Tên đề tài: Hoạt động văn học của Phạm Quỳnh trên Nam Phong tạp chí từ góc nhìn lý thuyết Hậu thực dân
Chuyên ngành: Lý luận văn học
Mã số: 9220120
Họ và tên nghiên cứu sinh: Trần Thị Tươi
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Võ Văn Nhơn, TS. Lê Thị Thanh Tâm
Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
+ Tóm tắt nội dung luận án
Luận án nghiên cứu hoạt động văn học của Phạm Quỳnh qua góc nhìn lý thuyết Hậu thực dân, trong đó tập trung chủ yếu vào các trước tác và dịch thuật được ông đăng trên Nam Phong tạp chí từ 1917-1934. Việc ứng dụng lý thuyết Hậu thực dân trong nghiên cứu trường hợp Phạm Quỳnh nhằm hiểu rõ hơn những mâu thuẫn ở ông, những mâu thuẫn một phần là hệ quả mang tính thời đại, một phần là lựa chọn nước đôi của không ít trí thức lúc bấy giờ trong ván cờ quyền lực chính trị. Nghiên cứu Phạm Quỳnh từ góc nhìn lý thuyết Hậu thực dân cũng giúp cắt nghĩa thêm sự hiện diện của ông trong nền văn hóa, văn học dân tộc, đồng thời thấy được những yếu tố quan trọng góp phần làm nên tính phức tạp nơi chủ thể thuộc địa này. Các phương pháp chính được sử dụng trong luận án là: Phương pháp phê bình hậu thực dân, Phương pháp phê bình xã hội học, Phương pháp phê bình tiểu sử.
+ Những kết quả của luận án
1. Luận án đã khái quát toàn cảnh lý thuyết Hậu thực dân, từ quá trình hình thành đến những nội dung nghiên cứu chính; các khái niệm cơ bản; những lý thuyết gia hàng đầu; những tranh luận (còn tồn tại) xung quanh lý thuyết này.
2. Luận án cũng giải đáp những băn khoăn từng tồn tại trong đời sống phê bình văn học Việt Nam trước nay về tính tương thích của việc ứng dụng lý thuyết Hậu thực dân trong nghiên cứu văn học nước nhà, đặc biệt là văn học giai đoạn đầu thế kỷ XX.
3. Trên cơ sở lý thuyết đã xác lập được, luận án ứng dụng vào nghiên cứu trường hợp Phạm Quỳnh, một nhân vật từng bị chính trị hóa cao, cả trong cách hành xử lẫn cách người ta tiếp nhận ông. Việc nghiên cứu được xem xét trên nhiều khía cạnh, từ phương diện cá nhân đến văn bản tác phẩm, bối cảnh xã hội, lịch sử tiếp nhận. Qua đó, luận án đưa ra một số điểm nhìn mới về Phạm Quỳnh.
4. Luận án cung cấp Phụ lục gồm: 10 khái niệm then chốt được dịch từ công trình “Key concepts in Postcolonial Studies”, Bill Ashcroft, Gareth Griffiths and Helen Tiffin (1998). London and New York); Tư liệu thống kê trên Nam Phong tạp chí; Danh mục các tác phẩm dịch thuật của Phạm Quỳnh trên Nam Phong tạp chí.
+ Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
Với những kết quả trên, luận án “Hoạt động văn học của Phạm Quỳnh trên Nam Phong tạp chí từ góc nhìn lý thuyết Hậu thực dân” có thể là:
(1) Tài liệu tham khảo cho các nghiên cứu về văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX nói chung, Phạm Quỳnh nói riêng.
(2) Tài liệu tham khảo cho việc giảng dạy, nghiên cứu các lý thuyết văn học hiện đại, đặc biệt là lý thuyết Hậu thực dân.
Hãy là người bình luận đầu tiên