Tin tổng hợp

Lấy bằng thạc sĩ tiếng Việt trước hạn 4 tháng

  • 08/11/2016
  • Đó là hai học viên cao học người nước ngoài: Koelling Jared Kyle 35 tuổi, người Mỹ và Ngụy Cấn Viên 26 tuổi, người Trung Quốc. Gặp Koelling và Viên chỉ vỏn vẹn 30 phút, khi cả hai đang sắp xếp đồ đạc chuẩn bị ngày mai về nước. Chưa kịp bắt tay chào, Koelling cười rất tươi rồi nói tiếng Việt “Koelling đang rất là vui, vui quá!”.

    Niềm vui của hai bạn cũng dễ hiểu, bởi đây là hai học viên đầu tiên bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ bằng tiếng Việt ngày 24/6 tại Khoa Việt Nam học Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG-HCM).

    Muốn khám phá văn hóa Việt Nam 

    Koelling và Viên bắt đầu câu chuyện bằng nụ cười thật sảng khoải bởi nhiệm vụ nặng nề là lấy bằng thạc sĩ bằng tiếng Việt đã hoàn thành. Viên chia sẻ: “Hơn ba tháng Viên vật lộn với đề tài, bây giờ có thể thở phào, cảm thấy... khỏe người ra”. Còn Koelling chỉ biết cười bởi kết quả bảo vệ luận văn thạc sĩ với anh “cứ như mơ”.

    Koelling tốt nghiệp Học viện Quân sự West Point và là kỹ sư cơ khí thuộc quân đội Mỹ. Hai năm trước, vào tháng 4/2014, Koelling được cử đi du học, và tình cờ trong số những quốc gia không nói tiếng Anh, Koelling quyết định chọn Việt Nam. Ngày “đầu quân” vào Khoa Việt Nam học, Koellling cũng chỉ biết vài ba câu tiếng Việt. Anh học cấp tốc 2 tháng và đạt chuẩn B khiến ai cũng bất ngờ. Còn Viên là giảng viên dạy tiếng Việt ở Trường ĐH Ngoại ngữ Tứ Xuyên (Trung Quốc), nhận học bổng và “bén duyên” với Khoa Việt Nam học từ đó.

    Hỏi Koelling học ở Việt Nam có gì khác so với Mỹ, anh bảo: “Học ở Việt Nam lạ quá, không như ở Mỹ học sinh hỏi rất nhiều, ở đây Koelling thấy học một chiều từ thầy cô, học sinh chỉ ngồi viết”.

    Koelling Jared Kyle rất vui vì bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ bằng tiếng Việt. Ảnh: Đức Lộc.

    Khi sang Việt Nam, Viên cũng gặp khó vì nhiều người nói tiếng địa phương “không thể hiểu nổi”. Viên cho biết: “Ngoài Bắc họ nói khác vào Sài Gòn họ lại nói khác, rất khó hiểu. Sau này Viên chỉ học tiếng Sài Gòn thôi”. Koelling chia sẻ: “Mình không thể hiểu tại sao người Việt Nam vừa gọi con lợn vừa gọi con heo. Về sau Koelling thấy người miền Nam nói dễ nghe hơn nên chỉ học tiếng miền Nam thôi”.

    Hai năm vừa học tiếng Việt vừa tìm kiếm tài liệu, làm luận văn thạc sĩ tuy khá vất vả với Koelling và Viên, nhưng thật lạ là cả hai chưa một lần có ý nghĩ “chán tiếng Việt”. 

    “Trong lớp Koelling là người hỏi nhiều nhất, hỏi liên tục. Koelling nghĩ mình cần phải hỏi, không chỉ hỏi cho bản thân mà còn để người khác hiểu. Người Việt Nam có câu: Không biết thì hỏi/ Muốn giỏi phải học, đúng không?” - Koelling cười.

    Với Viên, bí quyết để học tiếng Việt nhanh không gì bằng việc kết bạn và nói chuyện nhiều với những người Việt Nam. Viên nói: “Chính những lần nói chuyện với các bạn Việt Nam, Viên được các bạn sửa cho rất nhiều lỗi về phát âm và dùng từ”.

    Vì nguồn học bổng chỉ có hai năm nên Koelling và Viên phải chạy đua với thời gian. Viên chọn đề tài về tín ngưỡng thờ Quan Công bởi đây là hiện tượng văn hóa giao thoa giữa Trung Quốc và Việt Nam. Koelling chọn đề tài về dịch vụ khách hàng trong hoạt động du lịch tại TP.HCM, nơi mà anh gắn bó 2 năm qua. Kết quả ngoài mong đợi khi cả hai đều bảo vệ thành công trước hạn 4 tháng, với điểm loại xuất sắc.

     Nhớ lại những ngày đi thực tế để làm luận văn, Viên chia sẻ: “Thời gian đó mệt lắm luôn, mình chỉ muốn làm cho xong mà về nước”, nhưng khi bảo vệ thành công và đặc biệt được PGS.TS Phan Thị Yến Tuyết khen “văn phong rất Việt Nam” Viên rất xúc động. Viên mong muốn “được ở lại Việt Nam thêm thời gian nữa, bởi văn hóa Việt Nam còn nhiều điều Viên chưa khám phá hết...”.

    Nhớ trường Nhân văn, nhớ Sài Gòn

    Trong câu chuyện của mình, Koelling và Viên thường  nhắc nhiều đến những thầy cô ở Khoa Việt Nam học. Koelling chia sẻ: “Koelling biết ơn rất nhiều những người thầy cô đã dạy Koelling ở đây. Các thầy cô tốt với Koelling quá, Koelling muốn gửi lời cảm ơn đến họ”. Còn Viên không giấu tình cảm của mình dành cho Sài Gòn: “Người dân Sài Gòn sống rất thoáng và dễ chịu”.

    Về nước, Koelling tiếp tục làm việc trong quân đội Mỹ, còn Viên sẽ giảng dạy tiếng Việt. Trong hành trình tương lai của mình, khoảng thời gian học tại Trường ĐH KHXH&NV, sống tại Sài Gòn vẫn mãi là những kỷ niệm đẹp khó mờ phai, như tâm sự của Viên: “Sẽ rất nhớ nhà trọ ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, nhớ bún thịt nướng, nhớ xôi...”.

    Riêng Koelling, anh mang một tâm tư khác: “Ngày Koelling sang Việt Nam, Koelling mang theo vợ và con trai 4 tuổi. Koelling thuê người giúp việc và yêu cầu họ phải nói chuyện với con trai bằng tiếng Việt. Con trai Koelling học và hát tiếng Việt hay lắm! Nhưng Koelling lo sợ khi về Mỹ, làm việc với môi trường tiếng Anh, bản thân Koelling và con trai sẽ quên mất tiếng Việt”.

    Ngụy Cấn Viên (thứ 3 từ trái sáng) trong buổi bảo vệ luận văn thạc sĩ chiều 24/6. Ảnh: Khoa Việt Nam học.

    Tôi nói vui, “Hay là Koelling và Viên ở lại Việt Nam luôn đi”. Cả hai đều cười, bảo “Phải về đất nước mình làm việc chứ, nhưng nhất định sẽ quay lại”. Còn bao giờ à, “Koelling phải hỏi sếp bên kia đã, Koelling rất mong tháng 11 này sẽ trở lại để nhận bằng tốt nghiệp”.

    Kết thúc cuộc trò chuyện, tôi đề nghị “add friend” trên Facebook, Koelling cười: “Phải gặp nhau nói chuyện như thế này, Koelling mới kết bạn, chứ chưa thấy mặt Koelling không kết bạn đâu. Mà kết bạn phải trò chuyện thường xuyên nhé! Koelling không cần nhiều bạn, Koelling chỉ cần những người bạn chân thành. Koelling thèm được nói chuyện với người Việt Nam”.

     

     Hai tấm gương về sự hiếu học

    PGS.TS Lê Khắc Cường, Trưởng Khoa Việt Nam học, Trường ĐH KHXH&NV, cho biết: “Koelling và Viên là hai học viên để lại nhiều tình cảm và sự mến phục đối với những thầy cô tại Khoa Việt Nam học. 

    Koelling khiến các thầy cô trong khoa bất ngờ vì chỉ hơn 2 tháng học cấp tốc đã đạt chứng chỉ B tiếng Việt (điều kiện cần để vào cao học). Không những thế, anh còn nói rất tốt và anh là học viên bảo vệ sớm 4 tháng trong khi nhiều học viên Việt Nam chưa viết xong phần mở đầu. Tại buổi bảo vệ, khi hội đồng sợ anh không hiểu được các câu hỏi phức tạp nên cho phép chọn câu trả lời nhưng anh xin trả lời cả năm câu, khiến ai cũng bất ngờ.

    Còn với Viên, lúc sang Việt Nam tiếng Việt của cố ấy cũng chưa thực sự tốt nhưng sau 2 năm học, Viên đã tiến bộ rất nhiều, giờ đây tiếng Việt của cô rất chuẩn. 

    Koelling và Viên là tấm gương về sự hiếu học lẫn phương pháp học tập”.

     


    ĐỨC LỘC

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên