Tên luận án: Diễn ngôn bài chòi Nam Trung Bộ dưới góc nhìn ngôn ngữ - văn hóa
Chuyên ngành: Ngôn ngữ học
Mã số: 9229020
Họ và tên nghiên cứu sinh: Đặng Thị Thanh Hoa
Người hướng dẫn khoa học:
+ TS. Trần Hoàng (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)
+ TS. Huỳnh Thị Hồng Hạnh (Trường ĐH KHXH&NV- ĐHQG TP. HCM)
Cơ sở đào tạo: Trường ĐH KHXH&NV- Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh
1. Tóm tắt luận án
Nghiên cứu Diễn ngôn bài chòi Nam Trung Bộ dưới góc nhìn ngôn ngữ t- văn hóa, chúng tôi mong muốn đóng góp một tiếng nói chung về phân tích diễn ngôn, về mối quan hệ giữa ngôn ngữ với những đặc trưng văn hóa dân tộc. Chúng tôi phân tích đặc điểm ngữ vực của diễn ngôn bài chòi Nam Trung Bộ ở: trường, thức, không khí và mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau giữa chúng. Bên cạnh đó, chúng tôi tập trung làm rõ tính chất đa phương thức của diễn ngôn bài chòi, cơ chế “tạo lập – tiếp nhận” trong diễn ngôn bài chòi và sự xuất hiện của các thể loại diễn ngôn khác tham gia vào quá trình hình thành diễn ngôn bài chòi tạo nên tính chất liên diễn ngôn của diễn ngôn bài chòi Nam Trung Bộ. Và để làm rõ đặc điểm ngôn ngữ - văn hóa của diễn ngôn bài chòi Nam Trung Bộ, chúng tôi nghiên cứu mối quan hệ giữa ý niệm văn hóa và tên các con bài, ý niệm về không gian văn hóa lịch sử, văn hóa tinh thần của vùng đất Nam Trung Bộ. Từ đó, chúng tôi chỉ ra mối quan hệ gắn bó giữa con người với môi trường cũng như vai trò của tự nhiên trong tư duy nghệ thuật của sáng tác dân gian của con người ở vùng đất này. Thông qua ngôn ngữ diễn ngôn bài chòi, chúng ta có thể hiểu thấu đáo những nét đặc thù trong nếp cảm, nếp nghĩ, nếp diễn đạt của người lao động Nam Trung Bộ.
2. Những kết quả mới của luận án
2.1. Đóng góp về mặt khoa học
Kết quả nghiên cứu của luận án góp phần khẳng định ưu thế của việc vận dụng lí thuyết phân tích ngữ vực, lí thuyết liên diễn ngôn vào phân tích diễn ngôn bài chòi. Luận án cũng cố gắng vận dụng lí thuyết mới: ngôn ngữ học văn hóa vào việc tìm hiểu đặc điểm ngôn ngữ - văn hóa của diễn ngôn bài chòi Nam Trung Bộ. Về thực tiễn: Với đề tài này, chúng tôi còn mong muốn mang đến những kết quả nghiên cứu sâu hơn và toàn diện hơn về diễn ngôn bài chòi Nam Trung Bộ, nhằm góp phần tích cực vào việc khẳng định giá trị của loại hình nghệ thuật dân gian này; đồng thời góp thêm tiếng nói trong việc gìn giữ và phát huy di sản bài chòi, góp phần khám phá thêm vẻ đẹp tâm hồn của dân tộc Việt.
2.2. Đóng góp về mặt thực tiễn
Những kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ góp phần nâng cao hiệu quả tiếp nhận diễn ngôn bài chòi. Ngoài ra, kết quả của luận án có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho các hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và học tập mảng văn học địa phương trong chương trình Ngữ văn mới ở nhà trường phổ thông, đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện giáo dục hiện nay.
3. Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hay những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
Luận án đã tạo dựng một cách nhìn tổng quát về ngôn ngữ bài chòi Nam Trung Bộ theo diễn ngôn. Những kết quả đạt được còn rất khiêm tốn. Để có thể có những kết luận sâu sắc, toàn diện hơn cần phải có một quá trình nghiên cứu lâu dài theo hướng mở rộng đối tượng và phạm vi nghiên cứu như nghiên cứu ngôn ngữ bài chòi vùng Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế; so sánh đối chiếu với ngôn ngữ bài chòi giữa các vùng miền; hay sự giao thoa văn hóa giữa ngôn ngữ bài chòi với các loại hình nghệ thuật dân gian khác của dân tộc... Và đây cũng là những hướng nghiên cứu mở rộng của đề tài.
Hãy là người bình luận đầu tiên