Tên luận án: Lực lượng tham gia phong trào cải cách ở các nước Đông Á (nửa sau thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX)
Chuyên ngành: Lịch sử Thế giới
Mã số: 9229011
Họ và tên nghiên cứu sinh: Phạm Thị Phượng Linh
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Nguyễn Tiến Lực
Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia TP. HCM)
1. Tóm tắt nội dung luận án:
Trên cơ sở kế thừa những công trình nghiên cứu có liên quan của các học giả trong và ngoài nước cũng như nguồn tư liệu phong phú và tin cậy, đồng thời dựa trên những phương pháp nghiên cứu như phương pháp lịch sử, phương pháp logic, phương pháp so sánh, kết hợp với các phương pháp khác như phương pháp phân tích, phương pháp tổng hợp, phương pháp liên ngành và phương pháp miêu tả, luận án đã trình bày một cách khoa học, hệ thống và toàn diện về Lực lượng tham gia cải cách ở các nước Đông Á (nửa sau thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX) cụ thể về mặt nội dung bao gồm: (1) Làm rõ những vấn đề lý luận về cải cách, đổi mới, cách mạng xã hội và lực lượng cải cách ở các nước Đông Á; (2) Phân tích những nhân tố tác động đến lực lượng cải cách ở Đông Á - trường hợp Nhật Bản và Trung Quốc như về áp lực xâm lược của thực dân phương Tây, chính trị, xã hội, kinh tế; và (3) Xuất hiện và các hoạt động của các lực lượng tham gia cải cách ở Nhật Bản và Trung Quốc như lực lượng khởi xướng và lãnh đạo cải cách, lực lượng ủng hộ cải cách và lực lượng chống đối cải cách. Trên cơ sở đó, luận án rút ra những điểm tương đồng và khác biệt về các lực lượng tham gia cải cách ở hai quốc gai Trung Quốc và Nhật Bản giai đoạn nửa sau thế kỷ XIX đầu XX.
2. Những kết quả của luận án:
(1) Trình bày và phân tích những vấn đề lý luận về cải cách, đổi mới, cách mạng xã hội và lực lượng cải cách ở các nước Đông Á giai đoạn nửa sau thế kỷ XIX đầu XX. Luận án bước đầu xác định khái niệm về lực lượng tham gia cải cách, sự khác biệt giữa lực lượng cải cách và lực lượng cách mạng. Lực lượng tham gia cải cách gồm lực lượng khởi xướng và lãnh đạo cải cách, lực lượng ủng hộ thực hiện cải cách và lực lượng chống đối cải cách. Những tiêu chí để xác định các loại lực lượng này là theo chiều không gian, thời gian. Những nội hàm nghiên cứu về lực lượng tham gia cải cách là về số lượng, chất lượng, quan hệ giữa các lực lượng này với nhau và với quần chúng nhân dân. Bên cạnh đó, luận án phân tích bối cảnh, nội dung, tiến trình, kết quả và bản chất của cải cách ở các quốc gai Đông Á.
(2) Luận án nghiên cứu, phân tích những nhân tố tác động đến lực lượng tham gia cải cách ở Trung Quốc và Nhật Bản giai đoạn cận đại trong mối tương quan đối sánh với nhau. Những nhân tố đó là áp lực xâm lược của thực dân phương Tây, các nhân tố về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội. Qua đó, những điều kiện để nảy sinh lực lượng khởi xướng, lãnh đạo và thực hiện cải cách ở Nhật Bản thuận lợi hơn nhiều so với ở Trung Quốc trong giai đoạn cận đại.
(3) Luận án phân tích về sự xuất hiện và các hoạt động của lực lượng khởi xướng và lãnh đạo cải cách, lực lượng tham gia ủng hộ thực hiện và lực lượng bảo thủ, chống đối cải cách ở Nhật Bản và Trung Quốc. Từ đó, luận án chỉ ra những nét tương đồng và dị biệt về các lực lượng tham gia cải cách ở hai nước. Từ những nghiên cứu về lực lượng cải cách ở Nhật Bản và Trung Quốc, Việt Nam có thể học tập được những bài học kinh nghiệm gì trong sự nghiệp đổi mới đất nước hôm nay.
3. Khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngõ cần tiếp tục nghiên cứu:
Có nhiều công trình, tác phẩm nghiên cứu về công cuộc Duy tân Minh Trị ở Nhật Bản hay Biến pháp Mậu Tuất ở Trung Quốc hay công cuộc cải cách ở các quốc gia Đông Á thời kỳ cận đại. Tuy nhiên, vấn đề lực lượng tham gia cải cách ở các quốc gia Đông Á như một đối tượng độc lập chưa được quan tâm nghiên cứu một cách toàn diện. Luận án là công trình đầu tiên nghiên cứu về các lực lượng tham gia cải cách ở các quốc gia Đông Á giai đoạn nửa sau thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, trong đó hai trường hợp điển hình là Nhật Bản và Trung Quốc. Cải cách là một xu thế trong sự phát triển của mỗi quốc gia trong những thời điểm lịch sử mà quốc gia đó khủng hoảng. Sự thành bại của công cuộc cải cách phụ thuộc vào thực lực của các lực lượng khởi xướng và lãnh đạo cải cách. Vì thế, việc tìm hiểu đặc điểm, vai trò các lực lượng tham gia cải cách ở các quốc gia Đông Á vẫn có giá trị thời đại và có ý nghĩa thực tiễn. Bên cạnh đó, những kết quả nghiên cứu của luận án và nguồn tài liệu của luận án có thể là tài liệu tham khảo bổ trợ cho công việc học tập và giảng dạy những vấn đề liên quan đến Nhật Bản và Trung Quốc giai đoạn cận đại.
Lực lượng tham gia cải cách ở quốc gia Đông Á mà luận án nghiên cứu chính là hai quốc gia Nhật Bản và Trung Quốc giai đoạn nửa sau thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Do đó, những vấn đề mở rộng không gian và thời gian về đối tượng chính là các lực lượng tham gia cải cách như lực lượng khởi xướng và lãnh đạo cải cách, lực lượng ủng hộ và chống đối cải cách còn bỏ ngõ và cần được tiếp tục nghiên cứu. Có thể là lực lượng tham gia cải cách ở các quốc gia khác như Thái Lan hay Việt Nam giai đoạn cận đại hoặc mở rộng lực lượng tham gia cải cách ở Nhật Bản và Trung Quốc giai đoạn hiện đại cũng cần được tiếp tụC nghiên cứu như một đối tượng độc lập.
Hãy là người bình luận đầu tiên