Tin tức - Sự kiện

Quan hệ Nhật Bản - Việt Nam (1954 - 1975) - NCS. Nguyễn Vũ Kỳ

  • 09/02/2023
  • Tên đề tài luận án: Quan hệ Nhật Bản - Việt Nam (1954 - 1975)
    Ngành: Lịch sử thế giới
    Mã số: 9229011
    Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Vũ Kỳ
    Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Nguyễn Tiến Lực
    Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM
    1. Tóm tắt nội dung luận án
    Được thực hiện dựa trên một nền sử liệu phong phú, xác thực và đáng tin cậy, cũng như là một công trình toàn diện, chuyên sâu và có hệ thống, luận án đã phục dựng và lý giải khá cặn kẽ các vấn đề trong mối quan hệ đa dạng giữa Nhật Bản và Việt Nam giai đoạn 1954 - 1975 vốn còn nhiều điều bỏ ngỏ ở cả Nhật Bản và Việt Nam.
    Nhật Bản đã công nhận Việt Nam Cộng hòa và triển khai chính sách với chính quyền này dựa trên các nguyên tắc cơ bản của nền ngoại giao Nhật Bản thời “hậu chiến”. Việc thừa nhận Việt Nam Cộng hòa và bồi thường chiến tranh cho chính quyền này vừa để giải quyết vấn đề còn tồn tại sau chiến tranh của Nhật Bản, vừa là công cụ cho chính sách “ngoại giao kinh tế”. Tuy Nhật Bản và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chưa có quan hệ ngoại giao chính thức cho đến năm 1973, nhưng không có nghĩa hai bên hoàn toàn không có quan hệ gì với nhau. Đối lập với chính phủ, các đảng cánh tả và tổ chức, đoàn thể Nhật Bản đã ủng hộ chính phủ Hồ Chí Minh và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, phản đối can thiệp của Mỹ vào miền Nam Việt Nam, yêu cầu các bên thực thi nghiêm túc Hiệp định Genève 1954. Cùng với đó, quan hệ thương mại giữa Nhật Bản và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bắt đầu được triển khai từ giữa thập niên 1950 nhưng kim ngạch rất hạn chế, than Hòn Gai là mặt hàng Nhật Bản nhập khẩu chủ lực từ miền Bắc Việt Nam.
    Từ năm 1965, mối quan hệ Nhật Bản - Việt Nam đã bị tác động mạnh mẽ và sâu sắc khi Mỹ leo thang chiến tranh toàn diện tại Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Nhật Bản đã ủng hộ Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam, tăng cường ủng hộ Việt Nam Cộng hòa với việc gia tăng viện trợ phi quân sự, mặt khác cho rằng không thù địch đối với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với biện giải việc ủng hộ Mỹ là do ràng buộc bởi Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ. Trong khi đó, tiếp tục đối lập với chính phủ, các chính đảng và đông đảo nhân dân Nhật Bản đã phản chiến rầm rộ, phản đối Mỹ và chính phủ Nhật Bản, ủng hộ chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nhân dân Việt Nam. Đồng thời, hoạt động giao lưu nhân dân và quan hệ thương mại giữa Nhật Bản và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng được duy trì trong khi Chiến tranh Việt Nam đang diễn ra ác liệt. Đầu thập niên 1970, chịu tác động của “Cú sốc Nixon” và không khí hòa dịu do Hiệp định Paris được ký kết, Nhật Bản đẩy mạnh “ngoại giao tự chủ”, tiến tới thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau đó, Nhật Bản nhanh chóng thừa nhận Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và cùng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xử lý “những vấn đề chưa được giải quyết” khi Chiến tranh Việt Nam vừa kết thúc, cũng như bày tỏ mong muốn đóng góp xử lý các vấn đề “hậu Chiến tranh Việt Nam”.
    Trong bầu không khí căng thẳng của Chiến tranh Lạnh và Chiến tranh Việt Nam, quan hệ Nhật Bản - Việt Nam những năm 1954 - 1975 là mối quan hệ đa dạng và phức tạp, vừa hợp tác, vừa đối lập. Tuy có nhiều điểm bất cân xứng nhưng quan hệ hai nước thời kỳ này để lại nhiều di sản quý báu và bài học kinh nghiệm để hai nước có thể kế thừa, phát triển mối quan hệ Nhật - Việt sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc, cho đến hiện nay và cả trong tương lai.
    2. Những kết quả của luận án
    (1) Luận án đã tổng hợp và phân loại, sắp xếp các công trình nghiên cứu liên quan đến quan hệ Nhật Bản - Việt Nam thời kỳ 1954 - 1975 của các tác giả trong và ngoài nước theo từng nhóm nội dung; đồng thời, khái quát nội dung chính và đúc rút được những thành công và hạn chế của các công trình nghiên cứu đó.
    (2) Luận án đã làm rõ các nhân tố tác động đến quan hệ Nhật - Việt, những mối liên hệ đưa đến việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Quốc gia Việt Nam xoay quanh Hội nghị San Francisco, các quan hệ về chính trị - ngoại giao, kinh tế thương mại, hợp tác giáo dục, y tế, văn hóa … giữa Nhật Bản và Việt Nam Cộng hòa; sự ủng hộ của các chính đảng và tổ chức, đoàn thể Nhật Bản đối với chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, hoạt động giao lưu nhân dân và việc thiết lập, triển khai quan hệ thương mại Nhật Bản - Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
    (3) Sau Sự kiện Vịnh Bắc Bộ (8/1964), Mỹ đã leo thang chiến tranh trên toàn đất nước Việt Nam với việc ném bom miền Bắc và đưa quân tham chiến trực tiếp tại miền Nam Việt Nam. Luận án đã làm sáng tỏ thái độ lập trường của chính phủ Nhật Bản về cuộc Chiến tranh Việt Nam và đối với hai miền Nam - Bắc Việt Nam; các hoạt động hợp tác trong mối quan hệ tương đối toàn diện Nhật Bản - Việt Nam Cộng hòa; phong trào chống Mỹ, phản đối chiến tranh và ủng hộ Việt Nam của các tầng lớp nhân dân Nhật Bản, thành quả của việc duy trì hợp tác thương mại Nhật Bản - Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong bối cảnh Việt Nam có chiến tranh và các vấn đề xoay quanh việc đàm phán, thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản - Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
    (4) Dựa trên những kết quả nghiên cứu về quan hệ Nhật Bản - Việt Nam giai đoạn 1954 - 1975, luận án đã nêu ra và phân tích những đặc trưng của mối quan hệ hai nước thời kỳ này, đồng thời đúc kết được một số kinh nghiệm lịch sử để tăng cường, cố kết quan hệ Nhật - Việt cả trong hiện tại và tương lai.
    3. Khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu:
    Luận án làm sáng tỏ nhiều vấn đề quan trọng trong mối quan hệ Nhật Bản - Việt Nam giai đoạn 1954 - 1975, góp phần bổ sung nguồn tài liệu vừa toàn diện vừa chuyên sâu về lịch sử quan hệ Nhật - Việt thời kỳ hiện đại; có thể dùng làm tài liệu phục vụ giảng dạy, nghiên cứu, tham khảo, học tập cho các nhà nghiên cứu, nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên các ngành Nhật Bản học, Lịch sử Thế giới, Lịch sử Việt Nam và Quan hệ quốc tế. Luận án cũng góp phần thúc đẩy giao lưu nghiên cứu và tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa học giả và nhân dân hai dân tộc, góp phần xây dựng và thắt chặt mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước cả ở hiện tại và trong tương lai.
    Luận án đóng góp vào việc phát triển nghiên cứu về quan hệ Nhật - Việt ở Việt Nam, cùng với các công trình nghiên cứu của các học giả đi trước, góp phần nối kết liền mạch nghiên cứu về quan hệ Nhật - Việt từ quá khứ đến hiện tại. Đồng thời, luận án cũng gợi mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới, những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu như: tác động của Chiến tranh Việt Nam đối với kinh tế, xã hội Nhật Bản, đóng góp của Nhật Bản trong việc xử lý các vấn đề thời kỳ hậu Chiến tranh Việt Nam…

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên