Tên luận án: Kiến trúc và hiện vật khảo cổ ở Khu di tích Gò Tháp (Đồng Tháp)
Chuyên ngành: Khảo cổ học
Mã số: 9229017
Họ và tên tác giả: Hà Thị Sương
Người hướng dẫn khoa học: 1. PGS.TS. Đặng Văn Thắng, 2. TS. Phí Ngọc Tuyến
Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
+ Tóm tắt nội dung luận án (abstract)
Khu di tích Gò Tháp thuộc xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp là tên chung cho một khu vực rộng 6km2 gồm nhiều gò nhỏ nằm trên một dải đất dài chạy theo hướng đông bắc – tây nam và những cánh đồng ruộng trũng xung quanh.
Khu di tích được biết tới lần đầu tiên do ông Jules Silvestre Pierre, một thanh tra người Pháp làm việc tại đây vào những năm 1869-1878 phát hiện được một bánh xe bằng đá và dấu tích móng của một ngôi đền Gò Tháp Mười. Tới nay, sau gần 150 năm phát hiện, nghiên cứu với sự tham gia của nhiều nhà khoa học người Pháp và người Việt, đã phát hiện số di tích lớn và di vật phong phú, đa dạng.
Kế thừa những thành tựu đó, bằng các phương pháp nghiên cứu chính là phương pháp chuyên ngành khảo cổ học và việc vận dụng các khung lý thuyết về khảo cổ học môi trường, lý thuyết về sự hình thành đô thị cổ, lý thuyết về sự giao lưu và tiếp biến văn hóa, Luận án “Kiến trúc và hiện vật khảo cổ ở khu di tích Gò Tháp (Đồng Tháp)” đã góp phần chứng minh quá trình hình thành, phát triển, đặc điểm, đặc trưng của Khu di tích khảo cổ Gò Tháp.
+ Những kết quả của luận án
1. Khu di tích Gò Tháp là một trong những điểm tụ cư sớm của con người từ thế kỷ II trước Công nguyên trong quá trình khai phá và chinh phục vùng đất đầm lầy ở trung tâm Đồng Tháp Mười. Qua những phát hiện khảo cổ cho thấy khu di tích Gò Tháp được quy hoạch hoàn chỉnh với nhiều phân khu như khu đền thần, khu cư trú, khu cư trú – xưởng, khu sản xuất nông nghiệp,... kéo dài trong nhiều thế kỷ từ khoảng thế kỷ II BC – XII AD.
2. Khu đền thần ở phía tây bắc giồng Tháp Mười gồm 11 kiến trúc đã phát hiện được xây dựng bằng gạch trên nền đất đắp với đặc điểm chung là cấu trúc kiến trúc xây dạng hố thiêng hình vuông, có hoặc không có phần khuôn viên bên ngoài hình chữ nhật hay hình chữ nhật có bẻ góc. Trong hố thiêng phát hiện nhiều đồ vật ký cúng như đá quý, mảnh vàng lá có khắc – vạch, đồ trang sức bằng vàng. Đây là những kiến trúc đền thần Hindu giai đoạn sớm có thể được xây dựng vào những thế kỷ đầu Công nguyên, có kiến trúc hố thiêng khá giống các đền đã phát hiện khá nhiều ở miền Tây Nam Bộ, trong văn hóa Champa và các nền văn hóa cổ chịu ảnh hưởng Ấn Độ giáo ở Đông Nam Á. Khu đền thần xây dựng trên địa hình cao giồng Tháp Mười là các kiến trúc bằng gạch, hoặc gạch kết hợp với đá (như ở kiến trúc Gò Tháp Mười). Các kiến trúc được gia cố nền móng bằng gỗ và gạch, xây dựng vách và tường vững chắc. Ngay bên trong kiến trúc và xung quanh khu vực các đền đã phát hiện nhiều tượng thần Hindu, linh vật thờ, đồ dùng phục vụ nghi lễ tôn giáo,... cho thấy đây là một trung tâm tôn giáo lớn, là chốn linh thiêng của cư dân cả một khu vực rộng lớn thời Phù Nam và hậu Phù Nam. Mật độ dày đặc, tính chất chồng chéo cho thấy các kiến trúc ở Gò Tháp được xây dựng rất nhiều và trong thời gian dài, với các quy mô, kiểu thức khác nhau.
3. Khu di tích Gò Tháp là nơi có những loại hình di vật phong phú, độc đáo. Đặc biệt thu hút nhất đối với các nhà nghiên cứu lịch sử Đông Nam Á là 08 cấu kiện kiến trúc có khắc chữ Sanskrit, chữ Khmer cổ. Trong đó có cả bia có sự kết hợp cả hai hệ chữ này. Các bia có niên đại thế kỷ V – VIII mang nhiều tư liệu lịch sử quan trọng của hai quốc gia cổ xuất hiện trong nhiều sử liệu Trung Quốc là vương quốc Phù Nam và Chân Lạp. Một số lượng lớn tượng Phật bằng gỗ với niên đại C14 được xác định từ thế kỷ II – VI AD mang phong cách đặc trưng, dấu ấn riêng của nghệ thuật Phật giáo đồng bằng sông Mê Kông; số lượng vượt trội về tượng thần như Vishnu trong đó nhiều tượng phát hiện ở tầng văn hóa ngay trong kiến trúc đền thần cùng với các tượng thần Shiva, Surya, linh vật thờ niên đại từ thế kỷ IV – VIII,... là minh chứng đời sống tôn giáo và tín ngưỡng rất phong phú và thân thiện của cư dân Gò Tháp. Ở đây ngoài Phật giáo và Ấn Độ giáo thì nhiều tín ngưỡng khác cũng được thờ cúng.
4. Nằm ở vị trí trung tâm Đồng Tháp Mười với địa hình gồm nhiều gò cát cổ tự nhiên nổi cao, Gò Tháp là một trung tâm quan trọng của các tuyến đường giao thông nội vùng và nối kết với vùng ven biển theo hệ thống sông Vàm cỏ. Gò Tháp được chọn để xây dựng các công trình kiến trúc tôn giáo quan trọng cho cả vùng, có mối quan hệ mật thiết đối với các quần thể di tích sớm hơn hoặc cùng thời, kế cận như: Gò Hàng, Gò Đế, Gò Dung, Gò Vĩnh Châu A, Trấp Gáo Miễu,... và các di tích văn hóa Óc Eo ở đồng bằng sông Mê Kông. Những bằng chứng vật chất thu thập được ở Gò Tháp cũng cho thấy bức tranh hoạt động thương mại sôi động, diễn ra thường xuyên của trung tâm Gò Tháp với nhiều khu vực trên thế giới.
+ Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu:
Kết quả nghiên cứu của luận án góp phần tái hiện một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, tôn giáo, chính trị quan trọng hàng đầu trong buổi đầu hình thành và phát triển của đồng bằng châu thổ sông Mê Kông, một giai đoạn lịch sử quan trọng của vùng đất Nam Bộ. Luận án còn là tài liệu tham khảo cho sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh và cho những ai quan tâm đến văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam.
Hãy là người bình luận đầu tiên