Tên đề tài: Nội dung cơ bản của một số bản gia huấn trong lịch sử Việt Nam và bài học lịch sử của nó đối với việc giáo dục đạo đức cho học sinh Việt Nam hiện nay
Chuyên ngành: Triết học
Mã số: 9229001
Họ và tên nghiên cứu sinh: Trần Phan Ngọc Bích
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Trần Nguyên Việt
Tên cơ sở đào tạo: Khoa Triết học, Trường Đại học KHXH & NV, ĐH QG HCM
+ Tóm tắt nội dung luận án (abstract)
Gia huấn là một trong những hình thức giáo huấn được thực hiện trong các gia đình, gia tộc, đồng thời là một bộ phận cấu thành tư tưởng Việt Nam trong lịch sử. Hai tác phẩm gia huấn được chúng tôi chọn làm đề tài nghiên cứu cho luận án tiến sĩ là “Bùi gia huấn hài” của nhà tư tưởng Việt Nam thế kỷ XVIII và “Gia huấn diễn ca” không rõ tác giả (khuyết danh) ra đời ở Nam Bộ đầu thế kỷ XX. Ra đời vào hai thời điểm cách nhau gần 2 thế kỷ, song nội dung của hai bản gia huấn này về cơ bản đều lấy những qui phạm đạo đức Nho giáo làm cơ sở để giáo dục con trẻ trong gia đình từ khi mới lọt lòng cho đến tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, do ra đời ở hai thời điểm khác nhau, phạm vi ảnh hưởng về mặt địa lý và đối tượng giáo huấn cũng khác nhau, cho nên việc lựa chọn hai bản gia huấn này là cần thiết và phù hợp với nghiên cứu so sánh của đề tài. Nếu “Bùi gia huấn hài” là cuốn sách được biên soạn để dạy các “tiểu tử” nhà họ Bùi với những nội dung phức tạp, thì “Gia huấn diễn ca” là tài liệu giáo huấn cho các đối tượng là con cái trong gia đình, cả nam lẫn nữ để giúp con trẻ hình thành nên những nhân cách đạo đức có ích cho gia đình cũng như cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, nếu chúng ta gạt bỏ, hạn chế những bất cập trong đạo đức Nho giáo, đồng thời tiếp thu những giá trị được trình bày trong các bản gia huấn, coi đó là bài học lịch sử đối với việc giáo dục đạo đức cho học sinh nước ta hiện nay, thì đó là việc làm hết sức có ý nghĩa, đặc biệt đối với sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục mà Đảng ta đề ra.
+ Những kết quả của luận án
1. Luận án đã phân tích, làm rõ khái niệm gia huấn và giới thiệu hai bản gia huấn là đối tượng nghiên cứu của luận án gồm “Bùi gia huấn hài” của Bùi Dương Lịch () và “Gia huấn diễn ca” (Khuyết danh).
2. Luận án phân tích bối cảnh lịch sử và những điều kiện, tiền đề cho sự ra đời của “Bùi gia huấn hài” và “Gia huấn diễn ca”, trên cơ sở đó, tác giả luận án khẳng định cơ sở lý luận, mục đích và nội dung của hai bản gia huấn này chủ yếu xuất phát từ tư tưởng chính trị - đạo đức Nho giáo và một số yếu tố đạo đức từ sự tiếp biến của tam giáo (Nho, Phật, Đạo) trong lịch sử tư tưởng Việt Nam.
3. Luận án trình bày những nội dung của tư tưởng gia huấn trong “Bùi gia huấn hài” và “Gia huấn diễn ca”, đó là thế giới quan, nhân sinh quan, giáo dục thực học, v.v. với tư cách những hành trang cần thiết cho con người để hình thành nhân cách đạo đức, năng lực tư duy, đồng thời chỉ ra những đặc điểm của tư tưởng giáo huấn đó cũng như sự tương đồng và khác biệt giữa “Bùi gia huấn hài” và “Gia huấn diễn ca” cả về nội dung lẫn hình thức thể hiện.
4. Luận án đã phân tích, làm rõ một số giá trị, hạn chế và ý nghĩa lịch sử của “Bùi gia huấn hài” và “Gia huấn diễn ca” đối với việc giáo dục đạo đức cho học sinh nước ta hiện nay. Cụ thể, luận án đã phân tích thực trạng giáo dục đạo đức cho học sinh nước ta thời gian qua và những nguyên nhân chủ yếu của thực trạng đó, đồng thời rút ra 6 bài học lịch sử và một số kiến nghị nhằm phát huy những giá trị và khắc phục những mặt hạn chế yếu kém trong giáo dục đạo đức cho học sinh trên cơ sở tham khảo một số nội dung, phương pháp giáo dục đạo đức được trình bày trong hai bản gia huấn nói trên.
+ Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu: Những kết quả nghiên cứu có thể làm tài liệu tham khảo trong thực tiễn giáo dục đạo đức cho học sinh nước ta hiện nay thông qua việc biên soạn các tài liệu giáo dục như giáo trình, sách tham khảo, v.v. Giáo dục đạo đức cho học sinh là việc làm cần thiết và thường xuyên do nhu cầu phát triển con người trong thời đại mới. Chính vì vậy, những kết quả nghiên cứu của luận án chỉ là bước đầu để cập đến nguồn tài liệu lịch sử tư tưởng mà từ trước tới nay ít được quan tâm. Do đó, vấn đề phát huy, kế thừa các giá trị tinh thần truyền thống trong giáo dục đạo đức ở nước ta có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong thời đại ngày nay.
Hãy là người bình luận đầu tiên