Tên luận án: Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp vận tải Thành phố Hồ Chí Minh
Chuyên ngành: Kinh tế học
Mã số: 9310101
Họ tên NCS: Vũ Thị Kim Hanh
Mã số NCS: N20702028
Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS Nguyễn Hồng Nga
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM
1. Tóm tắt luận án
Luận án phân tích và xác định yếu tố ảnh hưởng và mức độ ảnh hưởng của chúng đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp vận tải tại Thành phố Hồ Chí Minh (PTBV DNVT TP. HCM), từ đó đề xuất hàm ý chính sách. Mục tiêu cụ thể là phân tích và xác định yếu tố ảnh hưởng đến khía cạnh phát triển xã hội (PTXH) trên cơ sở công bằng xã hội, cơ hội việc làm, và phúc lợi cộng đồng; Phân tích và xác định yếu tố ảnh hưởng đến khía cạnh phát triển kinh tế (PTKT) trên cơ sở tăng trưởng kinh tế, tối đa giá trị doanh nghiệp, và lợi nhuận đầu tư; và Phân tích và xác định yếu tố ảnh hưởng đến khía cạnh phát triển môi trường (PTMT) trên cơ sở giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đặc biệt là lượng khí thải CO2, ô nhiễm không khí, khí metan, và việc sử dụng tài nguyên.
Luận án sử dụng lý thuyết thể chế của North (2005) từ quan điểm kinh tế học thể chế mới (New Institutional Economics) làm nền tảng xuyên suốt để tạo lập khung nghiên cứu. Bên cạnh đó, để xây dựng từng yếu tố độc lập trong khung nghiên cứu, nghiên cứu sử dụng lý thuyết kinh tế vĩ mô (Chari và Kehoe, 2006; Blanchard và cộng sự, 2017, trang 176-177), lý thuyết vốn nhân lực (Becker, 1993, trang 21-25), lý thuyết tài chính (de Haan và cộng sự, 2020, trang 18-20; Brealey và cộng sự, 2017, trang 888-890), lý thuyết toàn cầu hoá (Giddens, 2003, trang 9-10), lý thuyết kinh tế chi phí giao dịch (Williamson, 2000). Và lý thuyết phát triển bền vững (Schaltegger và Wagner, 2011; Figge và cộng sự, 2002; Elkington, 2020; và Sachs, 2013, trang 2) làm nền tảng xây dựng ba khía cạnh PTBV.
Phương pháp nghiên cứu: Luận án áp dụng phương pháp hỗn hợp bao gồm cả phương pháp định tính và phương pháp định lượng. Phương pháp định lượng là nòng cốt để xác định yếu tố ảnh hưởng đến PTBV DNVT TP. HCM. Phương pháp định tính bao gồm nghiên cứu khảo sát thăm dò; nghiên cứu khảo sát xác nhận; nghiên cứu điều tra mô tả; thảo luận với nhà khoa học; phỏng vấn chuyên gia; và phương pháp nghiên cứu thực địa. Phương pháp nghiên cứu định lượng bao gồm phân tích Cronbach’s alpha, phân tích nhân tố khám phá, phân tích nhân tố khẳng định, và phân tích mô hình phương trình cấu trúc tuyến tính (SEM). Việc kết hợp các phương pháp này giúp tăng cường sự chặc chẽ trong thu thập dữ liệu và phân tích, đáp ứng các yêu cầu nghiên cứu cả về mặt lý thuyết và thực tiễn.
Mô hình nghiên cứu: Mô hình nghiên cứu đề xuất các yếu tố thể chế chính trị (TCCT), kinh tế vĩ mô (KTVM), công nghệ và toàn cầu hoá (CNTCH), vốn nhân lực (VNL), tài chính (TC), và chiến lược và mô hình kinh doanh (CLMD) ảnh hưởng đến PTXH, PTKH, và PTMT của PTBV DNVT TP. HCM. Phương pháp ước lượng SEM được sử dụng cung cấp một khuôn khổ vững chắc để xác định các mối quan hệ phức tạp này. SEM phân tích đồng thời nhiều biến số và sự phụ thuộc lẫn nhau của chúng, mang lại những hiểu biết sâu rộng và có giá trị về các yếu tố ảnh hưởng đến PTBV DNVT TP. HCM.
Nguồn dữ liệu: Luận án sử dụng nguồn dữ liệu sơ cấp và thứ cấp. Nguồn dữ liệu sơ cấp bao gồm khảo sát DNVT TP. HCM bằng bảng câu hỏi. Nguồn dữ liệu thứ cấp bao gồm niên giám thống kê Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM), cục thống kê TP. HCM, sách trắng doanh nghiệp TP. HCM, Thomson Reuters, và các công bố hiện có.
Kết qủa nghiên cứu: Kết quả cho thấy trong khi TCCT đặt ra những thách thức, thì CNTCH, VNL, và TC mang lại cơ hội PTBV trên cả ba khía cạnh PTXH, PTKT, và PTMT của DNVT TP. HCM. Đáng chú ý, KTVM và CLMD chủ yếu ảnh hưởng đến khía cạnh PTXH và PTMT. Kết quả chứng minh động lực nhiều mặt định hình PTBV DNVT TP. HCM. VNL được ghi nhận như nền tảng, thúc đẩy phúc lợi xã hội và khả năng phục hồi của tổ chức, CNTCH và TC thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và quản lý môi trường. Để điều hướng địa hình phức tạp này một cách hiệu quả, các bên liên quan phải ưu tiên đầu tư vào VNL, nắm bắt những tiến bộ công nghệ và áp dụng các biện pháp quản lý TC hiệu quả. Bằng cách kết hợp những nỗ lực này với các mô hình kinh doanh chiến lược, DNVT TP. HCM có thể vạch ra lộ trình hướng tới sự bền vững toàn diện và lâu dài. Nhìn chung, các phát hiện của luận án cho thấy rằng mặc dù VNL, CNTCH, và TC là động lực chính cho PTBV DNVT TP. HCM, nhưng việc giải quyết các thách thức TCCT là rất quan trọng để phát huy hết tiềm năng của của các doanh nghiệp này. Ngoài ra, ổn định môi trường vĩ mô và sự liên kết chiến lược và đổi mới mô hình kinh doanh có thể nâng cao hơn nữa kết quả bền vững, đặc biệt là trong việc giải quyết các mối quan tâm về xã hội và môi trường. Những phát hiện của nghiên cứu cung cấp hướng dẫn có giá trị thực tiễn cho các nhà hoạch định chính sách, các bên liên quan trong ngành và lãnh đạo doanh nghiệp đang tìm cách thúc đẩy PTBV DNVT TP. HCM.
Hàm ý chính sách: Căn cứ vào kết quả nghiên cứu của luận án, những hàm ý chính sách liên quan đến từng yếu tố: TCCT, KTVM, CNTCH, VNL, TC, và CLMD được đề xuất bao gồm:
TCCT: Trong bối cảnh nguồn lực hạn chế, chính sách nên ưu tiên tùy mục tiêu. Nếu cần hiệu quả nhanh, tập trung giảm quan liêu. Để hướng tới ổn định lâu dài, cải thiện bất ổn pháp lý là cần thiết. Song song, giảm gánh nặng thuế và thủ tục hành chính cần được cân nhắc theo định hướng của TP. HCM. Giải pháp nên dựa trên ảnh hưởng định lượng, vừa hiệu quả trước mắt, vừa đảm bảo PTBV DNVT TP. HCM. Đề xuất giải pháp cụ thể, ưu tiên giải quyết sự cản trở theo thứ tự, từ thành phần có ảnh hưởng tiêu cực lớn nhất: chú trọng giảm và hướng đến xóa bỏ tình trạng quan liêu, giảm gánh nặng thủ tục hành chính, giảm và hướng đến xoá bỏ nạn tham nhũng tràn lan, giảm gánh nặng thuế, đơn giản hoá các quy định và các văn bản luật điều hướng DNVT, và chú trọng giải quyết sự bất ổn của luật pháp và quy định về kinh doanh vận tải.
KTVM: Ưu tiên chính sách cần tập trung vào các yếu tố có tác động tích cực lớn nhất, bao gồm nhập khẩu ổn định, ổn định giá tiêu dùng, và xuất khẩu ổn định, vì đây là những yếu tố đóng vai trò then chốt trong việc thực hiện PTBV DNVT TP. HCM. Đồng thời, cần duy trì ổn định dài hạn và đảm bảo tăng trưởng bền vững thông qua các yếu tố hỗ trợ như GRDP ổn định, tỷ lệ thất nghiệp thấp, và chi tiêu hộ gia đình ổn định. Đề xuất giải pháp cụ thể nhằm tiếp tục thúc đẩy sự ổn định KTVM từ các thành phần có ảnh hưởng tích cực mạnh nhất theo thứ tự lần lượt: thúc đẩy tăng trưởng nhập khẩu ổn định, bình ổn chỉ số giá tiêu dùng tại TP. HCM, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa tại TP. HCM, thúc đẩy tăng trưởng GRDP ổn định tại TP. HCM, giảm tỷ lệ thất nghiệp tại TP. HCM, và khuyến khích sự ổn định trong chi tiêu tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình và tổ chức phi lợi nhuận tại TP. HCM.
CNTCH: Ưu tiên chính sách cần tập trung và chú trọng đến ứng dụng công nghệ giúp tăng năng suất (CNTCH4), đẩy mạnh thương mại hàng hóa thông qua xuất khẩu (CNTCH5), và cần chú trọng và áp dụng ứng dụng công nghệ trong vận hành hệ thống DNVT (CNTCH2), vì các yếu tố này đóng vai trò trọng yếu trong thực hiện PTBV DNVT TP. HCM. Đồng thời, cần duy trì ổn định và hỗ trợ lâu dài thông qua đẩy mạnh đầu tư trực tiếp nước ngoài (CNTCH7), thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong tổ chức và quản trị tại DNVT TP. HCM (CNTCH1), đẩy mạnh thương mại hàng hóa thông qua nhập khẩu tại TP. HCM (CNTCH6), và chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nhằm cải thiện và đáp ứng nhu cầu khách hàng (CNTCH3). Giải pháp cụ thể, đề xuất ưu tiên ứng dụng công nghệ trong bối cảnh toàn cầu hoá với thứ tự tác động từ cao đến thấp: CNTCH4, CNTCH5, CNTCH2, CNTCH7, CNTCH1, CNTCH6, và CNTCH3.
VNL: Chính sách ưu tiên cần tập trung và chú trọng đến sự hài lòng của nhân viên tại DNVT TP. HCM (VNL5) và chú trọng đến nỗ lực liên tục của nhân viên (VNL2), là các yếu tố có tác động lớn nhất. Đồng thời nâng cao năng lực nhân viên ở mức phù hợp (VNL3), đào tạo kỹ năng lãnh đạo của đội ngũ quản lý (VNL1), và tăng cường hỗ trợ nhân viên nâng cao kỹ năng và trình độ khi cần thiết (VNL4) cũng cần tập trung đẩy mạnh nhằm duy trì ổn định và tăng trưởng bền vững. Giải pháp cụ thể, đề xuất ưu tiên đầu tư phát triển VNL với thứ tự tác động từ cao đến thấp: VNL5, VNL2, VNL3, VNL1, và VNL4.
TC: Chính sách phát triển TC nên tập trung và chú trọng quản lý vòng quay khoản phải thu và tỷ lệ nợ (TC5) và tập trung quản lý khả năng thanh toán dài hạn (TC4), đồng thời chú trọng quản lý khả năng thanh toán tiền mặt (TC3), kiểm soát quản lý giá trị tính thuế và chỉ số phí tài chính (TC2), và quản lý chỉ số thặng dư tiền mặt (TC1) nhằm đảm bảo tăng trưởng bền vững và năng lực cạnh tranh của DNVT TP. HCM. Giải pháp cụ thể, đề xuất ưu tiên đầu tư phát triển VNL với thứ tự tác động từ cao đến thấp: TC5, TC4, TC3, TC2, và TC1.
CLMD: Chính sách phát triển CLMD nên ưu tiên chú trọng đẩy mạnh sức hấp dẫn với tư cách là nhà tuyển dụng (CLMD5) và chú trọng nâng cao uy tín và giá trị thương hiệu (CLMD4), đồng thời cải thiện duy trì và hướng đến đẩy mạnh tỷ suất lợi nhuận và doanh thu (CLMD3), cần thiết quản lý rủi ro và giảm thiểu rủi ro (CLMD2), và cần thiết quản lý chi phí và giảm thiểu chi phí (CLMD1) để đảm bảo tăng trưởng bền vững và năng lực cạnh tranh của DNVT TP. HCM. Giải pháp cụ thể, đề xuất ưu tiên theo thứ tự: CLMD5, CLMD4, CLMD3, CLMD2, và CLMD1.
2. Những kết quả mới của luận án
Luận án này khám phá và làm sáng tỏ các mối quan hệ giữa TCCT, KTVM, CNTCH, VNL, TC, và CLMD trong bối cảnh PTBV DNVT TP. HCM, một khu vực với các đặc thù kinh tế xã hội riêng biệt.
TCCT: Quan liêu, tham nhũng, thủ tục hành chính quá mức, gánh nặng thuế, và các quy định luật pháp phức tạp tại TP.HCM là những rào cản lớn đối với PTBV DNVT trên địa bàn. Điều này khác biệt so với các tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt tại các nước hậu Cộng sản Trung và Đông Âu (Central and Eastern European Countries - CEEC), nơi khuyến khích tuân thủ PTBV DNVT (Comporek và cộng sự, 2022, 2021), cũng như các quy định được xây dựng để hỗ trợ phát triển DNVT ở châu Âu (Giulio, 2018). Phát hiện của nghiên cứu bổ sung sự hiểu biết về các rào cản thể chế tại các khu vực đô thị của các nền kinh tế đang phát triển.
KTVM: Các nghiên cứu đi trước tập trung vào mối tương quan giữa các chỉ số vĩ mô (tỷ giá hối đoái, lạm phát, lãi suất, GDP) với chi phí và hiệu quả DNVT tại Anh (Issah & Antwi, 2017), và Nairobi (Irungu & Muturi, 2015). Tuy nhiên, nghiên cứu này cho thấy tăng trưởng GRDP ổn định, tỷ lệ thất nghiệp thấp, giá tiêu dùng cân bằng, và sự gia tăng xuất nhập khẩu đều tác động tích cực đến PTXH và PTMT của DNVT TP.HCM. Nghiên cứu này không tìm thấy bằng chứng về ảnh hưởng trực tiếp của sự ổn định KTVM đến PTKT của DNVT TP. HCM, có thể lý giải do sự ổn định KTVM chưa trực tiếp chuyển hóa thành lợi nhuận hoặc tăng trưởng doanh thu ngay lập tức. Tuy nhiên, chính sách KTVM vẫn quan trọng trong việc cải thiện phúc lợi xã hội và giảm tác động đến môi trường, đồng thời đòi hỏi chiến lược tinh tế, tầm nhìn dài hạn để thúc đẩy lợi ích kinh tế hữu hình.
CNTCH: Trong khi Brooks (2001) lập luận rằng DNVT có nguồn lực TC và quản lý mạnh có thể hưởng lợi đáng kể từ toàn cầu hóa, nghiên cứu này phát hiện rằng ngay cả DNVT TP. HCM siêu nhỏ, nhỏ, và vừa vẫn tận dụng phát triển công nghệ và toàn cầu hoá để hỗ trợ PTBV trên cả ba khía cạnh.
VNL: Những yếu tố như kỹ năng lãnh đạo, năng lực nhân viên, hỗ trợ phát triển kỹ năng, và mức độ hài lòng với tổ chức đều thúc đẩy PTBV toàn diện của DNVT TP. HCM. Phát hiện này vượt xa các động lực cơ bản được nghiên cứu trước, như việc nam giới ưu tiên lương cơ bản, bầu không khí làm việc và giao tiếp hiệu quả trong DNVT tại Cộng hòa Séc (Lizbetinova và cộng sự, 2020).
TC: Quản lý các chỉ số TC, bao gồm thặng dư tiền mặt, giá trị tính thuế, khả năng thanh toán tiền mặt, khả năng thanh toán dài hạn, vòng quay khoản phải thu, và tỷ lệ nợ được phát hiện là các động lực chính thúc đẩy PTBV DNVT TP. HCM trên cả ba khía cạnh. Khác với nghiên cứu tại Ba Lan tập trung vào vai trò cơ cấu chi phí theo quy mô doanh nghiệp tại DNVT (Kot, 2015), phát hiện này nhấn mạnh tầm quan trọng của quản lý TC tại các khu vực đô thị phát triển như TP. HCM.
CLMD: Việc quản lý chi phí, giảm thiểu rủi ro, duy trì biên lợi nhuận, và nâng cao uy tín và thúc đẩy sức hấp dẫn của nhà tuyển dụng thúc đẩy PTBV DNVT TP. HCM. Nghiên cứu này bổ sung thực tiễn vào các chiến lược PTBV DNVT tại các quốc gia hậu Cộng sản CEEC (Comporek và cộng sự, 2022, 2021) bằng cách nhấn mạnh vai trò của các mô hình kinh doanh bền vững trong bối cảnh đô thị hóa và đặc thù địa phương.
Nghiên cứu không chỉ cung cấp góc nhìn toàn diện về PTBV DNVT từ bối cảnh đặc thù của TP. HCM mà còn đóng góp lý thuyết và thực tiễn quan trọng, đưa ra các định hướng chính sách khả thi giúp DNVT TP. HCM vượt qua thách thức khu vực.
3. Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hay những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
Kết quả luận án không tìm thấy bằng chứng cho thấy KTVM ổn định có ảnh hưởng trực tiếp đến PTKT của DNVT TP. HCM. Nguyên nhân có thể xuất phát từ việc sự ổn định KTVM chưa chuyển hóa ngay thành lợi nhuận hoặc tăng trưởng doanh thu rõ rệt cho các doanh nghiệp này. Do đó, dù chính sách KTVM ổn định đóng vai trò nền tảng trong việc cải thiện phúc lợi xã hội và giảm tác động đến môi trường, nhưng tác động kinh tế trực tiếp đến DNVT có thể cần các chiến lược dài hạn và linh hoạt hơn để mang lại hiệu quả rõ ràng. Ngoài ra, nghiên cứu cũng không phát hiện ảnh hưởng trực tiếp của CLMD đối với khía cạnh PTKT của DNVT TP. HCM. Điều này có thể lý giải bởi sự tập trung của CLMD vào các sáng kiến xanh và bền vững như logistics xanh hay vận tải thân thiện với môi trường nhằm giảm tác động tiêu cực đến môi trường và nâng cao trách nhiệm xã hội (chiến lược phòng thủ). Tuy nhiên, những sáng kiến này thường đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu cao, trong khi lợi ích kinh tế trực tiếp chưa hiện diện rõ ràng ngay lập tức. Vì vậy, cần tiếp tục các nghiên cứu sâu hơn để làm rõ mối quan hệ giữa sự ổn định KTVM và CLMD đối với PTKT của DNVT TP. HCM.
Hãy là người bình luận đầu tiên