Tên đề tài: Giải pháp pháp lý thu hút hiệu quả đầu tư trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng
Chuyên ngành: Luật Kinh tế
Mã số: 62.38.01.07
Họ tên NCS: Châu Phụng Chi
Mã số NCS: 1480107
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Lê Thị Bích Thọ, TS. Nguyễn Ngọc Sơn
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM
1. Tóm tắt luận án
Mục tiêu nghiên cứu của luận án
Mục tiêu tổng quát của nghiên cứu này là nhận diện các yếu tố tác động đến hiệu quả thu hút đầu tư trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng, nhằm xây dựng và đề xuất các giải pháp pháp lý cải thiện tình trạng thu hút đầu tư thiếu hiệu quả trong xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng ở Việt Nam.
Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Luận án nghiên cứu các quy định của pháp luật về thu hút đầu tư trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng.
Trong nội dung luận án, tác giả chỉ phân tích, đánh giá điều chỉnh của pháp luật đầu tư trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng ở Việt Nam liên quan đến các rủi ro trong hoạt động thu hút đầu tư và sự hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và cộng đồng.
Phương pháp nghiên cứu
Luận án sử dụng các phương pháp nghiên cứu: Phương pháp phân tích, phương pháp tổng hợp, phương pháp phương pháp so sánh luật học, phương pháp nghiên cứu liên ngành.
Ý nghĩa lý luận và thực tiễn
Về mặt lý luận
Luận án bổ sung và tiếp nối các nghiên cứu nền tảng của Việt Nam và thế giới về giải pháp thu hút hiệu quả đầu tư trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng. Cụ thể: Thứ nhất, luận án xác định nội hàm của thu hút đầu tư trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng và các tiêu chí đánh giá thu hút hiệu quả đầu tư.
Thứ hai, luận án làm rõ vai trò, vị trí, sự cần thiết và tính hiệu quả của giải pháp pháp lý trong hệ thống các giải pháp thu hút đầu tư.
Thứ ba, luận án nhận diện những khía cạnh tác động đến hiệu quả thu hút đầu tư trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng cần thiết phải có sự điều chỉnh của pháp luật, bao gồm: các yếu tố rủi ro trong hoạt động thu hút đầu tư, sự xung đột lợi ích giữa nhà đầu tư và cộng đồng.
Thứ tư, lý luận về thu hút hiệu quả đầu tư trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng là tiền đề quan trọng cho việc nghiên cứu các và đề xuất những giải pháp hoàn thiện pháp luật về đầu tư trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng ở Việt Nam.
Về mặt thực tiễn
Thứ nhất, thông qua việc đánh giá sự điều chỉnh của pháp luật với những vấn đề phát sinh từ thực tiễn thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng ở Việt Nam, luận án đã đóng góp ý kiến góp phần thực hiện hiệu quả Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công.
Thứ hai, kết quả nghiên cứu của Luận án là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân tham khảo để lụa chọn phương thức đầu tư phù hợp.
Thứ ba, Luận án đã cung cấp luận cứ thực tiễn cho việc hoạch định các chính sách về phát triển kết cấu hạ tầng, hoàn thiện các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động thu hút đầu tư trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng ở Việt Nam. Ngoài ra, luận án còn là tài liệu tham khảo hữu ích đối với cán bộ giảng dạy, các nhà nghiên cứu.
2. Những kết quả mới của luận án
1. Luận án nhận diện được bản chất và đặc trưng của hoạt động thu hút đầu tư trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng. Giải quyết được một số vấn đề lý luận liên quan đến khái niệm kết cấu hạ tầng; thu hút hiệu quả đầu tư trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng; làm sáng tỏ khái niệm, đặc điểm, vị trí và tính hiệu quả của “giải pháp pháp lý” trong hệ thống các giải pháp thu hút đầu tư vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng.
2. Thông qua việc phân tích các tiêu chí đánh giá hiệu quả thu hút đầu tư trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng, Luận án khẳng định: để đạt được mục đích và thu hút hiệu quả đầu tư, nhà nước cần xem xét đến yếu tố lợi ích kinh tế của nhà đầu tư và lợi ích xã hội, đây là hai yếu tố đan xen và cần có sự điều chỉnh của pháp luật nhằm tạo ra sự cân đối lẫn nhau.
3. Kế thừa các kết quả nghiên cứu về rủi ro trong phương thức đầu tư PPP, luận án tiếp cận vấn đề này từ thực tiễn thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng ở Việt Nam trong bối cảnh Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư vừa được ban hành. Luận án đã hệ thống, phân tích các biện pháp thu hút đầu tư đã được pháp luật Việt Nam ghi nhận, đồng thời nhận diện các rủi ro pháp lý trở ngại đến hoạt động thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng.
Từ đó làm rõ những tương đồng, khác biệt giữa thu hút đầu tư thông thường với đặc thù đầu tư trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng.
4. Tiếp cận từ góc độ cá nhân, tổ chức chịu tác động từ hoạt động đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, luận án đã nhận diện và phân tích mâu thuẫn lợi ích giữa cộng đồng và nhà đầu tư từ thực tiễn ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu này tạo lập cơ sở khoa học cho việc xác định những vấn đề cần được pháp luật điều chỉnh nhằm cân bằng lợi ích các chủ thể liên quan.
5. Các quy định pháp luật liên quan đến lợi ích cộng đồng không điều chỉnh trực tiếp hoạt động đầu tư kết cấu hạ tầng, tuy nhiên lại đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh sự cân bằng lợi ích của các bên liên quan, đặc biệt là lợi ích của người sử dụng đất và của người sử dụng công trình, dịch vụ, kết cấu hạ tầng. Luận án đã tiếp cận và đánh giá từ góc độ này, đây là cách tiếp cận mới trong việc hệ thống các vấn đề có liên
quan và tác động đến hiệu quả thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng trong thời gian qua.
6. Các giải pháp pháp lý kiểm soát rủi ro trong thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng được đề xuất trên cơ sở tiếp thu và kế thừa các khuyến nghị lập pháp của UNCITRAL, dù vậy, luận án có cách tiếp cận mới là lý giải nguyên nhân của rủi ro đối với nhà đầu tư từ bản chất của hợp đồng PPP, từ đó đề xuất giải các pháp tập trung vào vấn đề hoàn thiện hợp đồng.
3. Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hay những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
Nội dung mà Luận án còn bỏ ngỏ cho những nghiên cứu tiếp theo liên quan đến thu hút hiệu quả đầu tư trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng là các giải pháp pháp lý cho việc sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công
Hãy là người bình luận đầu tiên