Tên đề tài: Hệ thống ngữ âm các phương ngữ Châu Ro
Chuyên ngành: Ngôn ngữ học
Mã số: 9229020
Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Trần Quý
Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Trang, TS. Đinh Lư Giang
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
1. Tóm tắt nội dung luận án
Luận án với tên Hệ thống ngữ âm các phương ngữ Châu Ro đã miêu tả tổng quan hệ thống ngữ âm tiếng Châu Ro ở 3 phương ngữ: tiếng Châu Ro ở Xuân Lộc, tiếng Châu Ro ở Định Quán và tiếng Châu Ro ở Châu Đức. Với đặc trưng ngữ âm của một ngôn ngữ thuộc Ngữ hệ Nam Á, Chi Môn Khmer, nhóm Ba Na Nam, hệ thống ngữ âm các phương ngữ tiếng Châu Ro có nhiều điểm tương đồng với các ngôn ngữ cùng nhóm như: Xtiêng, Cơ Ho, Mnông. Tiếng Châu Ro không có thanh điệu và đang trong quá trình hình thành âm vực. Giữa các vùng phương ngữ có sự khác biệt về ngữ âm tương đối thấp. Tiếng Châu Ro Xuân Lộc được xem là phương ngữ đại diện nhờ vị thế trung tâm văn hoá lịch sử của cộng đồng này. Các biến thể ngữ âm của ngôn ngữ này có tần số cao ở vị trí phụ âm đầu âm tiết chính và nguyên âm âm tiết chính. Các vị trí còn lại có số lượng biến thể hạn chế. Sự khác biệt về ngữ âm giữa các phương ngữ Châu Ro có thể lý giải trên cơ sở khuynh hướng xu hướng đơn tiết hoá diễn ra không đồng thời. Bởi lẽ, đây là xu hướng lớn, bao trùm các ngôn ngữ chi Môn Khmer và cụ thể ở đây là các ngôn ngữ thuộc nhóm Ba Na Nam như tiếng Châu Ro.
Nhờ áp dụng kỹ thuật của hướng nghiên cứu Trắc học phương ngữ, người viết có thể số hoá các dữ liệu ngữ âm phương ngữ Châu Ro. Từ đó, các bản đồ phương ngữ Châu Ro được xây dựng với những thông số cụ thể. Sự khác biệt về phương ngữ giữa các vùng được minh hoạ trực quan trên bản đồ phương ngữ. Các số liệu về sự khác biệt ngữ âm giữa các vùng phương ngữ, cho phép tạo ra một bức tranh sinh động, khái quát về ngữ âm tiếng Châu Ro, cũng như các xu hướng chuyển đổi giữa các phụ âm và nguyên âm của các phương ngữ. Người đọc có thể nắm được các phương ngữ có mối tương quan về ngữ âm với nhau như thế nào qua các sơ đồ nhánh. Các mô tả và giải thích về các hiện tượng ngữ âm có tính quy luật trong các phương ngữ Châu Ro cũng được trình bày thông qua các chỉ tố trên bản đồ. Tác giả luận án đã sử dụng các bảng liệt kê để ghi nhận hiện trạng phát âm trong cộng đồng Châu Ro ở các khu vực khác nhau. Từ đó, thực hiện nghiên cứu và thống kê, và phát hiện ra rằng phương ngữ Định Quán có sự khác biệt ngữ âm lớn hơn so với phương ngữ Châu Đức và Xuân Lộc. Sự khác biệt này được mô tả chi tiết qua các loại phụ âm, nguyên âm của ngôn ngữ này.
2. Những kết quả mới của luận án
Thứ nhất, luận án đã liệt kê hệ thống các âm vị trong ngữ âm của phương ngữ Châu Ro Xuân Lộc, đối chiếu các đặc trưng ngữ âm của phương ngữ này với tiếng Châu Ro ở Châu Đức và Định Quán.
Thứ hai, mô tả được hệ thống ngữ âm tiếng Châu Ro ở Định Quán nhằm đúc kết những sự khác biệt mang tính khu vực.
Thứ ba, luận án đã trình bày hệ thống ngữ âm tiếng Châu Ro ở Châu Đức và chỉ ra những đặc trưng ngữ âm riêng của phương ngữ này.
Thứ tư, khái quát và đề nghị một hệ thống âm vị tiếng Châu Ro dựa trên sự bao quát các biến thể ngữ âm từ thực tế phát âm của đồng bào Châu Ro ở ba vùng phương ngữ đã khảo sát.
Thứ năm, vận dụng những tiến bộ của trắc học phương ngữ vào việc xử lý ngữ liệu, thống kê, tính toán và lập bản đồ phương ngữ Châu Ro.
Thứ sáu, từ bảng kê âm vị tiếng Châu Ro được đúc kết, người viết có thể đề xuất cơ sở âm vị và chữ viết cho việc xây dựng hệ thống chữ viết và quy cách chính tả cho tiếng Châu Ro.
3. Khả năng ứng dụng của luận án
Thứ nhất, dựa trên mô tả về ngữ âm các phương ngữ Châu Ro có thể rút ra các biến thể phát âm khác nhau phục vụ cho việc giảng dạy tiếng Châu Ro trong trường và sử dụng trong truyền thông, xã hội ở từng vùng cụ thể.
Thứ hai, từ kết quả về hệ thống âm vị tiếng Châu Ro, có thể đề xuất bảng quy tắc chữ viết Châu Ro.
Thứ ba, cung cấp thông tin về các biến thể ngữ âm mang tính xã hội của tiếng Châu Ro, phục vụ cho các nghiên cứu về ngôn ngữ học xã hội. .
Thứ tư, chứng minh cho những biểu hiện ngữ âm phương ngữ Châu Ro hiện tại, làm cứ liệu cho việc so sánh ngữ âm lịch sử của ngôn ngữ này.
Hãy là người bình luận đầu tiên