Tên đề tài: Mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay
Chuyên ngành: Chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử
Mã số: 922.9002
Họ và tên nghiên cứu sinh: Phạm Thị Phương Thoan
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Nguyễn Thế Nghĩa
Cơ sở đào tạo: Trường ĐHKHXH&NV - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
1. Tóm tắt nội dung luận án
Phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường là vấn đề xuyên suốt trong tiến trình phát triển của nhân loại nói chung và của mỗi quốc gia nói riêng. Trong bối cảnh hiện đại, khi các vấn đề môi trường trở nên ngày càng phức tạp, việc cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường trở thành yêu cầu cấp thiết để đảm bảo phát triển bền vững. Chỉ khi có sự tăng trưởng kinh tế hợp lý, đầu tư đúng mức cho bảo vệ môi trường thì các quốc gia mới đạt được sự phát triển bền vững, và cũng chỉ khi có sự phát triển bền vững thì con người mới có được sự lựa chọn con đường phát triển kinh tế hiệu quả nhất nhưng vẫn đảm bảo môi trường an lành cho mình.
Sự phát triển mạnh mẽ của các cuộc Cách mạng công nghiệp trong suốt hơn ba thế kỷ qua đã đưa đến sự thay đổi sâu sắc không chỉ về mặt kinh tế, xã hội mà còn làm biến đổi cả môi trường tự nhiên. Việc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế đã khiến cho nhiều quốc gia phải sử dụng quá mức nguồn tài nguyên thiên nhiên, gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và sức khỏe của con người. Sự thay đổi này một mặt thúc đẩy sự tiến bộ của nhân loại nhưng đồng thời cũng làm cho chúng ta phải đương đầu với các cuộc khủng hoảng về kinh tế và ô nhiễm môi trường. Đây không còn là mối quan tâm của từng quốc gia mà đã và đang trở thành thách thức mang tính toàn cầu, có thể tác động đến sự sống và phát triển của toàn bộ hành tinh chúng ta.
Cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, ở Việt Nam, bắt đầu từ năm 1990 đến nay, việc giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường luôn là nhiệm vụ quan trọng, phát triển bền vững được coi là đường lối nhất quán. Các chiến lược phát triển bền vững và lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 đã được phê chuẩn và triển khai, phản ánh sự cam kết và nỗ lực của chúng ta trong việc thực thi phát triển bền vững trước cộng đồng quốc tế.
Thành phố Hồ Chí Minh, với vai trò là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, Thành phố luôn đóng góp vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Theo đà tăng trưởng kinh tế nhanh, đời sống vật chất và tinh thần của người dân cũng được cải thiện và nâng cao, sự đóng góp của Thành phố cho sự phát triển của khu vực phía Nam và cả nước ngày càng lớn, vị trí trung tâm với động lực thu hút và lan tỏa ngày càng rõ nét hơn. Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở Thành phố Hồ Chí Minh đang bộc lộ nhiều bất cập và tạo ra áp lực lớn đối với môi trường sinh thái, chất lượng môi trường tại nhiều nơi bị suy giảm nghiêm trọng. Điều đáng quan tâm là phần lớn các tác nhân gây ô nhiễm môi trường ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay chủ yếu tập trung ở lĩnh vực kinh tế. Những vấn đề môi trường cấp bách này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người dân mà còn trở thành nguy cơ lớn cản trở mục tiêu phát triển bền vững của Thành phố. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là khá nhiều, nhưng nguyên nhân quan trọng là do quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa ở Thành phố diễn ra nhanh chóng; hiệu quả quản lý nhà nước trong việc kết hợp các mục tiêu tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững còn chưa cao; việc tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững còn chưa phát huy hiệu quả cao như tiềm năng và lợi thế vốn có của Thành phố.
Nghiên cứu lý luận và thực tiễn về phát triển bền vững đã chỉ ra rằng, nếu quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở Thành phố Hồ Chí Minh thiếu sự gắn kết với nhiệm vụ bảo vệ môi trường có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực không chỉ trong lĩnh vực môi trường mà còn ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế và chất lượng cuộc sống của người dân. Phát triển kinh tế bền vững là con đường tất yếu đối với Thành phố trong giai đoạn hiện nay, điều này bao gồm việc đảm bảo sự phát triển liên tục và mạnh mẽ của nền kinh tế gắn với việc lành mạnh hóa xã hội và bảo vệ môi trường tự nhiên.
2. Những kết quả mới của luận án
Trên cơ sở nghiên cứu lý luận chung về phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường; tính tất yếu khách quan của mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, luận án phân tích thực trạng phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay. Từ đó, luận án đã đề xuất phương hướng, giải pháp góp phần thực hiện hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường ở Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới.
3. Khả năng ứng dụng của luận án
Thứ nhất, luận án trình bày, làm rõ những vấn đề lý luận chung về mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường một cách hệ thống và sâu sắc hơn. Đặc biệt là phân tích, đánh giá thực trạng, đề xuất phương hướng và giải pháp để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.
Thứ hai, các kết quả của luận án, nhất là các phương hướng, giải pháp để giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay mà luận án đã đề xuất sẽ góp phần cung cấp thêm những luận chứng cho Đảng bộ, chính quyền và các cơ quan ban ngành của Thành phố trong việc hoạch định các chủ trương, chính sách kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay. Kết quả nghiên cứu của luận án cũng có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo cho việc học tập, nghiên cứu, giảng dạy các vấn đề lý luận và thực tiễn về phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường ở Việt Nam nói chung và ở Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.
Hãy là người bình luận đầu tiên