Tên đề tài luận án tiến sĩ: Nghi lễ gia đình của người Êđê hiện nay ở Buôn Ma Thuột
Chuyên ngành: Văn hóa học
Mã số: 9229040
Họ và tên nghiên cứu sinh: Mai Trọng An Vinh
Tập thể hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Huỳnh Ngọc Thu và TS. Lương Thanh Sơn
Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc Gia Thành phố Hồ Chí Minh.
1. Tóm tắt nội dung luận án
Khi đề cập đến các tộc người thiểu số ở Buôn Ma Thuột, người ta thường nhắc đến người Êđê trước tiên, do bởi đây là tộc người thiểu số có số dân đông nhất ở khu vực này. Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, điều kiện xã hội ở Tây Nguyên nói chung, ở Buôn Ma Thuột nói riêng đã tạo cho người Êđê có một nền văn hóa đa dạng, phong phú mang tính điển hình về đời sống văn hóa con người Tây Nguyên. Việc nghiên cứu nghi lễ gia đình của người Êđê hiện nay ở Buôn Ma Thuột là cần thiết. Đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa, công nghệ,… ở Buôn Ma Thuột không ngừng phát triển trong hàng chục năm qua đã gây ra sự biến đổi trong bản sắc văn hóa của người Êđê ở nơi đây. Sự biến đổi trong nghi lễ gia đình của tộc người này hiện nay ở Buôn Ma Thuột là một điển hình. Việc nghiên cứu thực trạng nghi lễ gia đình của người Êđê hiện nay ở Buôn Ma Thuột và xu hướng biến đổi của nó vừa mang tính lý luận lẫn thực tiễn cao. Vì thông qua đó, không chỉ để hiểu về tín ngưỡng truyền thống của tộc người này, mà còn giúp chúng ta có thêm những hiểu biết về toàn bộ nền văn hóa dân gian của tộc người này trong bối cảnh hiện nay. Đó cũng chính là những vấn đề mà luận án: “Nghi lễ gia đình của người Êđê hiện nay ở Buôn Ma Thuột” đặt ra cho mục tiêu nghiên cứu của mình và đã giải quyết xong.
2. Các kết quả chính của luận án
- Nghi lễ gia đình là những nghi lễ được tổ chức trong phạm vi một gia đình, do gia đình tổ chức dành cho cá nhân hoặc một nhóm người cùng sinh sống trong một gia đình. Mục đích của nghi lễ là để con người cầu xin, gửi gắm những mong muốn, tâm tư nguyện vọng của mình đến các bậc tiền nhân, ông bà tổ tiên, các bậc thánh hiền có công với đất nước…Và các lực lượng siêu nhiên khác, là các bậc mà con người luôn sợ, tôn kính. Nghi lễ gia đình của người Êđê hiện nay ở Buôn Ma Thuột đã biến đổi ở những khía cạnh chính như sau: Không gian thực hành nghi lễ hầu hết đã “bê tông hóa”, nó là sự pha trộn phong cách kiến trúc giữa nền văn hóa Êđê với nền văn hóa của các tộc người khác; Mốc thời gian để tiến hành nghi lễ không nhất định phải theo phong tục như trước kia, mà hoàn toàn phụ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể của từng gia đình. Bên cạnh đó, tổng thời gian diễn ra thực hành nghi lễ cũng được rút ngắn và thời gian diễn ra các lễ thức cũng được rút gọn hơn; Thành phần tham dự nghi lễ hiện nay, không chỉ có người Êđê. Mà còn có các tộc người khác cùng tham gia, trong đó người Kinh là chủ yếu; Còn rất ít người tham gia nghi lễ còn mặc trang phục truyền thống của người Êđê, thay thế vào đó là những trang phục giống với những trang phục mà người Kinh thường sử dụng; Phong cách chế biến thức ăn và lễ vật cúng thần là sự phối hợp giữa phong cách của người Êđê với phong cách chế biến của các tộc người khác, trong đó người Kinh là chủ đạo; Trong nhiều trường hợp, các lễ thức trong nghi lễ cưới của người Êđê được phối hợp với các lễ thức của các tộc người khác không cùng tín ngưỡng; nội dung các bài cúng thần trong nghi lễ của người Êđê ở Buôn Ma Thuột hiện nay đã được cập nhật rất nhiều từ ngữ mang tính thời đại; Những nhạc cụ được sử dụng trong thực hành nghi lễ hiện nay là sự phối hợp của nhạc cụ Êđê với nhiều nhạc cụ của các tộc người khác; Một số lễ thức trong thực hành nghi lễ gia đình mà người Êđê cho rằng khó thực hiện, không thể thực hiện được, không còn phù hợp với bối cảnh hiện nay thì đã được lược bỏ hoặc linh hoạt biến đổi theo hướng giản tiện hơn.
- Với những biến đổi chính nêu trên, hệ quả tất yếu là niềm tin vào các vị thần linh của người Êđê ở Buôn Ma Thuột đang ngày càng giảm mạnh, kéo theo tính thiêng, là một trong những đặc tính căn bản nhất trong nghi lễ gia đình cũng suy giảm dần ở bối cảnh hiện nay; Nghi lễ gia đình trước kia của tộc người này mang tính cộng đồng rất cao. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà mọi thành viên trong buôn làng cũng không còn tham gia thực hành nghi lễ nhiều, đông đủ như trước kia. Điều tất yếu đã diễn ra là tính cộng đồng trong thực hành nghi lễ cũng đang suy giảm ngày càng nhiều hơn.
- Nghi lễ gia đình của người Êđê ở Buôn Ma Thuột mang đậm tính nguyên hợp, thực hành nghi lễ cũng là cơ hội cho người Êđê diễn xướng các loại hình văn hóa dân gian. Nó là sự kết hợp của rất nhiều thành tố văn hóa mang đậm đặc trưng tộc người, cụ thể là: đặc trưng về không gian thực hành; đặc trưng về chủ lễ, thầy cúng, lời cúng thần; đặc trưng về lễ vật, thức ăn, trang phục và trang sức; đặc trưng về biểu tượng và đặc trưng về diễn xướng. Chúng hòa quyện với nhau thành một chỉnh thể thống nhất, trong đó không chỉ có yếu tố tín ngưỡng mà còn có cả những triết lý mang đậm nhân sinh quan, thế giới quan của người Êđê. Với quan niệm vạn vật đều hữu linh nên hệ thống nghi lễ gia đình đã hội tụ gần như đầy đủ những gì tinh túy nhất của nền văn hóa dân gian Êđê ở giai đoạn còn chưa có sự tách biệt rõ ràng giữa các yếu tố cấu thành nên nó. Nhưng hiện nay, tính nguyên hợp trong nó cũng đang suy giảm ngày càng mạnh mẽ, tất cả các đặc trưng văn hóa trong nghi lễ gia đình đang biến đổi theo ba chiều hướng chính như sau: Tín ngưỡng đa thần của nghi lễ gia đình đang ngày càng phai nhạt dần trong tâm thức người Êđê hiện nay ở Buôn Ma Thuột; Giao thoa tín ngưỡng giữa người Êđê với tín ngưỡng của các tộc người khác trong thực hành nghi lễ, trong đó tín ngưỡng của người Kinh là chủ yếu và chiều hướng phục hồi nghi lễ gia đình nhưng có chọn lọc và sấn khấu hóa nghi lễ.
3. Những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
Kết quả nghiên cứu của luận án có thể được sử dụng làm tiền đề để tiếp tục nghiên cứu về những vấn đề còn bỏ ngỏ sau đây: Nghi lễ cộng đồng của người Êđê hiện nay ở Buôn Ma Thuột; Sự tan rã của đại gia đình mẫu hệ Êđê ở Buôn Ma Thuột dưới góc nhìn văn hóa học và Văn hóa dân gian của người Êđê hiện nay ở Buôn Ma Thuột.
Hãy là người bình luận đầu tiên