Tên đề tài LATS: Pháp luật về cá nhân kinh doanh
Chuyên ngành: Luật Kinh tế
số: 62.38.01.07
Nghiên cứu sinh: Trần Thị Lệ Thu
Mã số NCS: N17710011
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Dương Anh Sơn, TS. Nguyễn Thanh Bình
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
1. Tóm tắt luận án
1.1. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án
Mục đích nghiên cứu của luận án là chứng minh sự cần thiết phải thống nhất và xây dựng chế định pháp luật riêng về cá nhân kinh doanh. Để đạt được mục đích nghiên cứu này, luận án hướng tới các nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể như sau:
Một là, làm rõ bản chất pháp lý của cá nhân kinh doanh trong mối tương quan với các hình thức kinh doanh là hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân ở từng thời kỳ lịch sử và đưa ra so sánh với quy định của một số nước như Pháp, Mỹ và Trung Quốc.
Hai là, phân tích đồng thời đánh giá các quy định của pháp luật Việt Nam về đăng ký hoạt động cũng như cơ chế đại diện của từng chủ thể nhằm khẳng định hộ kinh doanh và doanh nghiệp tư nhân thực chất chính là cá nhân kinh doanh theo quy định của nhiều nước. Chính vì vậy, cần xây dựng khung pháp lý chung điều chỉnh cho sự tồn tại và phát triển của mô hình cá nhân kinh doanh.
Ba là, đánh giá các quy định về nghĩa vụ thuế đang áp dụng với hộ kinh doanh và doanh nghiệp tư nhân để đưa ra các khuyến nghị trong việc xem xét xây dựng một khung pháp lý thống nhất về nghĩa vụ thuế áp dụng chung cho các chủ thể là cá nhân kinh doanh.
1.2. Đối tượng nghiên cứu của luận án
Đối tượng nghiên cứu của luận án là các quy định pháp luật về bản chất pháp lý, đăng ký hoạt động, vấn đề đại diện và nghĩa vụ thuế của cá nhân kinh doanh qua hai loại hình hộ kinh doanh do một cá nhân đăng ký hoạt động và doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam và cá nhân kinh doanh ở một số nước như Pháp, Mỹ và Trung Quốc.
1.3. Phạm vi nghiên cứu của luận án
Trong khuôn khổ luận án, tác giả tập trung vào phân tích các quy định liên quan đến hai chủ thể kinh doanh có đăng ký là hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay.
Bên cạnh việc phân tích các quy định pháp luật Việt Nam, tác giả cũng so sánh với quy định pháp luật một số nước về cá nhân kinh doanh như Mỹ (đại diện cho hệ thống Common Law), Pháp (đại diện cho hệ thống Civil Law) và Trung Quốc.
1.4. Phương pháp nghiên cứu của luận án
Luận án được trình bày dựa trên cơ sở lý luận với các phương pháp nghiên cứu cụ thể như: phương pháp phân tích, tổng hợp tài liệu, phương pháp so sánh luật học và phương pháp lịch sử.
1.5. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
Về phương diện lý luận, luận án đưa ra khái niệm và những điểm đặc thù của cá nhân kinh doanh để chứng minh cho quan điểm hộ kinh doanh và doanh nghiệp tư nhân đều là cá nhân kinh doanh. Đồng thời luận án cũng phân tích những bất cập về đăng ký hoạt động và vấn đề đại diện cũng như nghĩa vụ thuế của hai chủ thể này. Vì vậy cần phải hệ thống hoá nhằm xây dựng và hoàn thiện một khung pháp lý chung cho cá nhân kinh doanh.
Về phương diện thực tiễn, từ thực trạng pháp luật Việt Nam về hộ kinh doanh và doanh nghiệp tư nhân, tác giả đưa ra các kiến nghị nhằm tạo sự tương đồng giữa pháp luật Việt Nam với pháp luật các quốc gia khác trong các quy định quản lý hoạt động của cá nhân kinh doanh bao gồm đăng ký kinh doanh và xác định nghĩa vụ thuế của đối với cá nhân kinh doanh. Ngoài ra, luận án có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho việc nghiên cứu giảng dạy, học tập trong các cơ sở đào tạo Luật và quản lý nhà nước cũng như là tài liệu tham khảo cho những nhà hoạch định chính sách khi xây dựng văn bản pháp luật điều chỉnh mô hình hoạt động cá nhân kinh doanh trong tương lai.
2. Những kết quả nghiên cứu của luận án
Luận án đã nghiên cứu các vấn đề về cá nhân kinh doanh trên cơ sở phân tích, đánh giá những quy định pháp luật về hộ kinh doanh và doanh nghiệp tư nhân để từ đó xác định mục tiêu cần thống nhất hoá và thay thế mô hình cá nhân kinh doanh cho hai hình thức đang tồn tại hiện nay là hộ kinh doanh và doanh nghiệp tư nhân. Cụ thể, luận án đã đạt được một số kết quả như sau:
Thứ nhất, luận án đã xác định khái niệm cá nhân kinh doanh là hình thức kinh doanh do một cá nhân có tài sản, có nơi cư trú thành lập, chịu trách nhiệm vô hạn về các khoản nợ trong hoạt động kinh doanh và không có tư cách pháp nhân. Xét theo quan điểm này thì cá nhân kinh doanh ở Việt Nam hiện nay bao gồm doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh do một cá nhân đăng ký hoạt động. Sự tồn tại nhiều chủ thể kinh doanh này dẫn đến những bất cập trong cơ chế quản lý và tạo sự không bình đẳng giữa các chủ thể. Chính vì vậy, cần phải thống nhất và thay thế các hình thức này bằng mô hình cá nhân kinh doanh. Sự cần thiết này còn thể hiện ở các nguyên do cơ bản sau:
Xu hướng phát triển chung của các nước là phân loại chủ thể kinh doanh theo hai tiêu chí thể nhân và pháp nhân dựa trên quy chế pháp lý về thương nhân được xác lập bởi Luật Thương mại, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Phá sản… Hoạt động thương mại của thương nhân ở Việt Nam hiện nay, ngoài các văn bản pháp luật nói trên còn đang được điều chỉnh bởi các văn bản: Bộ luật Dân sự, Luật kinh doanh bảo hiểm, Luật các tổ chức tín dụng, Luật Trọng tài thương mại, Bộ luật Tố tụng Dân sự, các luật Thuế, các tập quán thương mại quốc tế…
Quyền tự do kinh doanh của cá nhân cần được bảo đảm và hướng tới việc nhà nước nên đổi mới và nới lỏng quy định về đăng ký kinh doanh theo hướng thuận lợi nhất cho chủ thể kinh doanh.
Hộ kinh doanh do một cá nhân đăng ký thành lập về bản chất cần được xem xét dưới góc độ cá nhân kinh doanh và tạo cơ chế quản lý thuế đồng bộ giữa chủ thể kinh doanh này với doanh nghiệp tư nhân.
Thứ hai, xây dựng khái niệm chung về cá nhân kinh doanh bao gồm cả hộ kinh doanh do một cá nhân thành lập và doanh nghiệp tư nhân trên cơ sở thực hiện một số giải pháp trước mắt và lâu dài như:
Sửa đổi quy định về chủ thể của Luật Thương mại theo hướng xác định thương nhân bao gồm hai loại: thương nhân pháp nhân là các công ty và thương nhân thể nhân là cá nhân kinh doanh.
Sửa đổi Luật Doanh nghiệp theo hướng bỏ quy định về Doanh nghiệp tư nhân ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp.
Sửa đổi những quy định trong các văn bản pháp luật thuế điều chỉnh về các loại thuế đối với cá nhân kinh doanh là doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh tự do không phải đăng ký để tạo ra cách hiểu thống nhất về thuật ngữ cá nhân kinh doanh.
Sửa đổi Luật Phá sản năm 2014 theo hướng bổ sung các quy định về phá sản đối với cá nhân kinh doanh.
Ban hành Luật Cá nhân kinh doanh để điều chỉnh hoạt động của tất cả hình thức kinh doanh bao gồm doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh.
Thứ ba, để tạo ra sự thống nhất trong quy định pháp luật đăng ký mô hình cá nhân kinh doanh giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp tư nhân thì theo tác giả cần phải tiến hành các giải pháp đồng bộ sau:
Đơn giản hoá thủ tục đăng ký thành lập đối với mô hình cá nhân kinh doanh.
Thống nhất dữ liệu quản lý đối với các loại hình cá nhân kinh doanh khác nhau.
Cần xem việc đăng ký thành lập là quyền đồng thời cũng là nghĩa vụ của cá nhân kinh doanh.
Xoá bỏ quy định bắt buộc về con dấu đối với doanh nghiệp tư nhân nói riêng và mô hình cá nhân kinh doanh nói chung.
Xây dựng Luật Cá nhân kinh doanh.
Thứ tư, vấn đề đại diện của hộ kinh doanh được quy định chủ yếu trong luật dân sự theo hình thức đại diện uỷ quyền, trong khi đó, đại diện trong doanh nghiệp tư nhân lại được điều chỉnh bởi Luật Doanh nghiệp và áp dụng cả hình thức đại diện theo pháp luật đại diện uỷ quyền là không cần thiết. Thêm vào đó, quy định này làm cho chế định đại diện của doanh nghiệp tư nhân trong luật chuyên ngành là luật doanh nghiệp và luật dân sự đang có sự mâu thuẫn. Quan điểm của tác giả là vấn đề đại diện của cá nhân kinh doanh cần thống nhất một hình thức đại diện duy nhất là đại diện theo uỷ quyền. Quy định này có thể được đưa trực tiếp vào nội dung sửa đổi của Luật Thương mại trong thời gian sắp tới liên quan đến nội dung đại diện của thương nhân thể nhân hoặc giữ nguyên những quy định đại diện trong Bộ luật Dân sự và xem doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh là chủ thể của luật dân sự với tư cách là thể nhân. Mục tiêu xa hơn nữa là hướng tới việc xây dựng Luật Cá nhân kinh doanh trong đó có thể quy định cụ thể chế định đại diện riêng cho mô hình cá nhân kinh doanh song song với Luật Công ty xác định chế định đại diện cho pháp nhân thương mại.
Thứ năm, theo quy định về quản lý thuế, có ba loại thuế chính mà hộ kinh doanh và doanh nghiệp tư nhân đều phải nộp bao gồm: Lệ phí (thuế) môn bài; Thuế giá trị gia tăng và Thuế thu nhập cá nhân. Ngoài ra, doanh nghiệp tư nhân còn phải nộp cả thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều này tạo ra sự bất bình đẳng giữa hai đối tượng nộp thuế vì bản chất của doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh xét cho cùng vẫn là cá nhân kinh doanh nên cần phải được đối xử công bằng đặc biệt trong việc thực thi nghĩa vụ thuế hiện nay. Chính vì vậy, luận án đưa ra những kiến nghị chung để hoàn thiện quy định về từng loại thuế áp dụng với cá nhân kinh doanh như sau:
Đối với lệ phí môn bài: cần thống nhất chung một mức thu lệ phí môn bài cho cá nhân kinh doanh bao gồm cả hộ kinh doanh và doanh nghiệp tư nhân đồng thời cần xem xét lại những quy định pháp luật liên quan đến chính sách miễn, giảm thuế để tránh tạo ra sự bất bình đẳng giữa các đối tượng nộp thuế.
Đối với thuế giá trị gia tăng: nhà nước cần ban hành văn bản pháp luật quy định thống nhất về cách tính thuế, phương thức xác định thuế, thuế suất phải đóng cho doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh. Ngoài ra, cần bỏ quy định hộ kinh doanh có doanh thu từ 100.000.000 đồng/năm trở xuống được miễn thuế giá trị gia tăng và đổi mới cơ chế kiểm soát của nhà nước thông qua hệ thống hoá đơn, chứng từ, kê khai nộp thuế đối với cá nhân kinh doanh.
Đối với thuế thu nhập của cá nhân kinh doanh: cần thống nhất một loại thuế thu nhập chung áp dụng cho cá nhân kinh doanh là chủ hộ kinh doanh và chủ doanh nghiệp tư nhân. Bên cạnh đó, cần xoá bỏ chế độ thuế khoán, mức khoán theo ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh và chính sách hộ kinh doanh có doanh thu từ 100.000.000 đồng/năm trở xuống được miễn thuế thu nhập cá nhân. Cuối cùng, cần có quy định buộc thanh toán không dùng tiền mặt và kiểm soát thu thuế qua ngân hàng.
3. Những vấn đề bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
Tác giả hy vọng sẽ tiếp tục nghiên cứu về nhóm đối tượng cá nhân kinh doanh không phải đăng ký theo quy định pháp luật và nghiên cứu chuyên sâu về cơ chế quản lý nhà nước đối với cá nhân kinh doanh, bán hàng online nhằm xây dựng hoàn chỉnh bức tranh toàn cảnh về Luật Cá nhân kinh doanh trong tương lai.
Hãy là người bình luận đầu tiên