Tin tức - Sự kiện

Triết lý nhân sinh của Phật Giáo Nam tông trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người Khmer ở Kiên Giang - NCS. Lê Minh Hải

  • 29/08/2022
  • Tên đề tài: Triết lý nhân sinh của Phật Giáo Nam tông trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người Khmer ở Kiên Giang
    Chuyên ngành: Triết học  
    Mã số: 9.22.90.01
    Họ và tên Nghiên cứu sinh: Lê Minh Hải
    Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Lương Minh Cừ
    Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh.
    1. Tóm tắt nội dung luận án
    Là một trong những hệ tư tưởng điển hình trong nền văn hóa dân tộc Việt Nam, triết lý nhân sinh của Phật giáo Nam tông in đậm trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người Khmer ở Kiên Giang, tạo nên những sắc thái trong các lĩnh vực tư tương, phong tục tạp quán, văn học nghệ thuật, lễ hội, nghệ thuật, giáo dục. Hầu hết các hoạt động trong đời sống của cộng đồng người Khmer đều xuất phát từ triết lý nhân sinh những lời chế định của đức Phật. 
    Có thể khái quát nội dung nghiên cứu của luận án thành những gốc độ nghiên cứu cơ bản sau: 
    Thứ nhất, thông qua những công trình nghiên cứu liên quan đến luận án, đó là: sự ảnh hưởng của triết lý nhân sinh của Phật giáo với tín ngưỡng và văn hoá từ những ngày đầu du nhập tạo nền tảng hình thành nên nền Phật giáo dân tộc. Phật giáo càng phát triển và bén rễ sâu trong đời sống trong đời sống xã hội thì sự gắn bó dân tộc càng sâu sắc hơn. Lịch sử 2000 năm triết lý nhân sinh Phật giáo trong lòng dân tộc Việt Nam đã minh chứng về một nền Phật giáo nhập thế. Phật giáo đã thực sự trở thành Phật giáo dân tộc, trở thành nền tảng tư tưởng chủ đạo trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và bảo vệ đất nước, đồng thời là bộ phận chủ yếu góp phần tạo nên nền văn hoá tinh thần đương thời của dân tộc.
    Thứ hai, luận án nghiên cứu về quá trình du nhập, phát triển về những nội dung cơ bản của triết lý nhân sinh Phật giáo Nam tông trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người Khmer ở Kiên Giang. Triết lý nhân sinh của Phật giáo luôn hướng đến hành động đúng lẽ phải, phân biệt chính/tà, thiện/ác, xây dựng một xã hội an bình. Lấy đạo đức, trí tuệ làm cốt lõi cho sự tồn tại và phát triển nên Phật giáo Nam tông Khmer là đạo của sự giác ngộ, giác ngộ để giải thoát khỏi tham lam, thù hận. Suy ra, nếu mỗi con người nhận thức đúng đắn về tự nhiên và xã hội, hiểu rõ quan hệ của cá nhân trong cộng đồng và ảnh hưởng của xã hội tới cá nhân, thì sẽ có hành động và ứng xử đúng mực, hài hòa giữa (con người và tự nhiên, cá nhân và cộng đồng), biết sống hòa đồng và tăng cường hỗ trợ lẫn nhau. Đồng thời, khuyên con người sống hướng thiện, tin vào nghiệp báo luân hồi. Từ đó, tự giác hành động hướng thiện, làm những việc tốt có ít cho bản thân, gia đình, xã hội.
    Thứ ba, luận án nghiên cứu về đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người Khmer ở Kiên Giang và ảnh hưởng của triết lý nhân sinh của Phật giáo Nam tông trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người Khmer ở Kiên Giang. Triết lý nhân sinh của Phật giáo Nam tông đã có mối quan hệ mật thiết với tư tưởng, tinh thần của cộng đồng người Khmer ở Kiên Giang và đã có sự biến đổi cho phù hợp với đặc điểm cư dân người Khmer. Triết lý nhân sinh của Phật giáo Nam tông Khmer trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người Khmer ở Kiên Giang là khuyến khích chính sách, biết tự khai thác năng lực nội sinh của mình để nỗ lực vươn lên, xây dựng hướng đi cho bản thân trong hoạt động thực tiễn. Bởi, nếu không có lý trí, không có khả năng tư duy “tùy biến”, con người sẽ bất lực và dễ dàng gục ngã trước những tác động phức tạp, biến động của cuộc sống, nhất là trong thời kỳ hội nhập. Triết lý sống của Phật giáo Nam tông trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người Khmer giúp con người có được nội tâm yên bình, trong sáng để duy trì cuộc sống bình ổn, hòa đồng, để cân bằng với và có trách nhiệm trong xã hội hiện đại. Trong suốt chiều dài của lịch sử, triết lý nhân sinh của Phật giáo Nam tông đã ảnh hưởng khá sâu đậm đến đời sống phong tục tập quán, lối sống và văn hóa nghệ thuật của cộng đồng người Khmer ở Kiên Giang với đạo lý sống nhân ái, vị tha, hướng thiện, có tình, có nghĩa, sống giản dị, chân tình, góp phần xây dựng xã hội mới, đã trở thành một yếu tố cấu thành văn hóa tinh thần, gắn bó với lịch sử dân tộc.
    Thứ tư, luận án đề xuất những phương hướng và giải pháp phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế tiêu cực của ảnh hưởng triết lý nhân sinh Phật giáo Nam tông trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người Khmer ở Kiên Giang. Góp phần thực hiện ngày càng tốt hơn những chủ trương, quyết sách của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là công tác nhân đạo, từ thiện, hạn chế những tiêu cực, mặt trái trong xã hội hiện đại. Phát huy những giá trị tốt đẹp của đạo đức Phật giáo Nam tông trong đời sống cộng đồng người Khmer ở Kiên Giang trong quá trình phát triển tỉnh Kiên Giang giàu đẹp. Đồng thời, nhằm tạo ra sự ổn định trong mỗi gia đình và từ đó đưa đến sự ổn định và phát triển trong quá trình phát triển của tỉnh Kiên Giang, điều này sẽ tạo nên ổn định, phát triển - là điều mà mọi người trong mọi xã hội, mọi thời đại đều mong muốn được thực hiện, được thụ hưởng.
    2. Những kết quả mới của luận án
    - Luận án góp phần làm rõ sự tác động, ảnh hưởng tích cực và hạn chế của triết lý nhân sinh Phật giáo Nam tông Khmer đối với đời sống tinh thần của cộng đồng người Khmer ở Kiên Giang. 
    - Đề xuất các phương hướng và giải pháp nhằm phát huy tính tích cực, khắc phục mặt hạn chế ảnh hưởng tiêu của triết lý nhân sinh Phật giáo Nam tông Khmer đối với đời sống tinh thần của cộng đồng người Khmer ở Kiên Giang.
    3. Khả năng ứng dụng của luận án
    Luận án đã góp phần làm rõ nội dung, đặc điểm triết lý nhân sinh của Phật giáo Nam tông; ảnh hưởng của nó đối với đời sống văn hóa tinh thần của người Khmer tại Kiên Giang một cách có hệ thống. Giúp người nghiên cứu hiểu rõ hơn vai trò của triết lý nhân sinh Phật giáo Nam tông trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người Khmer ở Kiên Giang. 
    Giúp cho Đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể của tỉnh Kiên Giang tham khảo từ đó có thể đề ra những chính sách, phương hướng, giải pháp trong công tác tôn giáo hiện nay phù hợp với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh Kiên Giang và đất nước ta. Đồng thời, luận án còn là một tài liệu tham khảo hữu ích cho người nghiện cứu, học tập ở các trường cao đẳng, đại học trong và ngoài nước nghiên cứu về triết học, tôn giáo, văn hóa.

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên