Tin tức - Sự kiện

Tính bền vững của các tổ chức hoạt động tài chính vi mô - Nghiên cứu trường hợp một số quốc gia Đông Nam Á - NCS. Phan Thanh Bình

  • 14/07/2023
  • Tên đề tài: Tính bền vững của các tổ chức hoạt động tài chính vi mô - Nghiên cứu trường hợp một số quốc gia Đông Nam Á
    Chuyên ngành: Tài chính – Ngân hàng
    Mã số: 62.34.02.01    
    Họ tên NCS: Phan Thanh Bình
    Mã số: 015201004    
    Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Trương Quang Thông
    Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM
    1. Tóm tắt luận án
    Luận án nhằm mục đích phân tích tác động của cấu trúc vốn, danh mục cho vay có rủi ro và mức độ tiếp cận khách hàng đến tính bền vững của các tổ chức hoạt động TCVM tại một số quốc gia Đông Nam Á và tại Việt Nam (giai đoạn 2006 – 2019). Dữ liệu phục vụ nghiên cứu do MIX Market cung cấp. Kết quả phân tích hồi quy với mô hình system GMM cho thấy, trong bối cảnh các tổ chức hoạt động TCVM tại một số quốc gia Đông Nam Á, tiền gửi, vốn vay và nợ khác có mối quan hệ tiêu cực, trong khi đó, vốn chủ sở hữu có tác động tích cực đến tính bền vững OSS. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam, tiền gửi và vốn vay có mối quan hệ không rõ ràng, không đủ ý nghĩa thống kê với OSS; vốn chủ sở hữu và nợ khác có mối quan hệ tích cực với OSS. Ngoài ra, tác giả cũng tìm thấy mối quan hệ phi tuyến giữa cấu trúc vốn và tính bền vững của các tổ chức hoạt động TCVM tại một số quốc gia Đông Nam Á, trong đó thể hiện, tiền gửi và vốn vay tác động tiêu cực, ổn định lên OSS ở cả mức cao và thấp, trong khi vốn chủ sở hữu có tác động không vững và nợ khác không có mối quan hệ phi tuyến với OSS.
    Bên cạnh đó, kết quả phân tích hồi quy cũng cho thấy, danh mục cho vay có rủi ro (PAR>30) có mối quan hệ tuyến tính và phi tuyến với tính bền vững của các tổ chức hoạt động TCVM tại một số quốc gia Đông Nam Á (OSS). Theo đó, ở mức thấp PAR>30 có quan hệ tiêu cực với OSS, song ở mức cao hơn (nhưng không phải quá cao), PAR>30 có mối quan hệ tích cực với OSS. Trong bối cảnh Việt Nam, PAR>30 có mối quan hệ tuyến tính tích cực với OSS. Mặt khác, các phân tích hồi quy cũng cho thấy, không tồn tại quan điểm vốn nhận viện trợ là vốn “cho không, biếu không” nên không chú trọng quản trị, thay vào đó đặt nặng quản trị nguồn vốn thương mại vì đây là những khoản phải trả.
    Cuối cùng, các kết quả phân tích hồi quy chỉ ra rằng, trôi dạt sứ mạng đã không xảy ra trong bối cảnh các tổ chức hoạt động TCVM tại một số quốc gia Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng (xét trên khía cạnh độ sâu tiếp cận). Các tổ chức hoạt động TCVM tại một số quốc gia Đông Nam Á (bao gồm Việt Nam) vẫn có thể đạt mục tiêu bền vững OSS trong quá trình phục vụ khách hàng nghèo. Tuy nhiên, ở phương diện độ rộng tiếp cận, so với trung bình Đông Nam Á, các tổ chức hoạt động TCVM tại Việt Nam có số lượng khách hàng vay vốn càng nhiều, càng làm giảm tác động tiêu cực của PAR>30 lên OSS và càng có lợi cho việc gia tăng tính bền vững OSS, trong khi đó, các tổ chức hoạt động TCVM tại một số quốc gia Đông Nam Á có số lượng khách hàng vay vốn càng nhiều, càng làm tăng tác động tiêu cực của PAR>30 lên OSS và tính bền vững OSS càng bị xói mòn.
    2. Những kết quả mới của luận án
    Một là, khi đánh giá tính bền vững của các tổ chức hoạt động TCVM nên chú trọng vào nguồn thu nhập gắn liền với sứ mạng TCVM (tức thu nhập từ cho vay, tiết kiệm, thanh toán,..) và cần loại bỏ nguồn thu nhập không từ hoạt động chính, không gắn liền với tôn chỉ hoạt động và sứ mạng của ngành công nghiệp TCVM.
    Hai là, khi nghiên cứu mức độ tiếp cận khách hàng nghèo (theo chiều sâu), cũng như phân tích về sự trôi dạt sứ mạng của các tổ chức hoạt động TCVM trong phục vụ khách hàng nghèo và đo lường mức nghèo của khách hàng TCVM với thước đo quy mô khoản vay bình quân trên mỗi khách hàng vay vốn (ALSPB), nhất là đối với những nghiên cứu trên phạm vi nhiều quốc gia, để có thể kiểm soát mức nghèo bình quân cho các khách hàng TCVM ở các quốc gia khác nhau, cần thiết tham chiếu ALSPB với thu nhập bình quân đầu người của các quốc gia.
    Ba là, luận án cho thấy, trong bối cảnh một số quốc gia Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam), các nhà quản trị tại các tổ chức hoạt động TCVM không mang quan điểm nguồn vốn nhận viện trợ là vốn “cho không, biếu không” trong quản trị và không có sự khác biệt về quan điểm quản trị giữa các nguồn vốn như nguồn vốn chủ sở hữu (bao gồm vốn nhận tài trợ) và các nguồn vốn thương mại (vốn vay, tiền gửi).
    Bốn là, luận án này góp phần làm sáng tỏ vấn đề ngưỡng PAR>30 mục tiêu của các tổ chức hoạt động TCVM. Thông qua đó đưa ra lời giải đáp cho câu hỏi, có phải PAR>30 luôn tác động tiêu cực đến tính bền vững OSS, bất kể ở các tỷ lệ cao/ thấp khác nhau? Như vậy, luận án lấp đầy khoảng trống về vấn đề ngưỡng PAR>30 mục tiêu.
    Cuối cùng, luận án góp phần lấp đầy khoảng trống về vấn đề “Trôi dạt sứ mạng” của các tổ chức TCVM (Mission drift), cũng như cung cấp bằng chứng cho thấy các tổ chức hoạt động TCVM tại một số quốc gia Đông Nam Á (và Việt Nam nói riêng) vẫn có thể đạt được bền vững trong quá trình phục vụ khách hàng nghèo.
    3. Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hay những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
    Luận án góp phần xác định tồn tại ngưỡng nợ mục tiêu của các tổ chức hoạt động TCVM. Kết quả nghiên cứu này giúp các tổ chức hoạt động TCVM xác định ngưỡng nợ mục tiêu tối ưu, từ đó, có thể vận dụng vào trong hoạt động thực tiễn tại các tổ chức hoạt động TCVM góp phần tăng cường và tối đa hóa tính bền vững OSS. Bên cạnh đó, luận án còn cung cấp bằng chứng cho thấy tồn tại ngưỡng danh mục cho vay có rủi ro trên 30 ngày (PAR>30). Đây là cơ sở để các tổ chức hoạt động TCVM tham chiếu trong quá trình hoạt động nhằm xây dựng chính sách cho vay phù hợp, một mặt nhằm tối đa hóa danh mục cho vay (cơ sở tạo ra lợi nhuận), mặt khác hạn chế tối đa rủi ro có thể phát sinh trong quá trình hoạt động.
    Ngoài ra, luận án cũng đã góp phần làm sáng tỏ vấn đề tranh luận trong thực tiễn và cung cấp bằng chứng cho thấy, các nhà quản trị tại các tổ chức hoạt động TCVM không mang quan điểm vốn nhận viện trợ là vốn “cho không, biếu không” nên không chú trọng quản trị trong thực tiễn hoạt động của các tổ chức hoạt động TCVM. Không có sự khác biệt trong quan điểm quản trị các nguồn vốn hoạt động tại các tổ chức hoạt động TCVM. Luận án cũng cung cấp bằng chứng cho thấy các tổ chức hoạt động TCVM vẫn có thể đạt được bền vững trong quá trình phục vụ khách hàng nghèo; trôi dạt sứ mạng đã không xảy ra trong bối cảnh các tổ chức hoạt động TCVM tại một số quốc gia Đông Nam Á (và Việt Nam nói riêng). Các kết quả này giúp các tổ chức TCVM xây dựng, điều chỉnh chính sách hoạt động phù hợp theo hướng hướng tới khách hàng mục tiêu là người nghèo, người có thu nhập thấp.
    Các nghiên cứu tiếp theo có thể phân tích thêm tác động của các yếu tố khác đến tính bền vững OSS như tỷ lệ khách hàng vay vốn là nữ, các tương tác giữa khách hàng vay vốn là nữ và danh mục cho vay có rủi ro, tỷ lệ xóa nợ,.., đồng thời, cập nhật bộ dữ liệu về TCVM (nhất là cập nhật về mặt thời gian) để có thể cung cấp các đánh giá toàn diện hơn nữa về tính bền vững của các tổ chức hoạt động TCVM tại một số quốc gia Đông Nam Á nói chung và tại Việt Nam nói riêng.

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên