Tên đề tài LATS: Nghiên cứu giảm nghèo đa chiều ở tỉnh Quảng Ngãi
Chuyên ngành: Kinh tế học
Mã số: 62.310101
Họ tên NCS: Huỳnh Đinh Phát
Mã số NCS: 101011431
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Đinh Phi Hổ
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM
1. Tóm tắt luận án
Quảng Ngãi là một tỉnh Duyên hải Trung bộ. Diện tích tỉnh Quảng Ngãi là 5.131,5km2 - bằng 1,7% diện tích tự nhiên cả nước, bao gồm 13 đơn vị hành chính, trong đó có 1 thành phố, 6 huyện đồng bằng (Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Đức Phổ), 5 huyện miền núi (Sơn Hà, Trà Bồng, Ba Tơ, Sơn Tây, Minh Long – năm 2020 đã nhập huyện Trà Bồng và huyện Tây Trà thành 01 huyện) và 1 huyện đảo (Lý Sơn). Ở các vùng miền khác nhau, điều kiện phát triển kinh tế xã hội có sự khác biệt đáng kể.
Mục tiêu của nghiên cứu là đưa ra các khuyến nghị hàm ý chính sách, đề xuất giải pháp giảm nghèo đa chiều ở tỉnh Quảng Ngãi. Phương pháp nghiên cứu được sử dụng là kết hợp giữa định tính và định lượng. Nguồn dữ liệu được thu thập từ các báo cáo của chính quyền địa phương và khảo sát hộ gia đình. Trên cơ sở dữ liệu thu thập được, luận án phân tích thực trạng giảm nghèo đa chiều giai đoạn 2016 – 2020 và đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến nghèo đa chiều; từ đó khuyến nghị hàm ý chính sách và giải pháp giảm nghèo đa chiều ở tỉnh Quảng Ngãi.
Theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng giai đoạn 2016 – 2020, chất lượng cuộc sống của người dân nghèo ở tỉnh Quảng Ngãi đang rất thấp, phải đối mặt với thiếu hụt trầm trọng về những nhu cầu xã hội cơ bản. Nghèo về thu nhập là chủ yếu trong cơ cấu nghèo của tỉnh Quảng Ngãi (phổ biến chung là trên 90% tổng số hộ nghèo). Đến năm 2020 số hộ nghèo thiếu hụt về chỉ tiêu Hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh là lớn nhất, chiếm tỷ lệ 59,59% trong tổng số hộ nghèo; 40,64% hộ nghèo đang không được tiếp cận các dịch vụ viễn thông như điện thoại, internet…; 40,59% hộ nghèo sử dụng nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh, 35,09% hộ nghèo có diện tích nhà ở bình quân đầu người dưới 8m¬2 và 33,53% hộ nghèo phải sống trong những căn nhà tạm bợ, thiếu kiên cố…. Chỉ tiêu có tỷ lệ thiếu hụt ít nhất là tình trạng đi học của trẻ em và tiếp cận dịch vụ y tế, tuy nhiên số lượng hộ gia đình có người không được sở hữu bảo hiểm y tế cũng còn cao, tiềm ẩn nguy có tái nghèo nếu hộ bị rủi ro về bệnh tật. Diễn biến nghèo đa chiều thể hiện khu vực thành thị tuy có tỷ lệ thoát nghèo cao nhưng tỷ lệ tái nghèo cũng cao hơn so với khu vực nông thôn; khu vực nông thôn có tỷ lệ hộ nghèo phát sinh cao hơn so với khu vực thành thị. Những cú sốc trong năm 2020 (dịch bệnh Covid – 19, thiên tai…) cũng ảnh hưởng đáng kể, làm gia tăng số hộ nghèo trong năm.
Công tác giảm nghèo dù có nhiều nỗ lực và mang lại những thành quả nhất định, tuy nhiên không mang tính bền vững, tỷ lệ tái nghèo cao. Trên cơ sở nhận diện 5 hạn chế trong công tác giảm nghèo ở tỉnh Quảng Ngãi, luận án đề xuất 5 nhóm giải pháp giảm nghèo đa chiều. Các giải pháp được đề xuất trên quan điểm phát huy những thành quả đã đạt được (đối với chỉ số về giáo dục, y tế), khắc phục sự chồng chéo trong các chương trình mục tiêu, và thiết kế chính sách phù hợp.
Dựa vào kết quả tham vấn chuyên gia, luận án điều chỉnh thang đo nghèo đa chiều phù hợp với tình hình kinh tế xã hội tỉnh Quảng Ngãi. Thang đo sử dụng để đo lường nghèo đa chiều trong luận án gồm có 11 chỉ tiêu, cơ cấu vào 3 chiều: Giáo dục, Y tế, Điều kiện cuộc sống. Nghiên cứu định lượng tập trung vào (i) Xác định các yếu tố ảnh hưởng đến nghèo đa chiều; (ii) Xây dựng mô hình hồi quy Binary Logistic về mối quan hệ này; (iii) Hàm ý chính sách từ kết quả nghiên cứu.
