Tên đề tài LATS: Ảnh hưởng của rủi ro đến thu nhập và biện pháp ứng phó của hộ gia đình nông thôn Việt Nam
Chuyên ngành: Kinh tế học
Mã số: 62310101
Họ và tên NCS: Nguyễn Thị Mai
Mã số NCS: 015101007
Người hướng dẫn khoa học: HDĐL: PGS.TS Hạ Thị Thiều Dao
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM.
1. Tóm tắt luận án
Luận án phân tích mức độ ảnh hưởng của các loại rủi ro đến thu nhập và nhận diện các yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn biện pháp ứng phó của hộ gia đình nông thôn Việt Nam trong giai đoạn 2008 - 2016. Kết quả từ phân tích mô hình hiệu ứng cố định (FEM), cho thấy phần lớn không có sự khác biệt trong thu nhập giữa các hộ bị rủi ro, ngoại trừ rủi ro tự nhiên ảnh hưởng tiêu cực đến thu nhập phi nông nghiệp, thu nhập khác. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy những hộ bị rủi ro kinh tế, hoặc rủi ro cá nhân có tiền lương, tiền công thấp hơn; và những hộ bị rủi ro cá nhân sẽ có thu nhập khác cao hơn. Để nhận diện các yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn biện pháp ứng phó của hộ, luận án sử dụng mô hình logit cho dữ liệu bảng. Kết quả cho thấy hầu hết các hộ giảm chi tiêu khi bị rủi ro. Hộ thường đa dạng hóa thu nhập khi bị rủi ro tự nhiên, hoặc sâu, dịch bệnh, với mức độ lựa chọn khác nhau tùy theo thiệt hại của rủi ro mà hộ gặp phải. Hộ bị rủi ro kinh tế, hoặc rủi ro cá nhân không ảnh hưởng đến lựa chọn đa dạng hóa thu nhập. Mặc dù rủi ro tự nhiên, hay rủi ro kinh tế không ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn biện pháp nhận hỗ trợ từ bạn bè, họ hàng; tuy nhiên đây là biện pháp ứng phó cơ bản mà hầu hết những hộ bị rủi ro cá nhân lựa chọn. Bên cạnh đó, hộ bị rủi ro sâu dịch bệnh sẽ giảm lựa chọn biện pháp này. Ngoài ra, lựa chọn tài chính (như tiết kiệm, vay vốn), tham gia bảo hiểm sức khỏe cũng chịu ảnh hưởng bởi một số rủi ro nhất định, tùy thuộc vào đặc điểm của từng loại rủi ro. Ngoài ra, những hộ bị rủi ro (đặc biệt tập trung ở các loại rủi ro như tự nhiên, kinh tế), khả năng không làm gì tăng lên. Trên cơ sở đó nghiên cứu đưa ra khuyến nghị các chính sách và giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam để giảm mức độ thiệt hại và tăng cường khả năng ứng phó.
2. Những kết quả mới của luận án
Một là ý tưởng về mức độ nghiêm trọng và khả năng phục hồi của từng loại rủi ro được đo lường theo thời gian ngay tại năm xảy ra rủi ro và một năm sau đó.
Hai là, nghiên cứu phân tích sự khác biệt trong mức độ ảnh hưởng của các loại rủi ro theo đặc điểm của hộ thông qua các biến tương tác giữa hộ bị một loại rủi ro nhất định với các đặc điểm đặc thù của hộ theo loại rủi ro đó.
Ba là, nghiên cứu đo lường ảnh hưởng của bốn loại rủi ro tự nhiên, sâu, dịch bệnh, kinh tế và cá nhân được đưa vào cùng một lúc, và cũng phân tích riêng rẻ từng loại rủi ro đặc thù đến các nguồn thu nhập của hộ gia đình nông thôn Việt Nam.
Bốn là, nghiên cứu phân tích ảnh hưởng của từng loại rủi ro khác nhau đến từng nguồn thu nhập (bốn nguồn thu nhập cơ bản của hộ gia đình Việt Nam gồm thu nhập từ nông nghiệp, tiền lương, tiền công, phi nông nghiệp và thu nhập khác).
Năm là, nghiên cứu xác định sự khác biệt giữa các nhóm hộ theo thu nhập và thái độ rủi ro đến lựa chọn biện pháp ứng phó của hộ, cũng như ứng dụng lý thuyết trò chơi để xác định hành vi của hộ. Luận án chi tiết hóa các biện pháp ứng phó thành bảy biện pháp ứng phó đặc trưng của hộ.
3. Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hay những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
Việc dụng bộ dữ liệu điều tra tiếp cận nguồn lực hộ gia đình (VARHS) giai đoạn 2008 – 2016 là nền tảng để phân tích thực trạng của rủi ro, thu nhập và biện pháp ứng phó của hộ gia đình giai đoạn 2008 – 2016 cùng với phân tích định lượng đã giúp luận án nghiên cứu một cách hệ thống về cách thức khắc phục rủi ro, ứng phó bền vững của hộ, và đề xuất các khuyến nghị chính sách mang tính thuyết phục hơn. Dữ liệu nghiên cứu chỉ đến năm 2016 do độ trễ về dữ liệu ở Việt Nam, đây cũng là gợi ý cho các nghiên cứu khác tiếp theo.
Hãy là người bình luận đầu tiên