức giáo dục là lĩnh vực ưu tiên trong đầu tư phát triển...

    Có thể nói tư duy chủ động, sẵn sàng hội nhập thể hiện rất rõ trong chương trình các cấp học. Ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh và tin học trở thành chìa khóa trong vốn tri thức cần thiết. Giáo dục TP đã sớm quan tâm vấn đề này. Ngay cấp tiểu học, hiện nay đã có 91% số trường dạy ngoại ngữ, phần lớn là tiếng Anh tăng cường, còn lại là tiếng Anh tự chọn; 79,5% số trường có dạy tin học. Nhìn sang bậc đại học thì quá trình hội nhập càng diễn ra nhanh hơn và kết quả cũng rõ rệt hơn. Tiêu biểu là ĐHQG-HCM, một trong ba đại học tiên phong gia nhập mạng lưới của 26 đại học lớn nhất Đông Nam Á. Tính khai phóng và hội nhập của đại học này thể hiện ở chỗ: phát triển theo hướng nghiên cứu, phấn đấu đứng vào tốp đầu của những đại học tiên tiến châu Á, có những sản phẩm KH-CN đạt đỉnh cao, phục vụ cộng đồng.

    Tư duy là vấn đề thuộc năng lực, phẩm chất và phương pháp tiếp cận vấn đề. Muốn có đổi mới trong cuộc sống, trước hết phải có đổi mới về tư duy. Cần nhận ra rằng những tư duy ở trên là một bộ phận quan trọng trong tư duy đổi mới chung của cả nước, nhưng vẫn mang dáng dấp riêng nổi trội về tính linh hoạt, năng động, sáng tạo, phản ánh truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân TP.

     

                              PGS.TS Nguyễn Tấn Phát
    (Nguyên Giám đốc ĐHQG-HCM)

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên