Đó là một trong những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học ĐHQG-HCM về Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu, ngày 6/6.
Ông Dương Thành Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết Dự thảo Báo cáo chính trị của tỉnh đã xác định năm trụ cột phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong nhiệm kỳ mới. Theo đó, thuỷ sản được xem là ngành kinh tế mũi nhọn và định hướng trở thành vùng nuôi tôm đứng đầu các tỉnh ĐBSCL và cả nước. Các trụ cột còn lại gồm phát triển nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện khí), xây dựng mô hình công nghiệp sạch; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng; đẩy mạnh thương mại dịch vụ, giáo dục, y tế chất lượng cao; tăng cường hoạt động kinh tế biển gắn với nhiệm vụ quốc phòng an ninh.
Góp ý về Dự thảo này, các nhà khoa học của ĐHQG-HCM cho rằng Bạc Liêu là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế trong tiểu vùng bán đảo Cà Mau để xây dựng thành một tỉnh phát triển hàng đầu trong tiểu vùng và trong các tỉnh ĐBSCL. Tuy nhiên, giải pháp thực hiện dựa vào 5 trụ cột của tỉnh cần được chi tiết và cụ thể hóa. Đối với các giải pháp trên một số lĩnh vực như: Xây dựng tỉnh thành “Thủ phủ tôm” của ĐBSCL và cả nước cần đảm bảo an toàn môi trường; “Thủ phủ năng lượng tái tạo” của cả nước phải chú ý tạo điều kiện thu hút nhân lực và vốn đầu tư, hướng mở rộng quy mô; về phát triển du lịch cần có chiến lược gắn với tiềm năng, thế mạnh; phân tích những hạn chế trong liên kết vùng, tiểu vùng để có hướng khắc phục; phát triển nguồn nhân lực và chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp cần có một số chính sách quan trọng để đột phá…
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quang Dương - Bí thư Tỉnh ủy đã bày tỏ sự cảm ơn chân thành các thầy cô của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã đến với Bạc Liêu bằng tinh thần tâm huyết thông qua những đóng góp, gợi ý, chia sẻ vào nội dung dự thảo Báo cáo chính trị của tỉnh.
“Những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học đến từ ĐHQG-HCM sẽ giúp văn kiện của Đại hội Đảng bộ tỉnh tăng thêm hàm lượng trí tuệ cao. Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo tỉnh rất trân trọng và sẽ nghiên cứu sâu sắc, tiếp thu tối đa đồng thời dựa vào chỉ đạo của Trung ương để xây dựng báo cáo chính trị với những định hướng tốt cho nhiệm kỳ sau. Khát vọng của Bạc Liêu sẽ được các tỉnh trong vùng ủng hộ, cả nước thấy được để hỗ trợ địa phương đột phá, phát triển bền vững” - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh.
PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - Giám đốc ĐHQG-HCM, cho biết qua trao đổi ĐHQG-HCM đã hiểu hơn khát vọng của Bạc Liêu và mong rằng Bạc Liêu sẽ thiết lập những chính sách, cơ chế, để thực hiện khát vọng này.
“Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng là những giá trị cốt lõi mà ĐHQG-HCM đã cam kết thực hiện trước xã hội. ĐHQG-HCM sẽ đồng hành tỉnh để Bạc Liêu tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ XVI cũng như tiếp tục hỗ trợ hiệu quả hơn trong chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực để hoàn thành các mục tiêu của tỉnh trong nhiệm kỳ tới…” - Giám đốc ĐHQG-HCM khẳng định.
Trước đó, Đoàn công tác ĐHQG-HCM do PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - Giám đốc ĐHQG-HCM làm trưởng đoàn đã làm việc với Trường ĐH Bạc Liêu. PGS.TS Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao những nỗ lực không ngừng của trường trong việc hoàn thiện cơ cấu tổ chức, không ngừng đổi mới, sáng tạo trong hội nhập, phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo… Giám đốc ĐHQG-HCM khẳng định ĐHQG-HCM tiếp tục kề vai sát cánh, hỗ trợ toàn diện để Trường ĐH Bạc Liêu sớm trở thành trung tâm đào tạo chất lượng cao của tiểu vùng bán đảo Cà Mau và Đồng bằng sông Cửu Long.
PHAN ANH
Hãy là người bình luận đầu tiên