Tên đề tài: Di tích kiến trúc cổ của người Hoa ở Hội An (Quảng Nam)
Chuyên ngành: Khảo cổ học
Mã số: 9229017
Họ và tên nghiên cứu sinh: Võ Thị Ánh Tuyết
Người hướng dẫn khoa học: TS. Nguyễn Thị Hậu và TS. Trương Hoàng Trương
Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
+ Tóm tắt nội dung luận án (abstract) – viết dưới dạng tóm tắt bài báo khoa học
Trong các thế kỷ XVII – XIX, người Hoa đã đến buôn bán và định cư tại vùng đất Hội An (tỉnh Quảng Nam). Tại đây, cộng đồng di dân này đã xây dựng các công trình kiến trúc nhằm đáp ứng nhu cầu thường nhật của cuộc sống và sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng. Trải qua thời gian, đa số các di tích kiến trúc cổ của người Hoa vẫn hiện tồn tại trong lòng khu phố cổ Hội An. Bằng phương pháp nghiên cứu chính của khảo cổ học lịch sử kết hợp với cách tiếp cận liên ngành, vận dụng một số lý thuyết nghiên cứu phù hợp, tiêu biểu là lý thuyết về khảo cổ học đô thị và lý thuyết về giao lưu, tiếp biến văn hóa, luận án đã trình bày một cách hệ thống và toàn diện về các di tích kiến trúc cổ của người Hoa ở Hội An (Quảng Nam).
Cụ thể: Từ bối cảnh ra đời và phát triển đến việc phân chia các nhóm loại hình, đặc điểm riêng của từng loại hình và đặc trưng chung của hệ thống di tích kiến trúc cổ của người Hoa (về không gian phân bố, kiến trúc, nghệ thuật trang trí, di vật, niên đại,…). Kết hợp điền dã, nghiên cứu kiến trúc cổ tại các di tích với sử liệu chữ viết và nhiều nguồn tư liệu khác, luận án cũng đã nêu được diễn trình phát triển, các mối quan hệ và sự giao lưu, tiếp biến văn hóa. Đồng thời xác định vai trò các di tích kiến trúc cổ của người Hoa ở Hội An trong lịch sử và hiện tại, đánh giá giá trị và gợi ý đề xuất bảo tồn, phát huy.
Kết quả luận án góp phần làm rõ lịch sử định cư, đặc biệt là hoạt động kinh tế thương mại của người Hoa và diện mạo phát triển của thương cảng quốc tế Hội An thế kỷ XVII – XIX. Những dấu ấn văn hóa đặc sắc mà người Hoa để lại ở Hội An qua những kiến trúc cổ đã phản ánh những đóng góp quan trọng của cộng đồng này đối với công cuộc xây dựng và phát triển vùng đất Hội An xưa và nay.
+ Những kết quả của luận án
1. Luận án là công trình đầu tiên thực hiện việc hệ thống hóa toàn bộ tư liệu và nghiên cứu chuyên sâu về Di tích kiến trúc cổ của người Hoa ở Hội An (Quảng Nam). Cách tiếp cận từ khảo cổ học lịch sử với những tư liệu điều tra, khảo sát mới nhất tới thời điểm hiện tại – năm 2022
2. Căn cứ theo công năng, về cơ bản các di tích kiến trúc cổ của người Hoa ở Hội An được phân thành hai nhóm chính: Nhóm kiến trúc dân dụng (nhà ở kết hợp cửa hàng, thờ tự…) và nhóm kiến trúc tín ngưỡng (miếu, hội quán, mộ cổ, nghĩa trủng, Thanh Minh từ,..). Ngoài ra còn có nhóm kiến trúc đặc biệt. Mỗi di tích, loại hình có đặc điểm riêng về kiến trúc, nghệ thuật trang trí, di vật, niên đại…
Tổng thể di tích kiến trúc cổ của người Hoa ở Hội An có những đặc trưng cơ bản về: 1) Không gian phân bố; 2) Kiến trúc và nghệ thuật trang trí, 3) Đặc trưng di vật; 4) Những biến đổi về tên gọi cùng chức năng của một số loại hình di tích (tiêu biểu là các hội quán). Qua đó thể hiện yếu tố đặc trưng cho từng nhóm Hoa nói riêng và cộng đồng người Hoa ở Hội An nói chung. Tổng thể di tích kiến trúc cổ của người Hoa ở Hội An có niên đại từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX. Một số di tích khởi dựng ở thế kỷ XVII – XVIII nhưng sau đó (đặc biệt ở thế kỷ XIX) đã được trùng tu, sửa chữa hoặc xây lại. Niên đại kiến trúc gỗ hiện tồn chủ yếu ở thế kỷ XIX.
3. Hệ thống di tích kiến trúc cổ của người Hoa ở Hội An có diễn trình phát triển đặc trưng gắn liền với tiến trình lịch sử Việt Nam và lịch sử vùng đất Quảng Nam, Hội An. Về cơ bản có thể phân thành bốn giai đoạn: 1) Giai đoạn 1 (Thế kỷ XVII): Các di tích niên đại sớm, tiêu biểu như dấu vết và tư liệu về Miếu Quan Đế (ở làng Trà Nhiêu) và Cẩm Hà cung (thuộc ranh giới hai xã Cẩm Phô và Thanh Hà) hay sự ra đời của tổng thể kiến trúc đặc biệt miếu Quan Công và chùa Quan Âm; 2) Giai đoạn 2 (Từ đầu thế kỷ XVIII đến năm 1775): Tiêu biểu như Dương Thương hội quán lập năm 1741 (bi ký), tên gọi “Hội quán Phúc Kiến” xuất hiện năm 1792 hay việc dựng nhà ở phía Nam đường Trần Phú cũng diễn ra từ thế kỷ XVIII; 3) Giai đoạn 3 (Từ năm 1775 đến năm 1802): Trong giai đoạn tranh chấp giữa các thế lực phong kiến Trịnh, Nguyễn và Tây Sơn thì các kiến trúc cổ của người Hoa ở Hội An cũng bị ảnh hưởng nhất định, cụ thể là bị tàn phá và được phục hồi; 4) Giai đoạn 4 (Từ đầu thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX): Vào đầu thế kỷ XIX, khi vai trò thương mại quốc tế của Hội An từng bước được phục hồi cũng là thời kỳ sầm uất của phố người Trung Hoa ở Hội An. Đến cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX khi công việc buôn bán của Hoa thương ở Hội An khá thịnh vượng, họ tiếp tục xây mới và đại tu sửa các kiến trúc cũ (điển hình là miếu, hội quán) theo quy mô như ngày nay, phần lớn di vật có niên đại giai đoạn này.
4. Kiến trúc cổ của người Hoa ở Hội An có một quá trình gắn liền với sự nhập cư của những thương nhân Trung Hoa vào vùng đất miền Trung Việt Nam. Là kết quả của mối quan hệ tiếp xúc văn hóa Việt – Hoa, Hoa – Việt trong nhiều thế kỷ, người Hoa đã có giao lưu văn hóa đặc sắc với các cộng đồng cư dân Hội An xưa và nay. Quần thể di tích kiến trúc đô thị cổ Hội An nói chung, đặc biệt kiến trúc cổ của người Hoa đã thể hiện sự hội tụ, giao thoa giữa nhiều nền văn hóa khác nhau, trong đó ảnh hưởng đậm nét từ Trung Hoa. Do vậy, thông qua nghiên cứu so sánh giữa các di tích kiến trúc cổ của người Hoa ở Hội An với một số vùng miền trong nước như ở Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh, Phố Hiến (Hưng Yên), và một số nơi trên khu vực Châu Á như Trung Hoa, Nhật Bản,... để thấy rõ hơn đặc trưng kiến trúc cổ của người Hoa ở Hội An.
5. Ra đời, tồn tại và phát triển tại vùng đất Hội An, các công trình kiến trúc của người Hoa chiếm giữ vai trò quan trọng cả trong lịch sử và hiện tại. Trong lịch sử, kiến trúc dân dụng có vai trò quan trọng đối với kinh tế, văn hóa của giới Hoa thương, còn kiến trúc tín ngưỡng lại chiếm giữ vị trí đặc biệt đối với sinh hoạt văn hóa, xã hội của cộng đồng nói chung. Hiện nay, các di sản văn hóa nói chung và các di tích kiến trúc cổ nói riêng của người Hoa giữ vai trò quan trọng và tiếp tục có những đóng góp đối với sự phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội của thành phố, đặc biệt trong hoạt động du lịch, giảng dạy và truyền bá tri thức lịch sử văn hóa. Với những giá trị đặc sắc, di tích kiến trúc cổ của người Hoa ở Hội An rất cần được tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị.
6. Nghiên cứu các di tích kiến trúc cổ của người Hoa tại Hội An cho thấy, những thương gia người Hoa đã góp phần quan trọng vào sự phát triển hưng thịnh của Hội An, đồng thời các kiến trúc của họ đã tạo nên diện mạo cảnh quan đô thị thời bấy giờ và ngày nay đã trở thành di sản tiêu biểu của Hội An. Từ năm 1999, khu phố cổ Hội An đã được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa Thế giới, Hội An dần trở thành địa chỉ du lịch di sản đặc biệt hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Có được thành quả này, phần lớn nhờ sự nỗ lực chung của chính quyền cùng nhân dân Thành phố trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, trong đó có các di tích kiến trúc cổ của người Hoa. Đây cũng là kinh nghiệm cho các đô thị khác trong cả nước.
+ Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu:
Kết quả nghiên cứu của luận án cung cấp tư liệu thiết thực cho các ngành khảo cổ, lịch sử, văn hóa, du lịch,... Việc phân chia loại hình, nhận diện đặc trưng, giá trị, niên đại,… góp thêm tư liệu xây dựng bộ sưu tập hồ sơ khoa học cho từng di tích và hệ thống toàn bộ các di tích kiến trúc cổ của người Hoa ở Hội An. Đó là các tài liệu: lược thuật về quá trình phát hiện và nghiên cứu di tích, thống kê, mô tả, phân loại, bản ảnh, bản vẽ về di tích và di vật, các mối quan hệ của di tích... phục vụ công tác kiểm kê, nghiên cứu, quản lý di sản văn hóa. Đây còn là tài liệu văn hóa, du lịch phục vụ công tác thuyết minh du lịch tại các tuyến điểm của thành phố Hội An. Kết quả nghiên cứu của luận án sẽ giúp những nhà quản lý trong công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di tích, đặc biệt là khai thác giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tại các di tích kiến trúc cổ của người Hoa, vừa gắn với bảo tồn phố cổ Hội An vừa phục vụ hoạt động kinh tế - văn hóa - du lịch. Luận án còn là tài liệu tham khảo, nghiên cứu, giảng dạy cho sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh cùng những ai quan tâm đến cộng đồng người Hoa, vùng đất Hội An (Quảng Nam) và lịch sử Việt Nam thời trung-cận đại.
Từ kết quả của luận án đã gợi mở một số vấn đề nghiên cứu tiếp theo trong tương lai. Tiêu biểu như:
+Việc nghiên cứu mối quan hệ giữa các loại hình kiến trúc cổ của người Hoa ở Hội An với các địa phương khác trên cả nước, với Trung Quốc, Nhật Bản hay các nước Đông Nam Á để tìm ra những giá trị riêng có mang tính địa phương liên quan người Hoa tại quê hương gốc và sự biến đổi khi đến từng vùng đất mới.
+ Sự phát triển của cảng thị Hội An trong lịch sử và tính chất hoạt động kinh tế ngoại thương hướng biển của Hoa thương cho thấy vai trò quan trọng của kinh tế biển. Qua đó, còn gợi ra những hướng nghiên cứu mới về Khảo cổ học biển đảo.
Hãy là người bình luận đầu tiên