Tin tức - Sự kiện

Văn hóa ứng xử của người phụ nữ Việt miền Tây Nam Bộ trong quan hệ gia đình và xã hội (Trường hợp tỉnh Tiền Giang) - NCS. Lưu Công Minh

  • 27/02/2020
  • Tênluận án: Văn hóa ứng xử của người phụ nữ Việt miền Tây Nam Bộ trong quan hệ gia đình và xã hội (Trường hợp tỉnh Tiền Giang)
    Chuyên ngành: Văn hóa học; Mã số: 62.31.70.01
    Họ và tên nghiên cứu sinh: Lưu Công Minh
    Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Phan An - TS. Mai Mỹ Duyên
    Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG-HCM

    1. Tóm tắt nội dung luận án
    Văn hóa ứng xử thể hiện bên ngoài qua các hành vi như giao tiếp trong cộng đồng xã hội và thể hiện bên trong qua các chuẩn mực, giá trị đạo đức, văn hóa. Từ lý thuyết địa văn hoá, lý thuyết chức năng và cái nhìn về giới, luận án tiếp cận văn hoá ứng xử của người phụ nữ Việt ở Tiền Giang trong vùng văn hoá Tây Nam Bộ, qua đó thấy được những đặc điểm, nét riêng tiêu biểu của họ trong mối quan hệ với gia đình và xã hội, đồng thời thấy được vai trò, vị thế của người phụ nữ Tiền Giang trong bối cảnh giao lưu và hội nhập văn hoá hiện nay. Ngoài phần Dẫn nhập và Kết luận, luận án gồm có ba chương:
    Chương 1: Cơ sở lý thuyết và tổng quan về địa bàn nghiên cứu, xác lập các khái niệm, lý thuyết công cụ; khái quát về địa bàn tỉnh Tiền Giang trong vùng văn hoá Tây Nam Bộ và vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong gia đình, quan điểm của nhà nước về công tác phụ nữ thời kỳ đổi mới.
    Chương 2: Văn hóa ứng xử của phụ nữ Việt ở tỉnh Tiền Giang trong mối quan hệ với gia đình, làm rõ những nội dung cơ bản qua văn hóa ứng xử trong quan hệ vợ – chồng, cha mẹ – con cái, anh chị em; chỉ ra nét đặc trưng trong văn hoá ứng xử của người phụ nữ Việt ở Tiền Giang là thiết thực, bình đẳng, tương trợ trong quan hệ vợ chồng; linh hoạt bình đẳng trong việc phụng dưỡng cha mẹ hai bên.
    Chương 3: Văn hóa ứng xử của người phụ nữ Việt ở tỉnh Tiền Giang trong mối quan hệ xã hội, làm rõ văn hoá ứng xử qua các mối quan hệ: Cộng đồng dân cư nơi cư trú; trong quan hệ với chính quyền địa phương và trong Cơ quan - Đoàn thể; chỉ ra những nét đặc trưng như chan hòa, cởi mở, thân thiện và năng động, chủ động trong văn hóa ứng xử của người phụ nữ Việt ở Tiền Giang.
    2. Những kết quả của luận án
    2.1. Ý nghĩa khoa học
    (1). Luận án nghiên cứu một cách toàn diện về văn hoá ứng xử của người phụ nữ Việt ở tỉnh Tiền Giang, qua đó đóng góp về mặt lý luận cho việc nghiên cứu về mối quan hệ giữa con người và môi trường văn hóa; khẳng định những giá trị văn hóa ứng xử bền vững, phổ biến, nổi trội của người phụ nữ Tiền Giang trong gia đình và xã hội;
    (2). Khẳng định hướng tiếp cận nghiên cứu văn hóa ứng xử là một trong những con đường phù hợp mang lại giá trị khoa học và có ý nghĩa.
    2.2. Ý nghĩa thực tiễn
    (1). Làm cơ sở cho việc nghiên cứu và soạn thảo các công trình về phụ nữ Việt miền Tây Nam Bộ cũng như để các nhà quản lý xã hội tham khảo khi làm chính sách, đặc biệt là chính sách liên quan đến phụ nữ ở Tây Nam Bộ.
    (2). Kết quả nghiên cứu của luận án cung cấp thêm những cứ liệu khoa học quan trọng nhằm khẳng định vai trò, vị thế của người phụ nữ Việt miền Tây Nam Bộ nói riêng và phụ nữ Việt Nam nói chung trong việc thúc đẩy sự phát triển của gia đình và xã hội thông qua văn hóa ứng xử; là tài liệu tham khảo phục vụ học tập và nghiên cứu cho sinh viên, học viên sau đại học chuyên ngành văn hoá học.
    3. Hướng phát triển nghiên cứu tiếp theo
    Những công trình trong tương lai, tiếp tục nghiên cứu về văn hóa, văn hoá ứng xử của người phụ nữ nói chung và Tây Nam Bộ nói riêng trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế, từ đó đưa ra các dự báo/ cảnh báo những nguy cơ biến đổi xa dần căn tính văn hoá dân tộc.

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên