Tên đề tài: Hiện vật đá và đồng thuộc văn hóa Champa tại các bảo tàng ở Thành phố Hồ Chí Minh
Chuyên ngành: Khảo cổ học
Mã số: 9229017
Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Thị Tú Anh
Người hướng dẫn khao học: PGS.TS. Đặng Văn Thắng, và TS. Phí Ngọc Tuyến
Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
+ Tóm tắt nội dung luận án (abstract) – viết dưới dạng tóm tắt bài báo khoa học
Luận án nghiên cứu về ý nghĩa tiếu tượng học và chỉ ra mối liên hệ hữu cơ giữa di vật với di tích, thông qua các di vật thuộc văn hóa Champa tại các bảo tàng ở Thành phố Hồ Chí Minh, niên đại từ khoảng thế kỷ 7 CN đến thế kỷ 17 CN. Luận án chỉ ra rằng, không chỉ có ba vị thần chính là Shiva- Vishnu- Brahma được tôn thờ tại các ngồi đền Bà-la-môn giáo của Champa, mà thần/tín ngưỡng Vishnu còn được tôn thờ trong một nhóm kiến trúc riêng biệt. Luận án cũng minh định không chỉ Bà-la-môn giáo từng giữ vị trí chủ chốt trong đời sống tín ngưỡng, mà Phật giáo cũng từng giữ vai trò quan trọng đối với cư dân cổ Champa. Chủ điểm này được xem xét qua các di vật thể hiện hình tượng Bồ tát Quán Thế Âm, và tượng Phật đồng tư thế đứng tìm thấy tại lãnh thổ Champa. Đó là cơ sở để suy luận rằng, các làn sóng Phật giáo từ Nam Á, đã phải đến Champa trước, rồi từ đây truyền bá dần lên các khu vực xa hơn ở phía bắc, bên ngoài lãnh thổ Champa.
+ Những kết quả của luận án
1. Các di vật đá và đồng thuộc văn hóa Champa tại các bảo tàng ở Thành phố Hồ Chí Minh, hầu hết đều thể hiện đề tài tôn giáo, niên đại trải dài từ thế kỷ 7 CN đến thế kỷ 17 CN. Chúng là một phần của đời sống tinh thần của cư dân cổ Champa, là minh chứng cho sự giao lưu và tiếp biến văn hóa giữa cư dân bản địa và văn hóa đến từ nước ngoài. Các yếu tố thẩm mỹ/nghệ thuật tôn giáo khi được giới thiệu đến Champa đều được tích hợp để thích nghi với các truyền thống văn hoá sở tại, đó là cơ sở để tôn giáo phát triển trở thành tôn giáo bản địa.
2. Có hai loại hình điêu khắc chính là Bà-la-môn giáo và Phật giáo, được ghi nhận qua các di vật đá và đồng thuộc văn hóa Champa. Đối với các di vật Bà-la-môn giáo, danh hiệu các vị thần được xác định dựa trên các thuộc tính được thể hiện trên điêu khắc; chủ điểm này thảo luận thông qua tuyệt tác nổi tiếng Nữ thần Devi/ hay ‘Nữ thần trăng khuyết Parvati’. Một tiêu biểu khác là bệ điêu khắc được gọi là ‘Nhũ đinh’, do hình ảnh giống bộ ngực phụ nữ được chạm trổ trên đó; danh từ ‘Uroja’- tiếng Sanskrit được đề xuất là tên gọi cho điêu khắc này khi đối chiếu với minh văn Champa, kể về một nữ thần thuộc hoàng gia Champa, bà được tôn sùng và xem như ‘ân sủng của Đất Mẹ’ trong tôn giáo bản địa.
Đối với các di vật Phật giáo, hình tượng Bồ tát Quán Thế Âm được ghi nhận chủ yếu là kim loại đồng, một trong những di vật quen thuộc trong Phật giáo Champa; Bồ tát có thân trên để trần và chỉ quấn một dhoti nhiều nếp gấp ở thân dưới; chi tiết này gần với một trong những yếu tố thuộc Phật giáo Mật tông tại Champa. Nổi bật trong đó, bức tượng Phật ngồi bị mất đầu cao 64 cm có thể xem là tuyệt tác sa thạch duy nhất hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật; Vairocana hay Đại nhật Như lai được đề xuất là danh hiệu của tượng, là một vị Phật thuộc bộ Pañcatathāgata/ hay Ngũ trí Như lai trong Phật giáo Mật tông Kim Cương thừa.
3. Mối quan hệ giữa di vật và di tích qua di vật Bà-la-môn giáo, hình tượng Vishnu bốn tay bằng sa thạch có thể là một trong những hình tượng chính đại diện tín ngưỡng Vishnu được tôn thờ tại quần thể di tích Khương Mỹ; giả thiết này dự trên minh văn và các chứng cứ khảo cổ học thực hiện bởi các nhà khảo cổ học Việt Nam. Về di vật Phật giáo, tuyệt tác tượng Phật đồng tư thế đứng, đối chiếu qua minh văn Champa, giả thiết được đặt ra là bức tượng này được bày trên bàn thờ chính thuộc khu I, của Phật viện Đồng Dương. Việt tượng nữ thần bằng đồng tư thế đứng được tái định danh là Tara, cũng được tìm thấy tại Đồng Dương, có thể từng được bày trong khu I của di tích. Mở rộng xem xét, tượng Bồ tát Laksmindra-Lokeshvara đúc bằng hợp kim có thể đã thất lạc; như vậy, tượng Tara – và Bồ tát Laksmindra-Lokeshvara có thể từng bày trí song song trong hai ngôi tháp nhỏ, gọi là tháp Nam và tháp Bắc, sát hai bên ngôi đền chính, nơi bày đài thờ lớn có minh họa cuộc đời đức Phật Thích ca.
4. Kinh tế là nhân tố hình thành nên Văn hoá và nghệ thuật Champa, với hệ thống trao đổi thương mại thiết lập giữa các cộng đồng cư dân sinh sống trên khắp lãnh thổ Champa xưa. Yếu tố này được minh chứng qua nghiên cứu giao thương miền ngược- miền xuôi, từ các cảng thị đến các xưởng thủ công nghiệp của Champa. Hệ ngôn ngữ Indic đã được sử dụng trong quản lý hành chính nhà nước Champa có thể xem là nhịp cầu cho sự tương đồng về nghệ thuật Bà-la-môn giáo với một số quốc gia Đông Nam Á. Thời tiết khắc nghiệt có thể xem nhân tố tạo ra giống gạo, món quà đền bù của thiên nhiên, nó đáp ứng nhu cầu về lương thực của các vương quốc cổ Trung Hoa; yếu tố trao đổi lượng thực này có thể là nhịp cầu cho sự hiện diện của nghệ thuật Phật giáo Trung Hoa tại vùng lãnh thổ phía bắc Champa. Đặc biệt, luận án đã chỉ ra rằng các làn sóng Phật giáo từ Nam Á, trước hết, đã phải ghé đến Champa, để từ đây phát triển dần lên các khu vực xa hơn ở phía bắc.
+ Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu:
Luận án lý giải ý nghĩa tiếu tượng học cho các di vật thuộc văn hóa Champa tại các bảo tàng ở Thành phố Hồ Chí Minh; từ đó phác dựng mối quan hệ giữa di vật và di tích; đồng thời mở rộng các giả thiết về nền tảng kinh tế, và sự trao đổi văn hoá qua thương mại hàng hải quốc tế; là yếu tố quan trọng trong việc hình thành các loại hình nghệ thuật tôn giáo hiện diện tại Champa.
Luận án là tài liệu tham khảo cơ bản cho thuyết minh viên bảo tàng, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh, và cho những ai quan tâm đến di vật thuộc văn hóa Champa tại các bảo tàng ở Thành phố Hồ Chí Minh. Các kết quả của luận án có thể góp phần gợi ý cho những nghiên cứu sâu rộng hơn trong tương lai.
Hãy là người bình luận đầu tiên