Tên đề tài: Nguyên lý quản lý doanh nghiệp theo Định hướng trọng dịch vụ. Một nghiên cứu theo các tiếp cận S-D Logic.
Chuyên ngành: Quản trị Kinh doanh
Mã chuyên ngành: 62520301
Nghiên cứu sinh: Nguyễn Văn Tuấn
Cán bộ hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Lê Nguyễn Hậu
Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh - Đại học Quốc Gia Thành phố Hồ Chí Minh.
1. Mục tiêu tổng quát của luận án:
Nghiên cứu này có hai mục tiêu chính. Mục tiêu thứ nhất là khái niệm hóa (conceptualizing) và đo lường (measuring) Định hướng trọng dịch vụ (SDO). Đây là nguyên lý quản lý doanh nghiệp vốn được chuyển hóa từ lý thuyết trọng dịch vụ SDL (hay còn gọi là nguyên lý quản lý doanh nghiệp theo SDO). Mục tiêu thứ hai là xây dựng và kiểm định định lượng một mô hình lý thuyết giải thích mối quan hệ giữa Định hướng trọng dịch vụ (SDO) với các tiền tố (văn hóa đổi mới của DN, năng lực của lãnh đạo DN và cam kết lãnh đạo DN đối với SDO) và các hậu tố (thành quả kinh doanh và thành quả đổi mới).
2. Các đóng góp chính của luận án:
Thứ nhất, làm rõ nội hàm, nhận dạng và đo lường các nguyên lý thành phần cụ thể cần thực hiện khi triển khai quản lý DN theo nguyên lý SDO. Đây là một đóng góp về mặt thang đo cho khái niệm Định hướng trọng dịch vụ SDO. Bộ thang đo này giúp đánh giá mức độ quản lý theo SDO ở các DN. Do đó, bộ thang đo SDO từ kết quả của nghiên cứu này sẽ cung cấp thêm một tham khảo có giá trị cho các nghiên cứu tiếp theo.
Thứ hai, chỉ ra được việc triển khai SDO ở các doanh nghiệp sẽ chịu tác động bởi các yếu tố như văn hóa đổi mới doanh nghiệp, năng lực lãnh đạo và cam kết lãnh đạo đối với SDO. Qua đó giúp giải thích về các yếu tố thúc đẩy triển khai thực tiễn quản trị theo SDO ở DN.
Thứ ba, giải thích được tác động của nguyên lý quản lý theo SDO đến các thành quả chiến lược của DN. Qua đó góp phần làm rõ đóng góp của SDO đến sự thành công của DN.
Thứ tư, giải thích được nguyên lý quản lý theo SDO sẽ phù hợp hơn khi được triển khai áp dụng đối với DN sản xuất hay DN dịch vụ. Qua đó, làm rõ tính phổ quát của lý thuyết trọng dịch vụ SDL với cả DN sản xuất và DN dịch vụ. Nói cách khác, làm rõ luận điểm quan trọng của lý thuyết trọng dịch vụ SDL về “tất cả các dạng kinh doanh đều là kinh doanh dịch vụ”.
Thứ năm, làm rõ khả năng áp dụng lý thuyết trọng dịch vụ SDL vào việc quản trị DN ở các nền kinh tế chuyển đổi như Việt Nam.
3. Ý nghĩa thực tiễn của luận án:
Kết quả nghiên cứu giúp các nhà quản lý nhận thức rõ hơn nguyên lý quản lý theo SDO, hiểu được tác động của thực hành quản trị theo SDO đến các thành quả chiến lược của DN. Đây là cơ sở để các nhà quản lý xem xét khi muốn nâng cao kết quả hoạt động kinh doanh và hoạt động đổi mới của DN như là hai loại thành quả chiến lược quan trọng của DN.
Kết quả nghiên cứu giúp nhà quản lý hiểu rõ mối quan hệ của các yếu tố đặc trưng của DN với nguyên lý quản lý theo SDO. Điều này làm cơ sở cho nhà quản lý thúc đẩy mạnh mẽ việc triển khai nguyên lý quản lý theo định hướng trọng dịch vụ tại DN.
Kết quả nghiên cứu giúp nhà quản lý nhận diện đầy đủ các nguyên lý thành phần của nguyên lý quản lý theo SDO. Đây là cơ sở cho thực hành quản trị DN theo nguyên lý SDO của nhà quản lý tại DN.
Kết quả nghiên cứu cũng cung cấp cho nhà quản lý một công cụ đo lường (bộ thang đo) hữu ích để họ tự đánh giá và đề ra kế hoạch hành động thích hợp giúp gia tăng mức độ Định hướng trọng dịch vụ ở DN, nhằm mang lại kết quả kinh doanh mong muốn.
Hãy là người bình luận đầu tiên