Tin tức - Sự kiện

Phong tục và tín ngưỡng Việt Nam qua tư liệu Hán Nôm thời trung đại - NCS. Tạ Đức Tú

  • 02/06/2021
  • Tên luận án: Phong tục và tín ngưỡng Việt Nam qua tư liệu Hán Nôm thời trung đại
    Chuyên ngành: Văn hóa học
    Mã số: 9229040
    Họ và tên nghiên cứu sinh: Tạ Đức Tú
    Người hướng dẫn khoa học: Nguyễn Kim Châu, Nguyễn Ngọc Quận
    Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn- ĐHQG TPHCM
    + Tóm tắt nội dung luận án
    Luận án “Phong tục và tín ngưỡng Việt Nam qua tư liệu Hán Nôm thời trung đại” đặt mục tiêu khảo sát nguồn tư liệu Hán Nôm về phong tục và tín ngưỡng nhằm làm rõ những giá trị cũng như hạn chế của phong tục và tín ngưỡng đã tồn tại trong đời sống văn hóa người Việt. Luận án đã khảo sát và chỉ ra được những nội dung cũng như đánh giá căn bản các giá trị của phong tục và tín ngưỡng tồn tại và được phản ánh qua tư liệu Hán Nôm. Toàn bộ luận án được chia làm 3 chương như sau:
    Chương 1: Cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn. Ở chương này chúng tôi trình bày cơ sở lý luận là khái niệm của phong tục, tín ngưỡng cũng như tình hình nghiên cứu phong tục, tín ngưỡng hiện nay. Từ nền tảng lý luận đó, chúng tôi trình bày cơ sở thực tiễn bao gồm tình hình nghiên cứu phong tục, tín ngưỡng qua tư liệu Hán Nôm như thế nào, những vấn đề còn bỏ ngỏ và nguồn tư liệu nghiên cứu vấn đề này ra sao. Trong phạm vi nguồn tư liệu, chúng tôi đã hệ thống được hai nguồn tư liệu phản ánh xuyên suốt nội dung phong tục, tín ngưỡng đó là tư liệu địa chí và tư liệu hương ước.
    Chương 2: Nội dung phong tục qua tư liệu địa chí và hương ước Hán Nôm. Ở chương này chúng tôi trình bày về phong tục lễ tết, phong tục hôn nhân và phong tục tang ma. Trong đó, phong tục lễ tết được phản ánh đầy đủ nhất trong các bộ địa chí Hán Nôm. Về phong tục trong tư liệu hương ước chữ Hán: chúng tôi trình bày về phong tục hương ẩm, phong tục lễ tết, phong tục hôn nhân và phong tục tang ma. Đây là những phong tục được phản ánh đầy đủ trong hầu hết các bản hương ước chữ Hán.
    Chương 3: Nội dung tín ngưỡng qua tư liệu địa chí và hương ước Hán Nôm. Ở chương này chúng tôi trình bày về việc thờ thần, thờ Phật và thờ cúng tổ tiên. Trong đó, tín ngưỡng thờ thần, thờ Phật được phản ánh đầy đủ nhất trong các bộ địa chí Hán Nôm. Bên cạnh đó là các tín ngưỡng thờ Hậu, cúng lễ cầu mưa và Thường tân, tuy ít phổ biến hơn việc cúng thần nhưng cũng được quy định rõ ràng và cụ thể trong tư liệu hương ước Hán Nôm.
    + Những kết quả của luận án
    1. Về mặt khoa học: chỉ ra những giá trị văn hóa của phong tục và tín ngưỡng trong tư liệu Hán Nôm là khẳng định lại những giá trị văn hóa tinh thần truyền thống của cộng đồng người Việt trong chiều dài lịch sử dân tộc. Nhiệm vụ khoa học của đề tài là làm sáng rõ những đặc điểm văn hóa đặc trưng của phong tục và tín ngưỡng Việt Nam đã được ghi chép trong các thư tịch Việt Nam thời trung đại.
    2. Về mặt thực tiễn: kết quả phân tích những đặc điểm của phong tục, tín ngưỡng trong tư liệu Hán Nôm sẽ góp phần định hình cách nhìn về những nét văn hóa tinh thần truyền thống tốt đẹp mà người Việt từng có trong quá khứ. Những điều đó đã được ghi nhận, phản ánh, nên chúng ta cần thấy được những giá trị bất biến qua thời gian ấy để giữ gìn và phát huy. Đồng thời luận án cũng chỉ ra những tệ tục, những dị đoan trong đời sống tinh thần đã tồn tại dai dẳng trong cộng đồng người Việt. Những tệ tục, dị đoan này góp phần làm trì trệ trong tư duy và ứng xử, tổn hại cả vật chất lẫn tinh thần của người Việt, cần được loại trừ trong bối cảnh văn hóa mới.
    3. Hướng phát triển tiếp theo của luận án:
    Với hướng tiếp cận này, chúng ta có thể nghiên cứu tiếp các vấn khác như tôn giáo, tư tưởng được phản ánh qua tư liệu Hán Nôm. Cũng có thể nghiên cứu tiếp nội dung phong tục qua các tư liệu khác như văn học, lịch sử.
     

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên