Warning: Trying to access array offset on value of type bool in /home/vnuhcm/frontend/apps/sources/sites/modules/models/Menu.php on line 12

Warning: Trying to access array offset on value of type bool in /home/vnuhcm/frontend/apps/sources/sites/modules/models/Menu.php on line 14

Warning: Trying to access array offset on value of type bool in /home/vnuhcm/frontend/apps/sources/sites/modules/models/Menu.php on line 17
Trải nghiệm của một sinh viên tham gia tình nguyện xét nghiệm COVID-19 tại TP. Hồ Chí Minh
Khoa học - Công nghệ

Trải nghiệm của một sinh viên tham gia tình nguyện xét nghiệm COVID-19 tại TP. Hồ Chí Minh

  • 04/10/2021
  • Nguyễn Thanh Tấn, Nhóm nghiên cứu Y sinh học GMIF, Khoa Sinh học - Công nghệ Sinh học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM
    ---------

    Thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh đã ở vào tình trạng nguy cấp vì số ca nhiễm COVID-19 tăng cao. Trước đó, TS.BS Hồ Hữu Thọ (Học viện Quân Y Phân hiệu phía bắc) đã sử dụng phương pháp xét nghiệm có tên là AmphaBio HT-Hithrough PCR COVID-19 Kit siêu nhạy, do Học viện Quân Y phát triển thành công. Với các giải pháp tối ưu, phương pháp này như là phương pháp đầu tiên trên thế giới kết hợp công nghệ gen với trí tuệ nhân tạo để khử kết quả nhiễu, giúp tăng độ chính xác lên bảy lần so với quy trình được WHO khuyến cáo (dựa vào giá trị LOD95), công suất đạt 5.000-10.000 mẫu/lần chạy máy realtime PCR (mỗi giếng realtime PCR có thể phân tích đồng thời cho 100 mẫu), tiết kiệm chi phí nhiều lần và loại bỏ bước tinh sạch RNA. Đặc biệt, bộ kit này đã được kiểm định thành công và vinh dự được chọn vào vòng bán kết giải thưởng XPRIZE Rapid Covid Testing (Hoa Kỳ). Như vậy, nếu áp dụng PCR siêu nhạy, chúng ta sẽ có lợi thế hơn nhiều về công suất, độ chính xác và kinh tế. Phương pháp này lần đầu được đưa vào ứng dụng thực tế tại đợt dịch ở Bắc Giang và được Bộ Y tế cấp phép ngày 7/5/2021. Khi TP.Hồ Chí Minh thực hiện Chỉ thị 16, TS.BS Hồ Hữu Thọ vào chi viện cho Thành phố để tổ chức phòng xét nghiệm dã chiến với bộ kit PCR siêu nhạy. Điều này là rất cần thiết cho TP.Hồ Chí Minh.

    Tình cờ thấy PGS.TS Nguyễn Đức Hoàng - Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - đăng tin tuyển tình nguyện viên xét nghiệm COVID-19 bằng bộ kit PCR siêu nhạy của TS Thọ, trong đầu tôi đã hiện ra rất nhiều câu hỏi, vừa muốn tham gia vừa có chút do dự, lo lắng. Sau khi xin ý kiến và được PGS.TS Trần Văn Hiếu - Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ủng hộ, động viên, rằng đây chính là cơ hội để tôi học hỏi và trải nghiệm thực tế tốt nhất nên tôi đã đăng ký tham gia. Tôi hy vọng, công việc tình nguyện có ý nghĩa này sẽ giúp tôi có cơ hội áp dụng những kiến thức đã được học suốt hai năm qua tại phòng thí nghiệm, mặc dù khả năng rủi ro bị phơi nhiễm với mẫu bệnh phẩm rất cao. Ngay hôm sau, nhận được kết quả trúng tuyển, tôi lập tức chuẩn bị hành trang lên đường đến Học viện Quân Y Phân hiệu phía Nam để bắt đầu nhiệm vụ của mình.

    Vừa đến nơi, tôi và các bạn tình nguyện viên ở Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH Bách Khoa, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 và sau đó gặp gỡ, làm việc trực tiếp với PGS.TS Nguyễn Đức Hoàng. Chúng tôi nhận phòng ký túc xá và nghỉ ngơi, chuẩn bị cho các buổi tập huấn trước khi bắt tay vào nhiệm vụ. 

    Buổi đầu tiên tại Trung tâm Xét nghiệm dã chiến COVID-19, Học viện Quân Y Phân hiệu phía Nam, chúng tôi được giới thiệu về mô hình xét nghiệm đã được thực hiện thực tế ở Bắc Giang. Sau đó, chúng tôi được TS Trịnh Thanh Hương, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, tập huấn lý thuyết về an toàn sinh học cấp hai cũng như các thao tác an toàn sinh học để tránh bị phơi nhiễm từ nguồn bệnh phẩm. Tôi nhớ lại rằng, hồi học năm thứ hai, tôi đã học môn An toàn sinh học do TS Bùi Lan Anh phụ trách. Môn học đã cung cấp cho tôi những kiến thức cần và đủ về các cấp độ an toàn sinh học khác nhau cũng như các nguyên tắc cơ bản về sử dụng máy móc trong phòng thí nghiệm, nhưng nó chỉ dừng lại ở cấp độ lý thuyết. Ở đây, chúng tôi một lần nữa được hướng dẫn tận tình, kỹ càng việc sử dụng thiết bị, máy móc trong phòng thí nghiệm như: nồi hấp, máy PCR, thao tác trong tủ an toàn sinh học ở cấp độ khác nhau và nhiều loại máy khác. Tôi rất mừng vì những kiến thức về an toàn sinh học mà tôi đã học trước đây đã giúp tôi rất nhiều khi làm việc tại phòng xét nghiệm COVID-19 dã chiến này.

    Những ngày tiếp theo, chúng tôi bắt đầu thực hành chia nhóm và xây dựng quy trình SOP (standard operating procedure) cho xét nghiệm COVID-19 để đảm bảo an toàn cho mọi người. Nhờ từng được thực hiện khoá luận trong phòng thí nghiệm nên các kỹ năng thực nghiệm trở thành thói quen của tôi suốt hai năm qua, vì thế tôi luôn tự tin, không ngần ngại trước các thí nghiệm khó và mới. Đến với Học viện này, xây dựng SOP cho xét nghiệm COVID-19 là việc rất quan trọng, nó không đơn thuần là thiết kế thí nghiệm cơ bản mà còn là một quy trình mang tính chặt chẽ và quy mô lớn, đòi hỏi rất nhiều chất xám và công sức của các thành viên trong đội, mà các thầy, các anh chị ở Bắc Giang đã có kinh nghiệm chống dịch xây dựng nên. Mọi người làm việc xuyên đêm để cho ra các phiên bản SOP tốt nhất để có thể đảm bảo đúng kế hoạch công việc và an toàn sinh học ở mức cao nhất.

    Để đảm bảo sự thành thạo và cẩn thận ở mức cao nhất, chúng tôi bắt đầu chạy thử công việc theo các nhóm. Do đã quen với cách làm việc nên khi đến phòng xét nghiệm dã chiến, tôi hoàn toàn thích nghi và tiếp thu rất nhanh những kế hoạch mà ban chỉ huy đề ra. Chúng tôi được chia làm 4 nhóm với số lượng 25 người mỗi nhóm cùng với sự hỗ trợ sát sao của các anh chị ở Bắc Giang và các thầy. Theo kế hoạch, mỗi ngày chúng tôi chia ra 3 ca, mỗi ca 8 tiếng, tức là mỗi nhóm sẽ làm việc trong 8 tiếng và nghỉ 24 tiếng, cứ thế chúng tôi xoay vòng thay phiên nhau làm việc. 

    Những công việc tại Học viện không đơn thuần là một môn học thực tập mà đó là quy trình hoạt động với quy mô lớn, các thành viên trong nhóm chủ động liên hệ với nhau qua bộ đàm để có thể vận hành công việc một cách nhịp nhàng. Mỗi ca của chúng tôi được phân chia thành từng bộ phận với sự chuyên môn hóa cao. Chúng tôi chia thành các vị trí như trưởng nhóm - người giám sát trực tiếp và điều phối công việc, nhận mẫu, kiểm tra mẫu, tách chiết, chuẩn bị đĩa PCR, chuẩn bị các mix, chạy PCR1 để làm giàu mẫu, gộp mẫu, chuẩn bị PCR2/realtime PCR và chạy mẫu, xử lý số liệu/IT, an toàn sinh học và cuối cùng là cung cấp vật tư thiết bị. Phòng xét nghiệm COVID-19 dã chiến được chia thành hai khu vực tương ứng với 2 tầng trong Học viện. Tầng 1 là nơi nhận mẫu từ các nơi mang đến, xử lý các mẫu bệnh phẩm và xử lý rác thải sau khi sử dụng. Tầng 2 là nơi tiếp nhận mẫu đã xử lý của tầng 1, chạy phản ứng PCR và phân tích kết quả. Trước khi vào ca làm việc, đối với khu vực xử lý mẫu bệnh phẩm được trang bị đồ bảo hộ an toàn sinh học cấp 4, khẩu trang N95, mũ kính chống giọt bắn, 2 lớp găng tay, được đội ngũ an toàn sinh học kiểm tra để đảm bảo an toàn cho đồng đội. Đối với khu vực chạy phản ứng PCR, chúng tôi cũng được bảo hộ bởi trang phục bảo hộ cấp 1, mũ trùm đầu và mang găng tay xuyên suốt quá trình làm việc để tránh nhiễm mẫu trong quá trình thao tác xét nghiệm. Khi hết ca làm việc, đội ngũ an toàn sinh học sẽ hỗ trợ cho việc khử nhiễm ở phòng đệm trước khi bước ra ngoài nhằm đảm bảo để chúng tôi có thể “sạch” và an toàn nhất. Sự góp mặt, hỗ trợ của chỉ huy, các thầy, anh chị đã chống dịch ở Bắc Giang, nhân viên Công ty thiết bị y tế Nam Trung và toàn thể các tình nguyện viên đã cùng nhau xây dựng nên phòng thí nghiệm dã chiến với quy mô an toàn sinh học cấp 2 với quy trình chỉnh chu, an toàn nhất cho mọi người. 

    Tôi không thể quên được ca làm việc đầu tiên vào khoảng 3 giờ sáng, với khoảng hơn 300 mẫu bệnh phẩm được gửi về. Cảm giác lúc ấy rất khó tả, tâm trạng hào hứng xen lẫn những lo lắng. Giờ đây mỗi cá nhân đều mang trách nhiệm vô cùng quan trọng, mọi người tự ý thức được công việc và an toàn của cả đội nên ai cũng tập trung đến mức tối đa. Chúng tôi bắt đầu công việc ở vị trí nhận mẫu và chuyển mẫu vào khu vực xử lý mẫu. Khó khăn ban đầu đến từ các vị trí xử lý mẫu, vì đây là trải nghiệm thực tế đầu tiên của chúng tôi và cũng là nơi có nguy cơ nhiễm rất cao. Chúng tôi loay hoay, hoang mang khi cầm trên tay các mẫu bệnh phẩm nhưng vẫn cố gắng trấn an bản thân phải bình tĩnh, nhớ lại tất cả những gì đã được tập huấn để áp dụng vào thao tác công việc. Cuối cùng, tất cả mẫu bệnh phẩm cũng được giải quyết xong và chuyển cho các vị trí nhân gen. Mặc dù đã có kinh nghiệm thao tác pipette, nhưng đối với nhiệm vụ lần này, không đơn giản là “hút” và “nhả” mà còn là sự tập trung cao độ, chính xác, không được sai sót bất kỳ thao tác nào. Nhầm lẫn giữa các mẫu là điều không được phép xảy ra ở công việc này bởi nó dẫn đến việc trả kết quả chậm trễ và những hệ lụy nghiêm trọng khác. Bản thân tôi lúc nào cũng tập trung cao độ và tự nhủ rằng “Không được sai, không được sai” và cuối cùng tôi cũng làm được. 

    Thời gian cứ thế trôi qua, chúng tôi hết giờ làm việc và chuyển giao công việc cho nhóm tiếp theo. Khi bàn giao công việc và vệ sinh khu vực làm việc xong, nhóm chúng tôi bước ra khỏi khu vực làm việc với toàn mùi cloramin B khử khuẩn. Tôi cảm nhận và thấy rõ được sự mệt mỏi, thiếu ngủ của các thành viên trong đội, có lẽ chưa quen với thời gian và điều kiện làm việc liên tục như thế. Chúng tôi cùng động viên và hỗ trợ nhau để vượt qua thời gian đầu khó khăn này. Nhiệm vụ nằm trong khả năng chuyên môn của chúng tôi nên chúng tôi dường như đều quên đi mệt mỏi, thay vào đó là sự phấn khởi hào hứng vì đây là lần đầu tiên chúng tôi phối hợp với nhau làm việc nhịp nhàng và trơn tru đến thế. Đối với một sinh viên như tôi, bài học lần này đã dạy tôi rằng “Trách nhiệm, bình tĩnh, tập trung, cẩn thận, hành động vì cái chung” thì chúng ta có thể vượt qua mọi thử thách phía trước.

    Ngày qua ngày, dần quen với nhịp công việc, chúng tôi cảm thấy rất bình thường sau mỗi ca làm việc, mặc dù thời gian sinh hoạt, làm việc bị xoay vòng và không cố định. Chúng tôi thường xuyên nhận được sự quan tâm, động viên từ phía nhà trường. PGS.TS Đặng Thị Phương Thảo, Trưởng phòng thí nghiệm Công nghệ sinh học phân tử, đại diện Trường ĐH Khoa học Tự nhiên đã đến thăm hỏi, động viên tinh thần và gửi thêm cả trái cây, các nhu yếu phẩm cho tình nguyện viên chúng tôi. Từ phía đơn vị chỉ huy, phòng xét nghiệm tiếp tục mời chuyên gia an toàn sinh học TS Trịnh Thanh Hương đến chia sẻ và giải đáp các thắc mắc trong quá trình làm việc, giúp chúng tôi rút kinh nghiệm để xử lý công việc tốt hơn.

    Mới đây, chúng tôi đã được tiêm vắc xin, hy vọng những ngày tiếp theo, cùng với tinh thần này, chúng tôi tiếp tục góp phần giúp TP. Hồ Chí Minh rà soát hết các ca nhiễm COVID-19 giúp giảm nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, trả lại một Sài Gòn năng động, náo nhiệt như ngày nào. Tôi chợt nhớ đến câu nói nổi tiếng của phi hành gia Neil Amstrong - người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng, “One small step for man, one giant leap for mankind”. Và, môn “thực tập thực tế” này cũng vậy, một đoạn đường ngắn từ Trường ĐH Khoa học Tự nhiên đến Học viện nhưng là cả một bước tiến dài về kinh nghiệm và kiến thức thực tế cho tôi.

    Tôi và nhóm làm việc tại khu xử lý mẫu (hình trái) và nhân gen (hình phải).
    Những phần trái cây và thực phẩm - tình yêu thương của các thầy cô ở Khoa Sinh học-Công nghệ Sinh học và trường đã gửi vào cho đoàn tình nguyện viên chúng tôi.

     

    Tài liệu tham khảo

    1. COVID Live Update: 199,008,754 Cases and 4,240,331 Deaths from the Coronavirus - Worldometer. (n.d.). Retrieved 2 August 2021, from https://www.worldometers.info/coronavirus/?utm_campaign=homeAdvegas1?%22%20%5Cl%20%22countries

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên