Tên đề tài: Nghiên cứu tác động của các loại hình sinh kế đến môi trường cho mục tiêu bảo tồn khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ
Chuyên ngành: Quản lý tài nguyên và môi trường
Mã số: 9850101
Họ và tên nghiên cứu sinh: Lâm Vĩnh Sơn
Người hướng dẫn khao học: PGS.TS. Võ Lê Phú; GVC.TS. Lê Thanh Hòa
Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành Phố Hồ Chí Minh.
+ Tóm tắt nội dung luận án:
Sinh kế là sự tập hợp các nguồn lực và khả năng con người có được kết hợp với những quyết định và hoạt động mà họ thực thi nhằm để kiếm sống cũng như để đạt được các mục tiêu và ước nguyện của họ. Rừng ngập mặn (RNM) đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các chức năng môi trường và dịch vụ sinh thái tại khu vực ven biển. Do đó, tài nguyên RNM chính là nguồn lợi kinh tế phong phú và đa dạng cho sự hình thành và phát triển các loại hình sinh kế của người dân địa phương trong khu vực. Tuy nhiên hoạt động sinh kế sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường là thay đổi thành phần cũng như sự đa dạng cho RNM. Do vậy, nghiên cứu tác động của các loại hình sinh kế đến môi trường cho mục tiêu bảo tồn khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ sẽ góp phần giúp cơ quan quản lý nhà nước lựa chọn loại hình sinh kế phù hợp, hướng đến sự phát triển bền vững cho Huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh. Từ nhiều nguồn tài liệu trong và ngoài nước, tác giả đã tổng hợp, phân tích và nhận định những điều chưa thực hiện của các nội dung nghiên cứu trong và ngoài nước về việc phát triển sinh kế cộng đồng. Từ đó, làm cơ sở thực tiễn đề xuất các mục tiêu, nội dung và các phương pháp sử dụng của các đề tài nghiên cứu nhằm mục đích định hướng các phương pháp nghiên cứu cho đề tài với 10 phương pháp chủ đạo nhằm hoàn thành 6 nội dung liên quan phục vụ cho 4 mục tiêu cụ thể. Luận án đã nghiên cứu và kết hợp nhiều phương pháp (phương pháp trọng số đơn giản, phương pháp đánh giá rủi ro) để xác định được sự tác động của các loại hình sinh kế đến môi trường ở RNM Cần Giờ, đặc biệt sử dụng thuật toán mờ Fuzzy (FCE) và công cụ IDW (thống kê nội suy địa lý) để nhận diện chất lượng và đánh giá mức độ ô nhiễm nước ven biển Cần Giờ (đây là thành phần môi trường dễ bị tổn thương và dễ nhận thấy nhất) nhằm hiểu rõ hơn sự tác động tổng hợp từ các loại hình sinh kế tại đây. Luận án cũng chỉ ra loại hình phù hợp cho sự phát triển Cần Giờ theo hướng phát triển bền vững của DFID dựa vào phân tích 5 yếu tố nguồn lực. Đồng thời luận án đã phân tích tích điểm yếu, mạnh, thách thức và cơ hội cho 2 loại hình sinh kế lựa chọn (nuôi cá lồng bè và nuôi tôm) bằng phương pháp QSWOT. Luận án đã chỉ ra loại hình phù hợp cho phát triển tại Cần Giờ là loại hình nuôi tôm theo mô hình công nghệ cao. Đây là mô hình có tiềm năng kinh kế rất lớn, đồng thời mức độ rủi ro đến chất lượng môi trường có thể kiểm soát được.
+ Những kết quả của luận án
1. Các loại sinh kế truyền thống vẫn giữ vị trí quan trọng trong cải thiện đời sống của người dân như: khai thác thủy hải sản, nuôi thủy sản, làm muối, trồng trọt và chăn nuôi, phi nông nghiệp và khác, …. Trong quá trình sản xuất, các hoạt động này đều phải thực hiện đúng theo các quy định của Luật Lâm nghiệp và các Luật khác liên quan, đảm bảo không làm thay đổi hiện trạng rừng hiện hữu, không gây tác động tiêu cực đến hệ sinh thái Rừng ngập mặn Cần Giờ.
2. Hình thức sinh kế được hộ dân lựa chọn để phát triển kinh tế nhiều nhất là nuôi trồng thủy sản chiếm 45,6%. Qua kết quả phân tích cho thấy sự ảnh hưởng trực tiếp từ hoạt động sinh kế nuôi tôm và khai thác thuỷ sản ở mức độ ô nhiễm nhẹ nhất (gần mức 4). Mặc dù đây là loại hình sinh kế có tỷ lệ hoạt động là lớn nhất gần đây.
3. Mức độ rủi ro do các các vốn nguồn lực tác động đến sinh kế nuôi tôm và nuôi cá lồng bé tương ứng là 2,33/5 và 2,21/5; và đây là mức rủi ro cao nhất trong các loại sinh kế nhưng vẫn ở mức trung bình chung.
4. Hiện trạng phân bố không gian các vùng ô nhiễm các khu tại Cần Giờ với 3 cấp độ (ô nhiễm rất thấp - thấp và trung bình), không gian phân bố nằm bên trong các khu vực sản xuất nông nghiệp và nuôi thủy sản, nơi mà dòng chảy trao đổi nước chậm hơn khu vực ven sông và ven biển. Bên cạnh đó không gian phân bố những vùng có giá trị trọng số của bậc FCE (nội suy thuật toán mờ) trung bình (0,45-0,61) tập trung sâu bên trong vùng nội địa nơi có sự trao đổi nước và vận tốc dòng chảy chậm. Có thể kết luận rằng chất lượng nước của Cần Giờ nhìn chung là ổn định, trong khi chất lượng nước xung quanh khu vực nuôi trồng thủy sản kém hơn. Chủ yếu ô nhiễm hữu cơ và dinh dưỡng khó phân hủy là nguyên nhân chính.
5. Loại hình sinh kế nuôi tôm và nuôi cá lồng bè là đạt độ hiệu quả về vốn vật chất và vốn tài chính với mức độ đạt 02/05 vốn. Đây là hai loại hình sinh kế tiềm năng về kinh kế và ít có tác động đến môi trường nước. Tuy nhiên, sinh kế nuôi tôm vượt trội hơn so với sinh kế nuôi cá lồng bè.
6. Loại hình sinh kế nuôi tôm theo mô hình nuôi tôm chất lượng cao và tập trung ở khu vực chuyển tiếp tại xã Lý Nhơn và một số vùng lân cận là loại hình sinh kế phù hợp cho mục tiêu phát triển bền vững tại khu DTSQ RNM Cần Giờ. Điều này cũng phù hợp với Phụ lục 3 của Quyết định 1589/QĐ-UBND của UBND TpHCM về việc ban hành chương trình phát triển nông nghiệp giai đoạn 2019 - 2025 theo hướng cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp ký ngày 27/4/2019.
+ Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu:
Cơ quan Nhà nước có thể sử dụng kết quả nghiên cứu để tham khảo cho việc ra quyết định về việc cần triển khai áp dụng phát triển các hoạt động sinh kế nào ở Cần Giờ mà ít gây tác động đến môi trường nhất.
Hiện nay Luận án cũng chủ yếu nghiên cứu đánh giá tác động của các loại hình sinh kế đến môi trường nước tại Cần Giờ. Do vậy các nghiên cứu sau có thể tiếp tục với việc đánh giá tác động tổng thể đến các thành phần môi trường khác như: môi trường đất, không khí, sinh vật…
Hãy là người bình luận đầu tiên