Tin tổng hợp

Mô hình đại học phải phát triển theo tinh thần khai sáng

  • 21/11/2018
  • Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đã khẳng định như vậy trong buổi nói chuyện với hơn 1.000 sinh viên, giảng viên ĐHQG-HCM tại Lễ Khai khóa 2018, do ĐHQG-HCM tổ chức ngày 10/10 với chủ đề: “Sứ mệnh và vai trò của đại học đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần IV”. Đây là điểm kết chuỗi ngày hội chào năm học mới của các trường thành viên ĐHQG-HCM đã diễn ra trong tháng 9.

    Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình trò chuyện tại Lễ Khai khóa 2018. Ảnh: Đức Lộc

    Sứ mệnh của giáo dục đại học 4.0

    Nhấn mạnh vai trò của giáo dục đại học trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết, giáo dục đại học phải được hiểu là một hệ sinh thái mà ở đó mọi người có thể cùng dạy học ở mọi nơi, mọi lúc với các thiết bị kết nối để tạo ra việc học tập được cá thể hóa, kích thích sự khai phá đổi mới sáng tạo.

     “Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ giúp cơ sở giáo dục - đào tạo, đặc biệt là các trường đại học thay đổi theo hướng tích cực, chuyển từ chỗ ‘dạy những gì mà giới học thuật sẵn có’ sang ‘dạy những gì mà thị trường và doanh nghiệp cần’, hoặc thậm chí xa hơn là ‘dạy những gì mà thị trường và doanh nghiệp sẽ cần’” - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định.

    “Mục tiêu của giáo dục đại học không nhằm tạo ra những người lao động làm một công việc cụ thể suốt đời, mà phải đạt tới trình độ có thể thích ứng để tồn tại khi nghề được đào tạo mất đi”.

    Theo đó, người dạy phải chuyển từ vai trò truyền thụ kiến thức theo cách truyền thống sang vai trò xúc tác và điều phối, hướng dẫn người học; phải quan tâm đến từng học sinh về đặc điểm tâm sinh lý, nhu cầu, năng lực sở trường, hoàn cảnh riêng. Nhà giáo phải giúp người học điều chỉnh định hướng về chất lượng và ý nghĩa của nguồn thông tin; phải là nhà giáo có tư duy độc lập, năng lực hợp tác tích cực và hỗ trợ có hiệu quả giữa người học với những gì họ muốn biết, là người cung cấp cách hiểu mới cho người học.

    Đồng thời, việc học không chỉ hạn chế trong không gian lớp học, tài liệu dạy học truyền thống. Học trực tuyến phát triển sẽ tạo điều kiện cho cá nhân hóa quá trình học tập về nhu cầu và điều kiện học tập. Ý thức tự giác, tự quản lý, kỹ năng công nghệ - thông tin sẽ đóng vai trò quyết định thành công học tập của người học khi học với trường học, lớp học, giáo viên ảo.

    Tiếp tục nhận định trên, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng giáo dục đại học phải có sứ mệnh góp phần quan trọng trong việc xây dựng nền kinh tế Việt Nam sáng tạo, bao trùm và bền vững; thúc đẩy nhanh và mạnh mẽ sự chuyển dịch nền kinh tế từ vị thế gia công, lắp ráp là chủ yếu sang nền kinh tế đủ năng lực chế tạo sản phẩm; từ nền kinh tế tăng trưởng dựa chủ yếu vào lao động giá rẻ, tài nguyên không tái tạo và gia tăng vốn đầu tư sang nền kinh tế dẫn dắt bởi đổi mới sáng tạo; từ nền sản xuất phụ thuộc vào bên ngoài sang củng cố nền kinh tế trong nước; từ trọng tâm sản xuất hàng hóa thông thường sang sản xuất các sản phẩm sáng tạo; từ quốc gia khởi nghiệp sang quốc gia sáng tạo.

    “Chúng ta đang sống trong thời đại mà tri thức phát triển không ngừng, vượt qua các khoảng cách về không gian và thời gian. Nhiều điều được dạy trong nhà trường hôm nay có thể sẽ nhanh chóng trở nên lạc hậu trong tương lai gần. Vì vậy, mục tiêu của giáo dục đại học không nhằm tạo ra những người lao động làm một công việc cụ thể suốt đời, mà phải đạt tới trình độ có thể thích ứng để tồn tại khi nghề được đào tạo mất đi” - ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

    Ông Nguyễn Văn Bình nói chuyện với sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật ĐHQG-HCM. ẢnhĐức Lộc

    Mô hình ĐHQG: hệ thống giáo dục ĐH hàng đầu

    Thuật lại lời của TS Marcus Storch - Chủ tịch Hội đồng Quỹ Nobel trong Lễ trao giải Nobel năm nay tại Thuỵ Điển, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết: “‘Nền tảng của sự phát triển con người là tri thức và những đóng góp quan trọng nhất đến từ các đại học’. Do đó, mô hình đại học phải thực sự phát triển theo tinh thần khai sáng và lý tưởng tự do học thuật. Đại học không chỉ là trung tâm đào tạo nhân tài, mà còn là một trung tâm khoa học và văn hóa, trong đó, tự do học thuật được xem là đặc điểm quan trọng nhất” - Trưởng ban Kinh tế Trung ương khẳng định.

    “Việc đầu tư cho hệ thống hai đại học lớn của Việt Nam thể hiện sự quan tâm, tin tưởng của Đảng, Chính phủ đối với ĐHQG, tạo tiền đề quan trọng để ĐHQG thực hiện tốt vai trò tiên phong và sứ mệnh của mình”.

    Đánh giá cao vai trò của ĐHQG-HCM đối với việc phát triển giáo dục đại học Việt Nam, ông Nguyễn Văn Bình cho biết: “Mô hình ĐHQG là hệ thống giáo dục đại học hàng đầu, vì chất lượng của giáo dục đại học có tác động trực tiếp và sâu sắc đến sự chuyển biến về kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, việc đầu tư cho hệ thống hai đại học lớn của Việt Nam thể hiện sự quan tâm, tin tưởng của Đảng, Chính phủ đối với ĐHQG, tạo tiền đề quan trọng để ĐHQG thực hiện tốt vai trò tiên phong và sứ mệnh của mình. Trong đó, ĐHQG-HCM là một tổ hợp giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học, một hệ thống các trường đại học thành viên, các viện nghiên cứu và đơn vị chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực”.

    Theo ông Nguyễn Văn Bình, trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ và hội nhập quốc tế, ĐHQG-HCM phải là một trong những đơn vị đi đầu triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

    “Tôi tin tưởng và mong muốn các thầy giáo, cô giáo, các nhà khoa học và sinh viên ĐHQG-HCM tiếp tục niềm đam mê khoa học, đổi mới - sáng tạo trong giảng dạy - học tập để làm tốt vai trò đầu tàu đại học, tiếp cận nhanh chóng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần nâng tầm tri thức, giá trị của tuổi trẻ và đóng góp thiết thực vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Đồng thời, ĐHQG-HCM sẽ phải nỗ lực giữ vững vị trí trong top 1.000 đại học tốt nhất thế giới và phấn đấu lên top 100 đại học tốt nhất châu Á như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ” - Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhắn nhủ.

    Kết thúc buổi nói chuyện, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đã trồng cây lưu niệm và có phiên làm việc với lãnh đạo của ĐHQG-HCM.

    Cũng trong Lễ Khai khóa, ĐHQG-HCM đã trao tặng Bằng khen của Giám đốc ĐHQG-HCM cho 5 tập thể, 29 sinh viên, trong đó gồm 6 sinh viên thủ khoa tốt nghiệp các trường thành viên ĐHQG-HCM.

    PHIÊN AN (Bản tin ĐHQG-HCM số 190)