Luận án đã tiến hành khảo sát 540 quan sát tại 2 khu vực: Đồng bằng và miền núi của tỉnh Quảng Ngãi. Phân bổ 330 quan sát tại khu vực đồng bằng (TP. Quảng Ngãi, Lý Sơn, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Đức Phổ) và 210 quan sát tại khu vực miền núi (Trà Bồng, Sơn Hà, Sơn Tây, Minh Long, Ba Tơ, Tây Trà). Tất cả những người trả lời được xác định là chủ hộ, với 270 hộ nghèo và 270 hộ khác nghèo trên cùng một địa bàn khảo sát. Sau khi thực hiện xử lý dữ liệu, đã có 500 quan sát đảm bảo phù hợp và sử dụng để phân tích dữ liệu. Toàn bộ việc xử lý số liệu được tiến hành dựa trên phần mềm SPSS 20.0. Dữ liệu được thu thập thông qua phỏng vấn trực tiếp bằng bảng câu hỏi chi tiết để kiểm định mô hình và các giả thuyết nghiên cứu.
Nghiên cứu đã xác định 3 nhóm yếu tố ảnh hưởng đến khả năng nghèo đa chiều, bao gồm: Vùng địa lý, điều kiện kinh tế - xã hội, đặc điểm của hộ và chủ hộ; mức độ tác động từng yếu tố từ mạnh đến yếu:
(i) Tỷ lệ người phụ thuộc trong hộ gia đình;
(ii) Khoảng cách từ hộ gia đình đến trung tâm xã;
(iii) Trình độ chuyên môn của chủ hộ;
(iv) Tiếp cận thông tin;
(v) Thành phần dân tộc;
(vi) Tiếp cận vốn vay từ định chế chính thức;
(vii) Tình trạng việc làm;
(viii) Diện tích đất sản xuất.
Kết quả này hàm ý để giảm nghèo đa chiều cần quan tâm đến (1) Giảm quy mô và tỷ lệ phụ thuộc trong hộ; (2) “Rút ngắn” khoảng cách từ hộ nghèo đến các thiết chế hạ tầng dịch vụ xã hội cơ bản; (3) Nâng cao trình độ chuyên môn của chủ hộ và thành viên trong hộ; (4) Tăng cường hiệu quả thông tin; (5) Nâng cao năng lực cho đồng bào dân tộc thiểu số; (6) Tăng cường cơ hội tiếp cận vốn vay và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay từ định chế chính thức; (7) Nâng cao cơ hội việc làm; (8) Hỗ trợ phát triển đất sản xuất.
2. Những kết quả mới của luận án
Thang đo nghèo đa chiều trong luận án vừa phù hợp với xu hướng chung, vừa phù hợp với đặc điểm kinh tế xã hội riêng của tỉnh Quảng Ngãi. Thang đo nghèo đa chiều sử dụng trong luận án có một số chỉ số bị bỏ qua trong thang đo nghèo đa chiều của chính phủ giai đoạn 2016 – 2020 và giai đoạn 2021 – 2025 như tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong trẻ em, sở hữu tài sản (chỉ đề cập đến tài sản phục vụ tiếp cận thông tin), nhiên liệu đun nấu.
Đề tài đã đưa vào kiểm chứng và khẳng định ảnh hưởng của yếu tố “Tiếp cận thông tin” (bao gồm mức độ tiếp cận thông tin và sự hữu ích của thông tin) đến tình trạng nghèo đa chiều của hộ. Ngoài ra, khác với những nghiên cứu thực nghiệm trước đây, yếu tố về khu vực sinh sống, quy mô hộ, độ tuổi và giới tính của chủ hộ tương quan không có ý nghĩa thống kê với tình trạng nghèo đa chiều của hộ gia đình ở tỉnh Quảng Ngãi.
Những khuyến nghị chính sách và giải pháp mà luận án đề xuất dựa trên cơ sở đánh giá thực trạng bằng nguồn số liệu thứ cấp từ năm 2016 đến năm 2020, kết hợp với kết quả định lượng mức độ ảnh hưởng của các yếu tố khác nhau đến nghèo đa chiều từ số liệu sơ cấp khảo sát năm 2020, nên có ý nghĩa thực tiễn và khả thi với đặc thù nghèo của tỉnh Quảng Ngãi.
3. Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hay những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
Kết quả nghiên cứu của luận án là một kênh tham khảo cho các cơ quan quản lý nhà nước thiết kế và thực thi chính sách giảm nghèo đa chiều hiệu quả trong giai đoạn mới.
Nghiên cứu có một số hạn chế nhất định. Các đối tượng khảo sát chỉ lấy từ một tỉnh – Quảng Ngãi, điều này hạn chế tính khái quát của nghiên cứu. Nghiên cứu trong tương lai nên khảo sát nhiều tỉnh/thành phố khác ở Việt Nam và so sánh để nâng cao tính khái quát của các phát hiện. Hơn nữa, nghiên cứu này chỉ xem xét 12 yếu tố tác động đến nghèo, còn có những yếu tố khác nữa tác động mà nghiên cứu này chưa đề cập đến. Luận án vẫn thực hiện đo lường nghèo đa chiều theo cách tiếp cận truyền thống bằng cách sử dụng hộ gia đình chứ không phải là cá nhân như một đơn vị phân tích.
Trên cơ sở những hạn chế của luận án, nghiên cứu trong tương lai nên khảo sát nhiều tỉnh/thành phố khác ở Việt Nam và so sánh để nâng cao tính khái quát của các phát hiện. Tập hợp dữ liệu qua nhiều năm quan sát để phân tích theo hướng mô hình hồi quy dữ liệu bảng để phản ánh chính xác hơn các yếu tố tác động đến nghèo đa chiều, trên cơ sở đó thúc đẩy quá trình phát triển chính sách hiệu quả hơn. Đồng thời, mở rộng đối tượng thu thập thông tin đến cấp độ thành viên trong hộ.
Hãy là người bình luận đầu tiên