Tên đề tài: Quản lý hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học môn Tiếng Anh trong các trường Trung học phổ thông tại Thành phố Hồ Chí Minh
Chuyên ngành: Quản lý giáo dục
Mã số: 9140114
Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Thị Kim Phượng
Người hướng dẫn khoa học: GVHD 1: TS. Nguyễn Kim Dung, GVHD 2: TS. Cao Thị Châu Thủy
Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
+ Tóm tắt nội dung luận án
Trong thời đại phát triển của kỷ nguyên số, việc tổ chức các hoạt động ứng dụng CNTT vào giảng dạy không chỉ là xu thế mà còn là yêu cầu cấp thiết. Đặc biệt, hoạt động ứng dụng CNTT dạy học môn Tiếng Anh ở các trường THPT đã mang lại nhiều lợi ích quan trọng như giúp GV nâng cao hiệu quả giảng dạy, truyền đạt kiến thức một cách trực quan sinh động, từ đó kích thích hứng thú học tập của HS. Theo xu thế phát triển mạnh mẽ của điện thoại thông minh và các thiết bị số, GV tổ chức hoạt động ứng dụng CNTT vào dạy học môn Tiếng Anh thường hướng dẫn HS tự khai thác tài liệu, xem video hay game vui học, kiến tạo kiến thức mới thông qua việc triển khai các HĐDH theo tình huống giao tiếp “thật” hay “thực tế ảo” để tạo nên các tình huống dạy học hấp dẫn và sinh động. Tuy nhiên, không thể phủ nhận thực tế là bên cạnh những ảnh hưởng tích cực như trên thì hoạt động ứng dụng CNTT vào dạy học Tiếng Anh cũng gây những ảnh hưởng tiêu cực cho người học. Cụ thể như, HS rất dễ bị “lạc lối” khi dành quá nhiều thời gian để sử dụng các thiết bị số, thậm chí gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần như “trầm cảm” hay “tăng động” quá mức. Chính vì thế, ngoài sự hỗ trợ của gia đình và thầy cô, các nhà quản lý giáo dục phải có những giải pháp quản lý hoạt động ứng dụng CNTT vào dạy học môn Tiếng Anh trong các trường THPT dựa trên các mô hình quản lý hiệu quả. Hiện nay, qua các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước có thể nói mô hình quản lý hoạt động ứng dụng CNTT vào dạy học môn Tiếng Anh theo tiếp cận TQM được xem là mô hình dễ dàng áp dụng và hiệu quả vì các đặc điểm nổi trội như: TQM có thể được điều chỉnh để quản lý các hoạt động dạy học phù hợp với từng bối cảnh xã hội và đặc điểm của nhà trường; TQM phục vụ vì lợi ích của GV, HS, phụ huynh và các đối tác liên quan; TQM tạo ra một môi trường văn hóa chất lượng, đổi mới và không ngừng cải tiến, giúp các trường THPT không những cải tiến công tác quản lý hoạt động này mà còn từng bước nâng cao chất lượng giảng dạy môn học Tiếng Anh theo chuẩn quốc tế.
Trên cơ sở tổng quan các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước về quản lý hoạt động ứng dụng CNTT vào dạy học môn Tiếng Anh trong các trường THPT tại Thành phố Chí Minh, luận án đã làm rõ những khái niệm và cơ sở lý luận về hoạt động ứng dụng CNTT vào dạy học môn Tiếng Anh trong các trường THPT và quản lý hoạt động này theo tiếp cận TQM. Bên cạnh đó, luận án đã tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến quản lý hoạt động ứng dụng CNTT vào dạy học môn Tiếng Anh trong các trường THPT theo tiếp cận TQM. Nghiên cứu thực tiễn được thực hiện với phương pháp điều tra bằng bảng hỏi, phương pháp phỏng vấn sâu, phương pháp trực quan kết hợp với phương pháp nghiên cứu các sản phẩm hoạt động giáo dục. Nghiên cứu được thực hiện với tổng số mẫu khảo sát là 1044 gồm 87 CBQL,108 GV Tiếng Anh dạy 3 khối 10, 11, 12 và 849 HS 3 khối 10, 11, 12. Dựa trên kết quả nghiên cứu lý luận và thực tiễn, luận án đã đề xuất 6 giải pháp cải tiến cho công tác quản lý này ngày càng hiệu quả. Các giải pháp của luận án đã được khảo nghiệm và đã được các CBQL cũng như GV đánh giá cao tính cấp thiết và tính khả thi. Luận án đã chọn giải pháp số 5 để tiến hành thực nghiệm và kết quả thực nghiệm cũng cho thấy đã có hiệu quả rõ rệt trong việc đổi mới công tác quản lý hoạt động ứng dụng CNTT vào dạy học môn Tiếng Anh trong các trường THPT tại Thành phố Hồ Chí Minh.
+ Những kết quả của luận án
Về ý nghĩa lý luận: Luận án nghiên cứu và hệ thống cơ sở lý luận quản lý hoạt động ứng dụng CNTT vào dạy học môn Tiếng Anh trong các trường THPT theo tiếp cận TQM. Luận án khẳng định quản lý hoạt động ứng dụng CNTT vào dạy học môn Tiếng Anh trong các trường THPT theo tiếp cận TQM có ý nghĩa thiết thực trong việc nâng cao hiệu quả của công tác quản lý hoạt động này nhất là trong giai đoạn chuyển đổi số giáo dục như hiện nay. Đồng thời, luận án nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến công tác quản lý hoạt động ứng dụng CNTT vào dạy học môn Tiếng Anh trong các trường THPT theo tiếp cận TQM. Trên cơ sở đó đưa ra khung lý luận về quản lý hoạt động ứng dụng CNTT vào dạy học môn Tiếng Anh trong các trường THPT theo tiếp cận TQM.
Về ý nghĩa thực tiễn: Luận án đánh giá toàn diện thực trạng quản lý hoạt động ứng dụng CNTT vào dạy học môn Tiếng Anh trong các trường THPT tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trên cơ sở đó, nhận định điểm mạnh và hạn chế, nguyên nhân của thực trạng để làm căn cứ đề xuất các giải pháp quản lý hoạt động này trong các trường THPT tại Thành phố Hồ Chí Minh.
+ Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn
Các kết quả nghiên cứu của luận án có thể ứng dụng vào quản lý hoạt động ứng dụng CNTT không chỉ đối với môn Tiếng Anh mà còn có thề vận dụng linh hoạt với các môn học khác hay ở các bậc học khác. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu này không những áp dụng đối với các trường THPT tại Thành phố Hồ Chí Minh mà còn có thể vận dụng ở các trường phổ thông tại các tỉnh/thành phố có điều kiện tương đồng. Đồng thời, kết quả của nghiên cứu có thể làm tài liệu tham khảo cho các nhà khoa học, nhà quản lý, giảng viên và nghiên cứu viên chuyên ngành Quản lý giáo dục.
Hãy là người bình luận đầu tiên