Tin tức - Sự kiện

Du ký quốc ngữ Việt Nam viết về thế giới: nội dung và đặc điểm (khảo sát các tác phẩm du ký từ cuối thế kỷ XIX đến 1945) - NCS. Võ Thị Thanh Tùng

  • 17/03/2025
  • Tên luận án: Du ký quốc ngữ Việt Nam viết về thế giới: nội dung và đặc điểm (khảo sát các tác phẩm du ký từ cuối thế kỷ XIX đến 1945)
    Chuyên ngành: Lý luận văn học
    Mã số: 62220120
    Nghiên cứu sinh: Võ Thị Thanh Tùng
    Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Lê Giang
    Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM
    Tóm tắt
    Với đề tài “Du ký quốc ngữ Việt Nam viết về thế giới: nội dung và đặc điểm (khảo sát các tác phẩm du ký từ cuối thế kỷ XIX đến 1945)” đối tượng nghiên cứu của luận án sẽ là các đặc điểm về nội dung và hình thức nghệ thuật của bộ phận du ký quốc ngữ Việt Nam viết về thế giới trong những năm cuối thế kỷ XIX đến 1945. Bên cạnh đó, tác giả luận án sẽ cố gắng xác lập một định nghĩa khả dĩ về du ký cũng như đi tìm những đặc trưng cơ bản của thể loại du ký. Theo đó, luận án sẽ vận dụng nhiều phương pháp nghiên cứu khác nhau theo từng cấp độ, trong đó, nổi bật là các phương pháp sau: Nhóm phương pháp chuyên ngành bao gồm: Phương pháp văn học sử, Phương pháp loại hình, Phương pháp thi pháp học; Nhóm phương pháp liên ngành bao gồm: Phương pháp văn hóa - lịch sử, Phương pháp xã hội học; Nhóm phương pháp bổ trợ bao gồm: Phương pháp phân tích tổng hợp, Phương pháp so sánh đối chiếu.
    Luận án góp phần xác lập vị thế của du ký quốc ngữ Việt Nam trong tiến trình hiện đại hoá văn học trong bối cảnh xã hội Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX đến 1945. Nhận diện du ký trên phương diện thể loại và thiết lập chỗ đứng của thể loại này trong mối tương quan với các thể loại khác trong ký.
    Đề tài có ý nghĩa khảo sát toàn diện thể loại du ký nói chung và du ký quốc ngữ viết về thế giới nửa cuối thế kỷ XIX đến 1945 nói riêng. Đồng thời nghiên cứu du ký quốc ngữ viết về thế giới trong giai đoạn này còn góp phần làm nổi lên bức tranh văn hóa, chính trị thế giới, qua đó, góp phần giải thích sự thức tỉnh của các tầng lớp trí thức khi đặt chân tới các xứ sở văn minh tiến bộ.
    Tìm hiểu những đổi mới của du ký về phương diện hình thức nghệ thuật giúp thấy được những đóng góp quan trọng của thể loại này trong buổi đầu của quá trình hiện đại hóa nền văn học dân tộc.
    Trên cơ sở đó, người viết hướng đến giải quyết các mục tiêu cốt lõi của luận án là:
    Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu du ký viết về thế giới ở Việt Nam: đi vào tìm hiểu tình hình nghiên cứu du ký Đông Á viết về thế giới và tình hình nghiên cứu du ký quốc ngữ Việt Nam viết về thế giới, trong đó nhấn mạnh đến tình hình nghiên cứu du ký quốc ngữ Việt Nam viết về thế giới.
    Chương 2: Du ký quốc ngữ Việt Nam viết về thế giới từ cuối thế kỷ XIX đến 1945 – những vấn đề thể loại và lịch sử phát triển: đi vào tìm hiểu những vấn đề thể loại và lịch sử phát triển của du ký. Trong đó, người viết sẽ cố gắng đưa ra một định nghĩa khả dĩ về du ký và làm rõ những đặc trưng thể loại của du ký trong mối tương quan với các thể loại khác trong ký. Người viết cũng sẽ cố gắng phát họa một cách khái quát nhất quá trình phát triển của du ký phương Đông và phương Tây từ khởi thủy cho đến ngày nay, cũng như tìm hiểu tình hình tư liệu của du ký quốc ngữ Việt Nam viết về thế giới từ cuối thế kỷ XIX đến năm 1945.
    Chương 3: Du ký quốc ngữ Việt Nam viết về thế giới từ cuối thế kỷ XIX đến 1945 – những hành trình khám phá: đi vào tìm hiểu những khía cạnh được các nhà du hành người Việt quan sát và ghi chép thường xuyên trong hành trình khám phá thế giới. Hành trình khám phá văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần được phản ánh qua các phương diện như: đời sống, chính trị - giáo dục, công nghiệp - thương mại, văn hóa – lịch sử. Từ đó thấy được vai trò khai minh, khai trí của bộ phận du ký quốc ngữ Việt Nam viết về thế giới trong những năm cuối thế kỷ XIX đến 1945.
    Chương 4: Du ký quốc ngữ Việt Nam viết về thế giới từ cuối thế kỷ XIX đến 1945 – những đóng góp về mặt hình thức nghệ thuật: đi vào tìm hiểu những đóng góp về mặt nghệ thuật của bộ phận du ký này thông qua việc phân tích kết cấu, tác giả - người trần thuật và cách sử dụng ngôn ngữ. Qua đó, thấy được vai trò tiên phong của du ký quốc ngữ viết về thế giới nói riêng và du ký Việt Nam nói chung trên hành trình hiện đại hóa nền văn học dân tộc trên phương diện hình thức nghệ thuật những năm cuối thế kỷ XIX đến 1945.
    Những kết quả chính
    Hiện vẫn chưa có công trình nghiên cứu chuyên biệt nào liên quan đến luận án được thực hiện. Do vậy, kết quả nghiên cứu của luận án đã góp phần làm cho bức tranh nghiên cứu về du ký trở nên đa diện hơn, giúp nhìn nhận một cách sâu sắc, cụ thể về bộ phận du ký quốc ngữ Việt Nam viết về thế giới giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX đến 1945.
    Về vấn đề thể loại du ký: luận án đi vào tìm hiểu ba khía cạnh quan trọng làm nên bản dạng của du ký, đó là du ký là một thể loại văn xuôi tự sự, du ký là thể loại phi hư cấu và du ký là thể loại ghi chép theo chuyến đi. Từ đó tạo dựng một định nghĩa khả dĩ về thể loại du ký.
    Về quá trình hình thành và phát triển của thể loại du ký: luận án đi vào tìm hiểu sự phát triển của du ký trong tiến trình văn học phương Tây, Trung Quốc và Việt Nam. Nếu như phương Tây và Trung Quốc đã có truyền thống viết du ký từ thời cổ đại thì ở Việt Nam du ký xuất hiện muộn hơn. Tuy nhiên, với những nỗ lực không ngừng nghỉ của các nhà du hành, du ký Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX nửa đầu thế kỷ XX đã để lại những dấu ấn quan trọng, đặt những viên gạch đầu tiên cho tiến trình hiện đại hóa nền văn học dân tộc.
    Những hành trình khám phá của các nhà du hành người Việt đã mở ra một chân trời mới lạ về các vùng đất khác nhau trên thế giới. Bức tranh về đời sống, về chính trị - giáo dục, về công nghiệp – thương mại, về văn hóa – lịch sử ở khắp châu Á, châu Phi rồi đến châu Âu đã giúp người Việt đương thời có cơ hội mở mang tầm mắt. Là những trí thức nặng tình với quê hương đất nước, ngoài việc chiêm ngưỡng cảnh đẹp nơi xứ người, các nhà du hành người người Việt không ngừng so sánh, liên tưởng “trông người mà ngẫm đến ta”, nhằm bày tỏ tâm tư về những vấn đề nổi cộm của dân tộc lúc bấy giờ.
    Về hình thức nghệ thuật: đóng góp lớn nhất của du ký thời kỳ này là sự thể nghiệm những cách thức diễn đạt mới mẻ. Sự đổi mới về hình thức nghệ thuật được thể hiện qua các phương diện như kết cấu phi cốt truyện, sự mở rộng nhiều kiểu loại không gian, đặc biệt là không gian đời thường, thời gian tường thuật gắn liền với chuỗi không gian được khám phá giúp các nhà du hành cảm thụ được những bước đi của thời gian lẫn cách thức mà con người tồn tại trong thời gian ấy. Hình tượng tác giả - người trần thuật mang tính chất giao thời khi họ không phải là nhà văn chuyên nghiệp. Tác giả du ký hiện lên sinh động với nhiều kiểu loại: tác giả là khách du lịch đơn thuần, tác giả là những người đi làm nhiệm vụ, tác giả là khách hành hương, tác giả là những người có tâm thế khám phá, duy tân. Vì không phải là nhà văn chuyên nghiệp nên ngôn ngữ của họ cũng rất chân thật, giản dị và hết sức tự nhiên. Tuy vậy, ngôn ngữ du ký thời kỳ này cũng còn nhiều vương vấn cách diễn đạt cũ như một hệ quả tất yếu của sự chuyển giao lịch sử. Xuất hiện trong giai đoạn giao thời, ảnh hưởng văn hóa phương Tây nên trong du ký viết về thế giới, xuất hiện nhiều tiếng nước ngoài. Do học tập, ảnh hưởng câu văn tiếng Pháp nên câu văn tiếng Việt giai đoạn này cũng dần trở nên gọn gàng, sáng sủa.
    Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
    Khả năng ứng dụng trong thực tiễn
    Việc áp dụng các phương pháp chuyên ngành, liên ngành để nghiên cứu du ký quốc ngữ viết về thế giới giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX đến 1945 trên các phương diện thể loại, lịch sử phát triển, những đổi mới về nội dung và hình thức nghệ thuật đã giúp cho cái nhìn về bộ phận du ký này trở nên rõ ràng, cụ thể hơn. Từ đó nhận thức được vai trò mở đường của du ký trong quá trình hiện đại hóa nền văn học dân tộc cũng như kết nối, giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và thế giới. Chính vì lẽ đó, kết quả nghiên cứu của luận án có thể làm tài liệu tham khảo trong việc nghiên cứu, tìm hiểu, giảng dạy về văn học, văn hóa giai đoạn giao thời.
    Những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
    Trong giới hạn về phạm vi nghiên cứu, luận án còn bỏ ngỏ việc so sánh du ký viết về thế giới trong giai đoạn thuộc địa và hiện đại hóa của Việt Nam với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
    Bên cạnh đó, luận án cũng gợi ra những đề tài nghiên cứu tiếp theo như: du ký quốc ngữ viết về thế giới dưới góc nhìn hậu thuộc địa, vấn đề trung tâm và ngoại vi trong du ký, du ký dưới góc nhìn giới, du ký và vấn đề đạo đức, du ký và vấn đề chủng tộc, du ký và yếu tố tự truyện, du ký và hành trình bên trong…
    Tóm lại, du ký quốc ngữ Việt Nam viết về thế giới giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX đến 1945, với những đổi mới về nội dung và hình thức nghệ thuật, không chỉ đặt nền móng cho quá trình hiện đại hóa nền văn học dân tộc, mà còn được xem như những “tân thư” mang sứ mệnh khai hóa, khai minh. Sự tái sinh của thể loại du ký góp phần làm cho bức tranh văn học buổi giao thời trở nên sinh động. Văn học không còn chỉ tập trung vào các thể loại truyền thống như thơ mà bắt đầu mở rộng sang văn xuôi với nội dung hướng đến những trải nghiệm thực tế, phản ánh sự thay đổi của thế giới.

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên