Tên luận án: Từ mượn tiếng Anh trong tiếng Hán (đối chiếu với hiện tượng tương ứng trong tiếng Việt)
Chuyên ngành: Ngôn ngữ học so sánh - đối chiếu
Mã số: 9222024
Nghiên cứu sinh: Vũ Thị Hương Trà
Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Trang, PGS. TS. Nguyễn Đình Phức
Cơ sở đào tạo: Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG HCM
+ Tóm tắt nội dung luận án (abstract)
Tiếp xúc ngôn ngữ có thể diễn ra trên nhiều bình diện khác nhau với nhiều kết quả khác nhau. Tuy nhiên, phổ biến nhất là hiện tượng vay mượn các thành phần ngôn ngữ mà đáng chú ý hơn cả là vay mượn từ vựng. Trong quá trình phát triển của mình, tiếng Hán và tiếng Việt đã du nhập một số lượng lớn từ ngữ tiếng Anh và những từ ngữ này vẫn đang không ngừng tăng lên. Luận án tiến hành nghiên cứu, so sánh đối chiếu một cách hệ thống lớp từ mượn tiếng Anh trong tiếng Hán và tiếng Việt. Trên cơ sở lí thuyết vay mượn từ vựng, tìm hiểu nguồn gốc, sự xuất hiện, phân loại, đặc điểm cũng như sự hòa nhập của lớp từ mượn tiếng Anh trong tiếng Hán và tiếng Việt. Từ đó, chỉ ra xu hướng phát triển của chúng trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhất thể hóa. Các kết quả nghiên cứu có thể được ứng dụng vào giảng dạy ngôn ngữ và thực hành dịch thuật. Sinh viên Việt Nam chuyên ngành tiếng Hán có thể tìm hiểu, tiếp nhận và nắm vững các từ ngữ gốc Anh trong tiếng Hán để vận dụng chúng một cách chính xác trong thực tế.
+ Những kết quả của luận án
1. Kết quả khảo sát, phân tích, đúc kết được trong luận án góp phần bổ sung vào lí thuyết tiếp xúc ngôn ngữ, cung cấp một cái nhìn mới về cơ chế vay mượn từ vựng trong tiếng Hán và tiếng Việt, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng.
2. Sự xuất hiện của hàng loạt từ ngữ tiếng Anh trong tiếng Hán không phải là hiện tượng ngẫu nhiên, nó vừa thể hiện sự phát triển của nền kinh tế, chính trị, văn hóa Trung Quốc vừa thể hiện xu hướng quốc tế hóa, toàn cầu hóa của nền kinh tế thế giới. Ở một mức độ nhất định, từ ngữ mượn tiếng Anh trong tiếng Hán còn thể hiện tâm lý tiếp nhận và sử dụng ngôn ngữ của người Trung Quốc qua từng thời kỳ khác nhau.
3. Từ ngữ tiếng Anh khi du nhập vào tiếng Hán đã có nhiều biến đổi để phù hợp với các quy luật về ngữ âm, ngữ nghĩa và ngữ pháp của tiếng Hán. Quá trình tiếp nhận và diễn biến của lớp từ mượn gốc Anh trong tiếng Việt cũng thể hiện nhiều nét chung thú vị. Sự khác biệt về ngữ âm và loại hình ngôn ngữ giữa tiếng Anh với tiếng Hán, tiếng Việt khiến cho từ ngữ tiếng Anh khi du nhập vào tiếng Hán và tiếng Việt có thể được gán thêm thanh điệu; cấu trúc lại từ theo hướng đơn tiết hóa; sử dụng âm đọc và chữ viết tiếng Hán, tiếng Việt để phiên âm từ ngữ tiếng Anh; giữ nguyên hay thay đổi ngữ nghĩa, đặc điểm ngữ pháp của từ… Đặc điểm đơn lập không biến hình của tiếng Hán và tiếng Việt cũng khiến cho các yếu tố hình thái của từ tiếng Anh khi du nhập vào tiếng Hán và tiếng Việt đều sẽ bị lược bỏ…
4. Kết quả nghiên cứu còn góp phần chứng minh những ảnh hưởng của nhân tố ngôn ngữ - xã hội và nhân tố tâm lí đối với sự biến đổi và xu hướng phát triển của lớp từ mượn tiếng Anh trong tiếng Hán và tiếng Việt. Điểm nổi bật là, nếu trước đây, phương thức dịch âm, dịch nghĩa hay dịch âm kết hợp với dịch nghĩa là xu hướng chính trong quá trình vay mượn từ ngữ nước ngoài vào tiếng Hán thì hiện nay, xu hướng mượn nguyên dạng hoặc sử dụng các từ ngữ có sự kết hợp giữa kí tự Latin với chữ Hán ngày càng trở nên phổ biến.
5. Bên cạnh tiếng Anh, tiếng Hán cũng là một ngôn ngữ có sức ảnh hưởng lớn và hiện có số lượng sinh viên Việt Nam theo học khá đông. Dựa trên kết quả khảo sát thu thập được, luận án chỉ ra những bất cập trong quá trình tiếp nhận và sử dụng lớp từ mượn tiếng Anh trong tiếng Hán của sinh việt Nam. Từ đó, đề xuất việc bổ sung giáo trình, tài liệu tham khảo về lớp từ mượn tiếng Anh trong tiếng Hán cho sinh viên Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc dạy và học ngôn ngữ theo hướng so sánh, đối chiếu.
6. Hiện tượng từ ngữ tiếng Anh, đặc biệt là nhóm từ mượn nguyên dạng hoặc có chứa kí tự Latin trong tiếng Hán và tiếng Việt hoàn toàn phù hợp với nhu cầu phát triển chung của xã hội và thời đại, chúng giúp cho hệ thống từ vựng tiếng Hán và tiếng Việt trở nên phong phú, giàu tính biểu đạt hơn. Việc nghiên cứu, tìm hiểu những từ ngữ gốc Anh trong tiếng Hán, đối chiếu với lớp từ tương ứng trong tiếng Việt, chỉ ra những điểm tương đồng và khác biệt của lớp từ này ở hai ngôn ngữ sẽ có những đóng góp hữu ích cho công tác giảng dạy tiếng Hán tại Việt Nam, đồng thời cũng là cơ sở để khảo sát, lí giải những biến đổi và xu hướng phát triển của hệ thống từ vựng tiếng Hán cũng như tiếng Việt trong bối cảnh xã hội mới.
+ Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn và những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu:
1. Kết quả nghiên cứu có thể ứng dụng vào việc xây dựng giáo trình, tài liệu tham khảo cho sinh viên Việt Nam chuyên ngành tiếng Hán cũng như những học giả quan tâm đến lĩnh vực tiếp xúc ngôn ngữ và vay mượn từ vựng, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhất thể hóa.
2. Luận án chỉ tập trung khảo sát hiện tượng vay mượn tiếng Anh trong tiếng Hán và tiếng Việt ở cấp độ từ ngữ, những khảo sát tiếp theo có thể mở rộng tìm hiểu hiện tượng vay mượn tiếng Anh từ góc độ vay mượn đặc điểm hình thái và cấu trúc ngữ pháp. Bên cạnh đó, luận án chủ yếu dựa trên cơ sở lí thuyết tiếp xúc ngôn ngữ, hiện tượng vay mượn từ vựng tiếng Anh trong tiếng Hán và tiếng Việt cũng có thể được tiếp tục nghiên cứu, phân tích theo hướng tiếp xúc văn hóa, ngôn ngữ học nhân học …
Hãy là người bình luận đầu tiên