Tin tức - Sự kiện

Quyền sở hữu trí tuệ trong mối quan hệ với pháp luật cạnh tranh - NCS. Bùi Thị Hằng Nga

  • 10/05/2020
  • Tên đề tài LATS: Quyền sở hữu trí tuệ trong mối quan hệ với pháp luật cạnh tranh
    Chuyên ngành: Luật kinh tế            
    Mã số: 62.38.01.07    
    Nghiên cứu sinh: Bùi Thị Hằng Nga
    Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Dương Anh Sơn
    Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc Gia Tp. Hồ Chí Minh
    1. TÓM TẮT LUẬN ÁN
    Mục tiêu nghiên cứu của luận án
    - Nghiên cứu các cơ sở lý luận và thực tiễn của mối quan hệ giữa quyền sở hữu trí tuệ và pháp luật cạnh tranh. Từ đó chỉ ra sự cần thiết phải điều chỉnh hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ bằng pháp luật cạnh tranh.
    - Dựa trên quy định của pháp luật các quốc gia phát triển, có kinh nghiệm, áp dụng hiệu quả pháp luật cạnh tranh trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ để xác định được các nguyên tắc, giới hạn điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh đối với quyền sở hữu trí tuệ. 
    - Đánh giá thực trạng quy định của pháp luật Việt Nam điều chỉnh đối với hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong mối tương quan với pháp luật cạnh tranh, chỉ ra các nội dung chưa được pháp luật giải quyết hoặc còn hạn chế nhằm đưa ra các giải pháp hoàn thiện.
    Đối tượng và phạm vi nghiên cứu: 
    Trong nội dung luận án, tác giả chỉ phân tích, đánh giá điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh đối với hành vi lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ cụ thể là đối với sáng chế trong quá trình thực hiện chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ.
    Phương pháp nghiên cứu
    Luận án được trình bày dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác- Lenin về nhà nước và pháp luật với phương pháp nghiên cứu nền tảng là phương pháp duy vật biện chứng. Bên cạnh đó tác giả còn sử dụng các phương pháp cụ thể như: phương pháp phân tích, tổng hợp tài liệu, phương pháp so sánh luật học, phương pháp nghiên cứu tình huống và phương pháp phân tích luật viết 
    Ý nghĩa lý luận và thực tiễn:
    Thông qua nội dung được trình bày, luận án đã làm sáng tỏ các nội dung sau:
    - Phân tích các cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm đánh giá tác động tiêu cực của việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ đối với môi trường cạnh tranh.
    - Xác định nhu cầu và giới hạn điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh đối với hoạt động thực hiện quyền sở hữu trí tuệ nhằm đảm bảo cân bằng lợi ích của các bên liên quan.
    - Phân tích mối quan hệ giữa pháp luật cạnh tranh và pháp luật sở hữu trí tuệ trong hệ thống pháp luật Việt Nam nhằm chỉ ra các hạn chế còn tồn tại trong việc điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh đối với hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ, từ đó đề xuất các giải pháp hoàn thiện cho quá trình xây dựng và áp dụng các quy định pháp luật có liên quan.
    2. NHỮNG KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU CỦA LUẬN ÁN 
    Từ việc phân tích, đánh giá các tác động hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ đối với môi trường cạnh tranh, tác giả đã có một số các kết luận như sau:
    1. Bên cạnh tác động tích cực đối với hoạt động cạnh tranh thì hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ có nguy cơ mang lại tác động tiêu cực đối với hoạt động cạnh tranh của các chủ thể trên thị trường. Các quan ngại này có thể xuất phát từ chính các quy định của pháp luật khi trao cho chủ sở hữu các lợi thế cạnh tranh vì đang nắm giữ quyền sở hữu trí tuệ nhưng cũng có thể xuất phát từ chính các hành vi lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ của chủ sở hữu.
    2. Để đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo quyền hợp pháp của chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ trong mối quan hệ tổng hòa với lợi ích của cộng đồng, của quốc gia thì hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ cần được điều chỉnh bằng cả pháp luật cạnh tranh bên cạnh các quy định điều chỉnh của pháp luật sở hữu trí tuệ.
    3. Xuất phát từ các đặc trưng của tài sản trí tuệ, việc áp dụng các quy định của pháp luật cạnh tranh nhằm điều chỉnh đối với các hành vi hạn chế cạnh tranh xuất phát từ quyền sở hữu tuệ cần có các quy định riêng biệt, cụ thể nhằm đảm bảo quyền hợp pháp mà pháp luật sở hữu trí tuệ đã thừa nhận và bảo vệ cho chủ sở hữu. Hay nói cách khác, việc áp dụng quy định của pháp luật cạnh tranh đối với hoạt động thực thi quyền sở hữu phải được đặt trong mối tương quan với pháp luật sở hữu trí tuệ.
    Xuất phát từ các kết luận nêu trên, để đảm bảo hiệu quả thực thi pháp luật tại Việt Nam trong thời gian tới, nhằm khuyến khích hoạt động đầu tư, sáng tạo, khả năng tiếp cận khoa học công nghệ của cộng đồng cũng như đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, góp phần phát triển nền kinh tế quốc gia. Tác giả đã đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật cạnh tranh điều chỉnh đối với hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ:
    Một là, điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh phải đảm bảo mục đích đổi mới, nghiên cứu sáng tạo của các doanh nghiệp nhưng phải phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
    Hai là, giới hạn điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh đối với hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ phải được xây dựng trong mối tương quan giữa phát triển khoa học công nghệ và đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng dựa trên các tiêu chí (i) chủ thể thực hiện (ii) phạm vi áp dụng (iii) căn cứ xác định sự vi phạm. Đồng thời, nguyên tắc để xác định tính vi phạm của các hành vi cụ thể của chủ thể là nguyên tắc lập luận hợp lý thay vì vi phạm mặc nhiên.
    Ba là, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần phối hợp ban hành một văn bản hướng dẫn áp dụng các quy định của pháp luật cạnh tranh liên quan đến hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ bên cạnh các quy định của Luật Cạnh tranh, Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành.
    Bốn là, để đảm bảo hiệu quả thực thi pháp luật điều chỉnh đối với các hành vi lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ, cần sửa đổi một số quy định của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 liên quan đến hành vi từ chối chuyển giao, yêu cầu chuyển giao ngược.
    Cuối cùng, cần có sự phân công, phối hợp cũng như thành lập mới đối với các cơ quan, bộ phận có liên quan nhằm đảm bảo hiệu quả điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh đối với hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ nhằm thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, đẩy mạnh nghiên cứu sáng tạo, đảm bảo động lực phát triển kinh tế quốc gia cũng như nâng cao phúc lợi cho người tiêu dùng.
    3. NHỮNG VẤN ĐỀ BỎ NGỎ CẦN TIẾP TỤC NGHIÊN CỨU
    Tác giả hy vọng sẽ tiếp tục nghiên cứu về các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ nhằm hoàn chỉnh bức tranh về quyền sở hữu trí tuệ trong mối quan hệ với pháp luật cạnh tranh trong tương lai.

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên