Tin tức - Sự kiện

Tư tưởng biện chứng Hồ Chí Minh trong đường lối đối ngoại giai đoạn 1945-1954 và ý nghĩa lịch sử của nó - NCS. Huỳnh Tuấn Linh

  • 06/12/2022
  • Tên đề tài: Tư tưởng biện chứng Hồ Chí Minh trong đường lối đối ngoại giai đoạn 1945-1954 và ý nghĩa lịch sử của nó
    Chuyên ngành: CNDVBC & CNDVLS
    Mã số: 92.29.002
    Họ và tên nghiên cứu sinh: Huỳnh Tuấn Linh
    Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Nguyễn Thế Nghĩa, PGS. TS. Cao Xuân Long
    Cơ sở đào tạo: Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
    1. Tóm tắt nội dung luận án
    Tư tưởng biện chứng Hồ Chí Minh trong đường lối đối ngoại là một bộ phận hữu cơ trong toàn bộ hệ thống tư tưởng của Người về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, tư tưởng biện chứngHồ Chí Minh trong đường lối đối ngoại giai đoạn 1945-1954 là sự kế thừa những yếu tố biện chứng trong văn hóa truyền thống đối ngoại của ông cha ta; kế thừa có chọn lọc những tinh hoa trong văn hóa nhân loại, đặc biệt là sự vận dụng sáng tạo tư tưởng biện chứng của chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, hơn nũa nó còn là sản phẩm của tư chất thông minh, bản lĩnh hơn người của Hồ Chí Minh được hun đúc, tôi luyện qua thực tiễn cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Do đó, tư tưởng biện chứng Hồ Chí Minh trong đường lối đối ngoại giai đoạn 1945-1954 trở thành tài sản tinh thần vô giá của Đảng và của cả dân tộc ta trong giai đoạn hiện nay và mãi mai sau.
    Nội dung tư tưởng biện chứng Hồ Chí Minh trong đường lối đối ngoại giai đoạn 1945-1954 rất rộng lớn, nhưng có thể khái quát thành những nội dung cốt lõi, cơ bản nhất như sau:
    Thứ nhất, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng nói chung và trong hoạt động đối ngoại nói riêng, Hồ Chí Minh luôn luôn xác định và đặt lên hàng đầu mục tiêu độc lập dân tộc, tự chủ kết hợp với mở rộng quan hệ quốc tế vì hòa bình và chủ nghĩa xã hội.
    Thứ hai, trong hoạt động đối ngoại, Hồ Chí Minh rất chú trọng đến đối ngoại toàn diện, kết hợp đấu tranh kinh tế, đấu tranh chính trị, đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao; kết hợp đối ngoại Đảng với ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, xem ngoại giao là một mặt trận, lực lượng ngoại giao là một “binh chủng đặc biệt” của cách mạng Việt Nam.
    Thứ ba, trong đối ngoại, Hồ Chí Minh luôn kiên định về nguyên tắc nhưng rất linh hoạt về sách lược, ứng phó phù hợp với từng hoàn cảnh lịch sử cụ thể, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
    Hiện nay, thế giới và khu vực có những biến đổi nhanh chóng, khó đoán. Do vậy, nghiên cứu và rút ra ý nghĩa lịch sử của tư tưởng biện chứng Hồ Chí Minh trong đường lối đối ngoại giai đoạn 1945-1954, để hoàn thiện đường lối đối ngoại trong tình hình mới là yêu cầu thiết thực đối với công tác đối ngoại và quan hệ quốc tế hiện nay của Đảng và Nhà nước ta.
    2. Những kết quả của luận án
    Thứ nhất, luận án phân tích và trình bày một cách có hệ thống các điều kiện, tiền đề, quá trình hình thành và phát triển tư tưởng biện chứng Hồ Chí Minh trong đường lối đối ngoại giai đoạn 1945-1954.
     Thứ hai, luận án phân tích những nội dung cơ bản của tư tưởng biện chứng Hồ Chí Minh trong đường lối đối ngoại giai đoạn 1945-1954. Qua đó, luận án cũng phân tích những đặc điểm nổi bật của tư tưởng biện chứng Hồ Chí Minh trong đường lối đối ngoại giai đoạn 1945-1954.
    Thứ ba, luận án phân tích ý nghĩa lịch sử tư tưởng biện chứng Hồ Chí Minh trong đường lối đối ngoại giai đoạn 1945-1954 và thời kỳ đổi mới ở Việt Nam.
    3. Khả năng ứng dụng của luận án
    Luận án góp phần nâng cao nhận thức toàn diện và sâu sắc tư tưởng biện chứng của Hồ Chí Minh trongđường lối đối ngoại giai đoạn 1945-1954; khẳng định ý nghĩa lịch sử và yêu cầu khách quan của việc vận dụng tư tưởng đó trong giai đoạn hiện nay.
    Luận án có thể dùng làm tài liệu tham khảo, phục vụ cho việc nghiên cứu, học tập môn tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, hoặc nghiên cứu chuyên sâu chuyên đề tư tưởng biện chứng Hồ Chí Minh trong đường lối đối ngoại nói riêng. 

    Tệp đính kèm: