Tin tổng hợp

Từ lúa sang tôm: Mô hình sinh kế bền vững cho ĐBSCL

  • 14/06/2016
  • Đây là ý kiến của hầu hết chuyên gia tại buổi tọa đàm khoa học “Sinh kế bền vững cho vùng ĐBSCL: Mô hình từ lúa sang tôm”. Buổi tọa đàm tiếp nối chương trình “Phát triển bền vững vùng ĐBSCL” do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Sách lược Quốc gia phối hợp Phòng Quản lý Khoa học và Dự án Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG-HCM) tổ chức vào sáng 14/6.

    Tham dự buổi tọa đàm có 15 thành viên là những chuyên gia, nhà khoa học về lĩnh nhân học môi trường, sinh thái văn hóa, sinh kế các dân tộc, phát triển nông thôn ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam

    Nuôi tôm đang chiến ưu thế

        TS Nguyễn Thị Phượng Châu (Khoa Địa lý Trường ĐH KHXH&NV), mở đầu buổi tọa đàm, đã chia sẻ những nghiên cứu về hoạt động kinh tế ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có liên quan đến vấn đề môi trường và bảo vệ tài nguyên, chuyển đổi canh tác nông nghiệp và các yếu tố tự nhiên tác động đến mô hình chuyển đổi từ lúa sang tôm.

        TS Châu cho biết: “Diễn biến chuyển đổi từ lúa sang tôm liên quan rất nhiều từ chế độ nước của hệ thống sông Mekong và chế độ thủy văn ven biển”. Việc xây dựng các đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong đã hạn chế rất nhiều lượng nước ngọt xuống ĐBSCL, kèm theo đó là những yếu tố tác động bên ngoài như xâm nhập măn, biến đổi khí hậu làm cho việc sản xuất lúa ở đây gặp nhiều khó khăn. Do đó, người dân nơi đây đã chuyển dần sang mô hình nuôi tôm. “Cho tới thời điểm này, việc nuôi tôm ở ĐBSCL đang chiếm ưu thế, diện tích canh tác hoa màu và lúa đang bị thu hẹp dần, đồng thời diện tích các ao tôm tăng lên rất nhanh”- Bà Châu nhấn mạnh.

        TS Châu cho biết việc nuôi tôm sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường nước ở ĐBSCL: “Khi nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp, mật độ thả tôm cao và mật độ thức ăn nhiều dẫn tới lượng chất thải lớn mà không được xử lý trước khi đưa ra môi trường sẽ là nguồn gây ô nhiễm rất nghiêm trọng cho tài nguyên nước ở vùng này”. 

        Từ đó, TS Châu giới thiệu mô hình nuôi tôm sinh thái trong rừng ngập mặn theo tiêu chuẩn của Naturland cho các hộ sản xuất tôm quy mô vừa và nhỏ. Nếu nuôi tôm theo mô hình này, chất lượng tôm sẽ rất cao và có thể xuất khẩu qua các thị trường khó tính như châu Âu. Bà Châu đưa ra một số tiêu chí trong quy trình nuôi tôm mới như: không sử dụng các biện pháp kỹ thuật hóa sinh cho ao nuôi, hạn chế thức ăn chế biến mà chỉ sử dụng thức ăn tự nhiên, mật độ thả con giống thấp, cấm đánh bắt tôm kích thước nhỏ, không sử dụng các hình thức thu hoạch theo kiểu hủy diệt…

    Tận dụng nguồn tài nguyên nước mặn
        
        Theo TS Ngô Thị Phương Lan (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV) “Việc chuyển đổi từ lúa sang tôm là để tận dụng lợi thế của nguồn tài nguyên nước mặn. Thực tế, mô hình luân canh này đã có từ lâu và khi con tôm trở nên có giá trị kinh tế cao thì mô hình này ngày càng phát triển hơn”. Bà Lan khẳng định tính bền vững của mô hình luân canh lúa tôm về các mặt như môi trường, kinh tế, đời sống xã hội. Việc trồng lúa sau khi nuôi tôm giúp cải tạo đất, giúp tôm đỡ bị dịch bệnh và đảm bảo người dân có đủ lương thực. Những vùng như Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), Cái Nước (Cà Mau), Kiên Giang… đã rất thành công khi thực hiện chuyển đổi mô hình sản xuất từ  lúa sang tôm.

    Bà Lan cho biết ĐBSCL chiếm gần 90%  tổng diện tích nuôi tôm khoảng 600.000 héc ta ở nước ta hiện nay. Bên cạnh lúa gạo, xuất khẩu tôm của Việt Nam đứng trong top 5 thế giới. Mô hình lúa - tôm được áp dụng nhiều nhất ở Kiên Giang với khoảng 70.000 héc ta. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, mô hình chuyển đổi lúa - tôm chưa được thực hiện một cách rộng rãi. TS Lan lý giải: “Thiếu cơ sở hạ tầng, thiếu vốn, thiếu giống, thiếu kiến thức là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ‘bất ổn’ cho người nuôi tôm”. Ngoài ra, chính sách và quy hoạch của Nhà nước cũng chưa theo kịp thực tế phát triển ngành này, chưa đề cập đến đầu ra cho con tôm mà để thị trường tự điều tiết”.
     

    Nâng cáo kiến thức, kỹ thuật cho người dân

        GS Chung Hoàng Chương (Khoa Á Mỹ học, Đại học San Francisco, Hoa Kỳ) cho rằng cần phải hết sức linh hoạt trong việc quản lý nguồn nước, sử dụng nước ngọt và nước mặn một cách hợp lý nhất cho mô hình lúa - tôm.

        PGS.TS Trần Thị Kim Xuyến (Trưởng khoa Xã hội học Trường ĐH Bình Dương) nhấn mạnh vai trò của nhà nước trong việc thực thi các chính sách về sinh kế cho vùng ĐBSCL: “Chính sách của Nhà nước phải dựa trên những kết quả nghiên cứu thực tế. Đồng thời phải nâng cao kiến thức, kỹ thuật, công nghệ nuôi tôm cho người dân”.

        Cuối buổi tọa đàm, các chuyên gia đã thống nhất các quan điểm: (1) Nghiên cứu sinh kế không chỉ riêng của ngành dân tộc học, sinh thái hay địa lý, nông nghiệp… mà nó phải là một nghiên cứu liên ngành và cần sự phối hợp rộng rãi; (2) Việc thiết kế một mô hình sinh kế bền vững cho nông dân vùng ĐBSCL phải được nhìn nhận từ nhiều góc độ cụ thể. Việc áp dụng mô hình từ lúa sang tôm là một cuộc chiến không chỉ về “mặn ngọt” mà nó là cuộc chiến về thay đổi tư duy của người dân; (3) Chuyển giao các nghiên cứu trình bày trong tọa đàm đến các cơ quan quản lý, làm cơ sở cho các chính sách phát triển ĐBSCL.

    TS Nguyễn Thị Phượng Châu nhận định: “ Mô hình từ lúa sang tôm phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước và điều kiện tự nhiên”.
    Các chuyên gia tham dự buổi tọa đàm sáng 14/6.

    Bài, ảnh: VĂN NGUYỆN
     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên