Tên đề tài LATS: Quản tài viên trong thủ tục phá sản
Chuyên ngành: Luật Kinh tế
Mã số: 62380107
Họ tên NCS: Nguyễn Thị Thanh Ngọc
Mã số NCS: N17710008
Người hướng dẫn khoa học: TS. Châu Thị Khanh Vân, TS. Nguyễn Hải An
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM
1. Tóm tắt luận án
Mục tiêu nghiên cứu
Từ việc nghiên cứu và làm rõ cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn của hoạt động quản lý, thanh lý tài sản phá sản và vai trò, nhiệm vụ của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản; hệ thống hóa và phân tích, đánh giá các quy định của pháp luật Việt Nam về chế định Quản tài viên; mục tiêu chính của luận án là phân tích, đánh giá thực trạng quy định pháp luật cũng như thực tiễn hoạt động của Quản tài viên để từ đó đề xuất một khung pháp lý phù hợp cho việc hoàn thiện chế định Quản tài viên trong pháp luật phá sản Việt Nam.
Đối tượng nghiên cứu
Luận án nghiên cứu những quy định pháp luật và thực tiễn liên quan đến quản tài viên - chủ thể tiến hành quản lý, thanh lý tài sản trong pháp luật phá sản Việt Nam. Bản chất, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ của chủ thể này với các chủ thể khác trong quá trình giải quyết phá sản; Thực tiễn hoạt động của Quản tài viên tại Việt Nam kể từ Luật Phá sản năm 2014 có hiệu lực thi hành cho đến nay đồng thời có sự so sánh với việc thi hành những quy định về vấn đề này trong các quy định pháp luật liên quan như Luật Doanh nghiệp, Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014, Luật Kiểm toán Nhà nước 2015…
Phạm vi nghiên cứu
- Phạm vi nghiên cứu theo thời gian: ngoài nội dung chính là phân tích, đánh giá các quy định pháp luật hiện hành về chế định quản tài viên (theo Luật Phá sản 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành), luận án còn tìm hiểu các quy định về mô hình này trong lịch sử pháp pháp luật phá sản Việt Nam.
- Phạm vi nghiên cứu theo không gian: pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật về quản tài viên trên lãnh thổ Việt Nam.
Phương pháp nghiên cứu
Trên cơ sở phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, Luận án kết hợp chúng với một số phương pháp nghiên cứu chuyên sâu dưới đây để thực hiện đề tài: Phương pháp hệ thống hóa các luận điểm khoa học, Phương pháp phân tích và giải thích pháp luật; Phương pháp phỏng vấn chuyên gia; Phương pháp so sánh.
2. Những kết quả mới của luận án
Thứ nhất, luận án đã bổ sung hệ thống các vấn đề lý luận chung về Quản tài viên trên cơ sở phân tích khái niệm, bản chất pháp lý, các vai trò của Quản tài viên trong thủ tục phá sản và mối quan hệ giữa Quản tài viên với các chủ thể khác trong quá trình tiến hành hoạt động của mình.
Thứ hai, luận án đã rút ra được những điểm chung (như về xu hướng phát triển của pháp luật phá sản, địa vị pháp lý và vai trò của chế định quản tài viên, các điều kiện, tiêu chuẩn để trở thành Quản tài viên và tham gia vào vụ việc phá sản...) có giá trị trong việc nghiên cứu và là cơ sở để so sánh.
Thứ ba, kết quả nghiên cứu hiệu quả hoạt động của Quản tài viên trong thời gian qua, đánh giá hiệu quả thực thi của các quy định pháp luật về Quản tài viên, đặc biệt là mối quan hệ hỗ trợ, giám sát giữa Quản tài viên với các chủ thể tiến hành phá sản cũng như các chủ thể tham gia giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp trong quá trình thi hành Luật Phá sản năm 2014 đã cho thấy bên cạnh những điểm mới tiến bộ trong Luật Phá sản năm 2014 vẫn còn hạn chế lớn trong việc tạo ra những cơ sở pháp lý về hiệu quả hoạt động của Quản tài viên.
Thứ tư, trên cơ sở những kết quả đã nghiên cứu, luận án đã xây dựng được những kiến nghị hoàn thiện pháp luật về chế định Quản tài viên, đồng thời đưa ra các giải pháp khắc phục những hạn chế trong việc thực hiện thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp trên cơ sở sự phù hợp với các nguyên lý của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm tính toàn diện, đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật kinh tế. Từ đó góp phần thu hút thêm sự quan tâm của nhà nước và xã hội đối với việc xây dựng và hoàn thiện các mô hình “xã hội hoá” các hoạt động bổ trợ tư pháp.
3. Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hay những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
Thứ nhất, từ những kết luận của tác giả về những điểm chung (như về xu hướng phát triển của pháp luật phá sản, địa vị pháp lý và vai trò của chế định quản tài viên, các điều kiện, tiêu chuẩn để trở thành Quản tài viên và tham gia vào vụ việc phá sản có thể đề xuất các giải pháp hiệu quả hơn cho việc hoàn thiện lý luận cũng như pháp luật thực định, khắc phục những hạn chế của quy định pháp luật về Quản tài viên ở Việt Nam.
Thứ hai, trên cơ sở đánh giá hiệu quả thực thi của các quy định pháp luật về Quản tài viên, đặc biệt là mối quan hệ hỗ trợ, giám sát giữa Quản tài viên với các chủ thể tiến hành phá sản cũng như các chủ thể tham gia giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp trong quá trình thi hành Luật Phá sản năm 2014, luận án có thể góp phần thu hút thêm sự quan tâm của nhà nước và xã hội đối với việc xây dựng và hoàn thiện các mô hình “xã hội hoá” các hoạt động bổ trợ tư pháp.
Hãy là người bình luận đầu tiên