Đề tài: Phân tích, đối chiếu diễn ngôn pháp luật doanh nghiệp Việt Nam và Singapore
Chuyên ngành: Ngôn ngữ học so sánh đối chiếu
Mã số: 9220241
Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Thị Nhật Linh
Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Nguyễn Văn Chính, TS. Đinh Lư Giang
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
1. Tóm tắt nội dung luận án
Luận án đã phân tích, so sánh đối chiếu giữa diễn ngôn luật Doanh nghiệp Việt Nam và đạo luật Doanh nghiệp Singapore trên ba bình diện của SFG, bao gồm trường, quan hệ, phương thức. Tính khách quan của hai văn bản được chọn khảo sát trên bình diện nghĩa tư tưởng được thể hiện qua sự xuất hiện khiêm tốn của quá trình phát ngôn và quá trình tinh thần. Mặc dù tần suất và tỉ lệ xuất hiện của từng loại chu cảnh trong hai văn bản là không giống nhau nhưng chu cảnh có vai trò cực kì quan trọng trong việc cụ thể hóa các quy phạm pháp luật. Kết quả nghiên cứu cũng khá tương đồng với các nghiên cứu trước về đặc trưng thể loại văn bản học thuật với sự xuất hiện dày đặc của các biện pháp danh hóa để cô đặc thông tin và diễn đạt các khái niệm trừu tượng. Tuy nhiên, do sự khác biệt về loại hình ngôn ngữ nên Đạo luật Doanh nghiệp Singapore (LDNS) có sự thống trị của danh hóa từ vựng còn Luật Doanh nghiệp Việt Nam (LDNV) có sự thống trị của danh hóa mệnh đề.
Phân tích nghĩa liên nhân trong diễn ngôn luật cho thấy, tính quyền lực và tính tương tác một chiều giữa cơ quan ban hành luật và đối tượng phải thực thi văn bản quy phạm pháp luật. Đặc trưng này thể hiện ở vai trò lời nói trong hai văn bản pháp luật được hiện thực hóa qua hình thức không tương thích. Hay nói cách khác, các cú đóng vai trò lời nói là yêu cầu, mệnh lệnh nhưng lại được hiện thực hóa qua thức tuyên bố. Tuy nhiên, do các nhà lập pháp Singapore chú trọng vào trách nhiệm của cá nhân hơn là trách nhiệm của cơ quan, tập thể, nên chủ ngữ trong LDNS có tính tương tác nhiều hơn. Ngoài ra, do đặc trưng thể loại diễn ngôn văn bản quy phạm pháp luật là tính mệnh lệnh, nên tình thái trong cả hai văn bản là tình thái nghĩa vụ. Các tình thái khác như xác suất, thường lệ hay thiên hướng xuất hiện với tần xuất khá thấp. Trong LDNS, trợ từ tình thái shall có vai trò quan trọng trong hiện thực hóa tình thái. Tùy từng vai trò của trợ từ tình thái shall mà ngữ nghĩa của trợ từ này cũng khác nhau. Vì vậy, hiểu được ngữ cảnh và vai trò của shall trong hiện thực hóa thức sẽ có những đề xuất khác nhau cho việc dịch thuật trợ từ này sang tiếng Việt.
Phần cuối cùng của luận án phân tích, đối chiếu nghĩa văn bản trong hai diễn ngôn. Trong việc lựa chọn xuất phát điểm của thông tin là đề, đề đơn là ưu tiên của hai nhà lập pháp Việt Nam và Singapore. Khi đề cập đến phương thức phát triển đề, LDNV và LDNS đều giống nhau ở phương thức phát triển đề siêu đề, thể hiện qua tiêu đề của các điều luật đóng vai trò như những siêu đề. Tuy nhiên, đề cố định là lựa chọn cho các nhà lập pháp Việt Nam và siêu đề vẫn là lựa chọn của các nhà lập pháp Singapore. Về tiềm năng cấu trúc thể loại, hai văn bản quy phạm pháp luật được chọn nghiên cứu giống nhau ở chỗ đều được cấu thành từ những bộ phận bắt buộc như phần, chương, mục, điều. Cuối cùng, về phương tiện liên kết, nhà làm luật của hai quốc gia thường sử dụng phép quy chiếu, phép lược và phép lặp từ vựng để tạo ra tính liên kết và mạch lạc cho toàn bộ văn bản. Tuy nhiên, Quốc Hội Việt Nam có xu hướng chọn phép lặp từ vựng còn Nghị Viện Singapore có xu hướng ưu tiên dùng các phép lặp đại từ.
2. Những kết quả mới của luận án
Thứ nhất, luận án so sánh, đối chiếu hai diễn ngôn luật tiếng Việt và tiếng Anh thông qua hai nguồn ngữ liệu là Luật Doanh nghiệp Việt Nam và Đạo luật Doanh nghiệp Singapore đã làm rõ những sự tương đồng và khác biệt về đặc trưng thể loại diễn ngôn quy phạm pháp luật.
Thứ hai, lý thuyết Ngữ pháp chức năng hệ thống đã được áp dụng trong phân tích đặc trưng ngôn ngữ trong văn bản pháp luật tiếng Việt, đối chiếu với văn bản pháp luật tiếng Anh, tìm ra điểm tương đồng và khác biệt cũng như lý giải sự tương đồng và khác biệt dựa trên những yếu tố về văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội và thể chế chính trị của từng quốc gia.
3. Khả năng ứng dụng của luận án
Một là, những kết quả của luận án có thể được ứng dụng trong việc giảng dạy tiếng Anh pháp lý, chuyển dịch văn bản pháp luật từ tiếng Anh sang tiếng Việt và ngược lại.
Hai là, nghiên cứu đặc trưng ngôn ngữ văn bản luật có thể ứng dụng trong việc hoàn thiện về khía cạnh ngôn ngữ trong quá trình lập pháp, hỗ trợ các cơ quan tư pháp trong việc ban hành những văn bản pháp lý hoàn thiện hơn về ngôn ngữ.
Hãy là người bình luận đầu tiên