Tên luận án: Quyền lực mềm trong chính sách đối ngoại Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Barack Obama (2008 – 2016)
- Chuyên ngành: Lịch sử Thế giới
- Mã số: 9229011
- Họ và tên nghiên cứu sinh: Ngô Thị Bích Lan
- Người hướng dẫn khoa học: TS. Đào Minh Hồng; TS. Lê Phụng Hoàng
- Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia TP. HCM)
1. Tóm tắt nội dung luận án:
Trên cơ sở kế thừa, phát triển những kết quả nghiên cứu đã có trước đó, cùng nguồn tư liệu phong phú và tin cậy, với việc sử dụng các phương pháp nghiên cứu liên ngành trong nghiên cứu chính sách đối ngoại-một đối tượng nghiên cứu của lịch sử thế giới đương đại, luận án là công trình khoa học nghiên cứu một cách hệ thống, toàn diện và cụ thể về việc sử dụng quyền lực mềm trong chính sách đối ngoại Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống B.Obama (2008 – 2016). Nội dung chính của luận án bao gồm: 1) Xác định khung lý thuyết nghiên cứu về quyền lực mềm trong nghiên cứu chính sách đối ngoại; 2) Làm rõ các nhân tố ảnh hưởng đến việc sử dụng quyền lực mềm trong chính sách đối ngoại Hoa Kỳ dưới thời Barack Obama; 3) Phân tích quá trình triển khai quyền lực mềm trong chính sách đối ngoại Hoa Kỳ (2008-2016) trên các lĩnh vực thể hiện rõ nét quyền lực mềm như giải quyết vấn đề chiến tranh, hợp tác kinh tế - an ninh – quốc phòng, thúc đẩy dân chủ - nhân quyền, tăng cường trao đổi văn hóa – giáo dục, xây dựng nền ngoại giao công chúng; Và cuối cùng 4) Đánh giá việc sử dụng quyền lực mềm trong chính sách đối ngoại Hoa Kỳ giai đoạn này trong so sánh với các giai đoạn trước đó.
2. Những kết quả của luận án:
Một là: Xác định khung lý thuyết nghiên cứu về quyền lực mềm trong chính sách đối ngoại là lý thuyết quyền lực mềm của Joseph S. Nye. Joseph S. Nye được xem là “cha đẻ” của khái niệm quyền lực mềm. Luận thuyết của ông đã được nhiều học giả sau đó tiếp tục làm rõ, hoàn thiện và phát triển. Nghiên cứu sinh (NCS) đã nhận thấy 4 giai đoạn trong quá quá trình phát triển lý thuyết của ông qua các năm 1990, 2002, 2004 và 2011. Josep S. Nye đã bổ sung, hoàn thiện lý thuyết quyền lực mềm để thích ứng với những sự thay đổi lớn của thế giới về khoa học công nghệ, kinh tế, thương mại… đã tác động đến việc xác định các thành tố, công cụ và phương thức của quyền lực mềm. Từ góc độ phân kỳ đó, NCS nhận thấy trong 3 giai đoạn đầu Joseph S. Nye tập trung hoàn thiện các khái niệm, điều chỉnh và bổ sung các thành tố của quyền lực, sử dụng các tình huống trong thực tiễn để đánh giá về phương thức sử dụng quyền lực mềm. Đến giai đoạn 4, ông đã phát triển lý thuyết quyền lực mềm lên một mức cao hơn, tạo thành quyền lực thông minh. Đó cũng chính là lý do mà NCS lựa chọn Lý thuyết quyền lực mềm ở giai đoạn cuối cùng để áp dụng vào việc nghiên cứu Chính sách đối ngoại của Tổng thống B. Obama (2008-2016). Sự lựa chọn đó đặc biệt phù hợp khi ở nhiệm kỳ 2 của B.Obama, Ngoại trưởng Hilary Clinton cũng đã lần đầu công bố khái niệm “Quyền lực thông minh”.
Hai là: Với phương pháp nghiên cứu lịch sử phối hợp cùng phương pháp nghiên cứu chính sách đối ngoại của khoa học Quan hệ quốc tế, NCS đã làm rõ những nhân tố tác động đến chính sách đối ngoại Hoa Kỳ và việc sử dụng quyền lực mềm dưới thời Tổng thống B. Obama (2008 – 2016), bao gồm: Nhân tố khách quan là bối cảnh quốc tế lúc bấy giờ, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2008-2009, sự suy giảm quyền lực của Hoa Kỳ và sự trỗi dậy của Trung Quốc; Nhân tố chủ quan là tình hình nội bộ của Hoa Kỳ (trên các khía cạnh chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội) và nhân tố cá nhân (Tổng thống B. Obama và Ngoại trưởng Hillary Clinton). Ngoài ra trong nội dung này còn đề cập đến tính đặc trưng của việc sử dụng “cây gậy- củ cà rốt” trong lịch sử ngoại giao Hoa Kỳ hiện đại. Qua đó làm rõ thêm tính xuyên suốt, tính kế thừa và phát triển từ góc độ quyền lực mềm. Cùng với nguồn tư liệu gốc tin cậy, luận án đã nêu bật được những nội dung chính trong chính sách đối ngoại Hoa Kỳ dưới thời B. Obama (2008 – 2016).
Ba là: Phân tích quá trình triển khai chính sách đối ngoại Hoa Kỳ dưới thời B. Obama. Tiếp cận từ lý thuyết Quyền lực mềm của Joseph S. Nye, luận án đã chỉ ra những lĩnh vực đối ngoại của Tổng thống B.Obama được xác định là thể hiện rõ nét nhất của việc thực thi quyền lực mềm, bao gồm: hợp tác kinh tế, quân sự; hợp tác văn hóa – giáo dục trên phạm vi toàn cầu. Đặc biệt là việc giải quyết vấn đề chiến tranh tại Iraq và Afghnistan, sau đó là thực hiện “Xoay trục” sang châu Á - Thái Bình Dương thể hiện quyền lực thông minh, và việc xây dựng nền ngoại giao công chúng. Trong mỗi lĩnh vực thực thi đều đã cho thấy vai trò quan trọng của việc sử dụng quyền lực mềm đã mang lại hiệu quả như thế nào trong việc khôi phục nền kinh tế Hoa Kỳ; ứng phó mềm mỏng với sự trỗi dậy của Trung Quốc; tái xác lập vị trí “thông minh” ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương; xây dựng được hình ảnh Hoa Kỳ mới trên trường quốc tế.
Bốn là: Với bản lĩnh nghiên cứu độc lập, trên cơ sở học và tập nghiên cứu, NCS bước đầu đưa ra những đánh giá về ưu điểm và hạn chế của việc sử dụng quyền lực mềm trong chính sách đối ngoại Hoa Kỳ dưới thời B. Obama từ quan điểm các nhân, rằng: dưới thời kỳ của Tổng thống B. Obama, quyền lực mềm được xem là công cụ hiệu quả trong việc thực thi chính sách đối ngoại Hoa Kỳ giai đoạn này; đạt được những kết quả khả quan như phục hồi sức mạnh kinh tế Hoa Kỳ, giữ được vị trí quốc gia hàng đầu thế giới, nâng cao hình ảnh và uy tín trên trường quốc tế và B. Obama trở thành Tổng thống được yêu thích nhất trên toàn cầu. Tuy nhiên, việc lựa chọn quyền lực mềm là đường hướng ngoại giao chủ đạo cũng khiến chính quyền B. Obama đối mặt với không ít chỉ trích vì đã khiến cho quyền lực lãnh đạo của nước Mỹ trở nên mềm yếu, hèn nhát và thiếu quyết đoán trong nhiều vấn đề quốc tế, đặc biệt là trong vấn đề ứng phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.
3. Khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngõ cần tiếp tục nghiên cứu:
Thứ nhất: Trên cơ sở nguồn tư liệu được tập hợp và xử lý nghiêm túc, đặc biệt là nguồn tư liệu tiếng Anh từ các nhà ngoại giao, các nhà nghiên cứu và cố vấn chính sách đối ngoại Hoa Kỳ cũng như tài liệu gốc từ Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và các số liệu chính thức được công bố, luận án đã cung cấp một cách hệ thống tư liệu khoa học cho chuyên ngành Lịch sử thế giới và Quan hệ quốc tế trong những vấn đề nghiên cứu về Hoa Kỳ và Quyền lực mềm Hoa Kỳ.
Thứ hai: Với phương pháp nghiên cứu tiếp cận liên ngành (Lịch sử và Quan hệ quốc tế) cùng việc sử dụng khung lý thuyết mới trong nghiên cứu những vấn đề quốc tế đương đại, luận án đã tiếp tục đi theo hướng nghiên cứu mới là liên kết phương pháp nghiên cứu của nhiều ngành khoa học khác nhau để giải quyết những vấn đề có liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau, khẳng định xu thế nghiên cứu phổ biến trong thế kỷ XXI khi mà các ngành khoa học đã dần xóa nhòa những ranh giới nghiên cứu đơn ngành.
Thứ ba: Luận án còn muốn xem xét và so sánh với nhiệm kỳ của Tổng thống D. Trump (từ 2017 đến nay) với hy vọng sẽ có nhiều phát hiện mới để đánh giá khách quan và chính xác hơn kết quả sử dụng quyền lực mềm của Tổng thống B. Obama. Nhưng do giới hạn về thời gian nghiên cứu và do nhiệm kỳ của Tổng thống D. Trump vẫn đang diễn ra nên chưa thể có những kết quả tổng kết chính xác và tin cậy.
Hãy là người bình luận đầu tiên