Tên đề tài: Tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - nội dung, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử
Ngành: Triết học
Mã số: 9.22.90.01
Họ và tên nghiên cứu sinh: Ngô Tuấn Phương
Người hướng dẫn khoa học:PGS.TS. Cao Xuân Long và TS. Vũ Ngọc Miến
Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM
1. Tóm tắt nội dung luận án
Tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội được hình thành và phát triển trong bối cảnh của thế giới và Việt Nam có nhiều biến động (từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX). Tư tưởng này bắt nguồn từ nhu cầu cấp thiết giải phóng dân tộc và tìm kiếm con đường phát triển phù hợp, được hình thành và hoàn thiện qua các giai đoạn cách mạng khác nhau. Dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, kết hợp truyền thống nhân văn của dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, Hồ Chí Minh đã xây dựng một hệ thống quan điểm toàn diện về chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam. Tư tưởng của Người mang tính khoa học, cách mạng, thực tiễn, nhân văn, dân tộc và thời đại, bao quát mọi mặt từ bản chất, đặc trưng, mục tiêu, động lực, con đường đến những điều kiện xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Tầm quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội được khẳng định qua những thành tựu to lớn của Việt Nam trong gần 40 năm đổi mới. Nghiên cứu tư tưởng này không chỉ có ý nghĩa lý luận mà còn mang tính thực tiễn cấp bách, giúp nhận thức đúng đắn về mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, đồng thời đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng đất nước.
2. Những kết quả của luận án
- Thứ nhất, luận án góp phần hệ thống hóa tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
- Thứ hai, luận án rút ra đặc điểm, ý nghĩa lịch sử của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đặc biệt là từ công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam cho đến nay.
3. Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
3.1. Khả năng ứng dụng:
- Ý nghĩa lịch sử của tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH mà luận án rút ra cả về phương diện thực tiễn và lý luận góp phần giúp cho các cơ quan quản lý, nhà khoa học tham khảo trong việc hoạch định chủ trương, chính sách, biện pháp nhằm xây dựng thành công xã hội XHCN ở Việt Nam.
- Kết quả nghiên cứu của luận án có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo cho việc giảng dạy, nghiên cứu, học tập nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội ở các trường đại học và cao đẳng.
3.2. Những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu:
- Đặc trưng của chủ nghĩa xã hội trong tư tưởng Hồ Chí Minh: Khám phá sâu sắc hơn những nguyên lý cốt lõi làm nên chủ nghĩa xã hội trong tư tưởng Hồ Chí Minh, từ đó soi chiếu và đánh giá tính phù hợp của những nguyên lý này với bối cảnh Việt Nam đương đại.
- Hiện thực hóa lý tưởng xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam: Phân tích những thành tựu và thách thức trong quá trình hiện thực hóa các đặc trưng của chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam, đồng thời đề xuất những giải pháp khả thi để hoàn thiện mô hình xã hội chủ nghĩa phù hợp với đặc thù dân tộc và xu thế thời đại.
Hãy là người bình luận đầu tiên