Tên đề án: Tư tưởng nhân sinh của Nguyễn Bỉnh Khiêm - giá trị và ý nghĩa lịch sử
Chuyên ngành: Triết học
Mã số: 9229001
Họ và tên nghiên cứu sinh: Trần Thị Mỹ Duyên
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. ĐẶNG HỮU TOÀN
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
1. Tóm tắt nội dung luận án
Nguyễn Bỉnh Khiêm được coi là cây đại thụ tư tưởng tỏa bóng suốt thế kỷ XVI. Tư tưởng của ông được đề cập đến rất nhiều lĩnh vực lịch sử, chính trị - xã hội, văn hóa, giáo dục, triết học, đạo đức, luân lý, nhân sinh…được thể hiện bằng nhiều thể loại, hình thức phong phú thơ, văn, sấm ký…cả chữ Hán và chữ Nôm. Về chữ Hán có Bạch Vân am thi tập và Bạch Vân am thi văn tập, về chữ Nôm có Bạch Vân quốc ngữ thi. Về sấm ký, sấm là những ẩn ngữ dự đoán việc tương lai, thường là những biến cố trọng đại của quốc gia, đất nước. Trong số các sấm ngữ nước ta thì “sấm Trạng Trình được người đời truyền tụng rộng rãi nhất và lâu nhất. Các bản sấm ký chữ Nôm của Trạng Trình: Trình tiên sinh quốc ngữ, Trình trạng nguyên sấm ký diễn ca và Trình quốc công sấm. Chữ quốc ngữ có 2 bài sấm khoản 487 câu…trong nội dung tư tưởng hết sức phong phú, đa dạng và sâu sắc thể hiện tri thức sâu rộng, nổi bậc lên trong tư tưởng của Nguyễn Bỉnh Khiêm là tư tưởng nhân sinh của ông, biểu hiện tập trung trong tình cảm, trí tuệ và cả cuộc đời chiêm nghiệm cũng như làm quan của ông.
Tư tưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm nói chung, tư tưởng nhân sinh Nguyễn Bỉnh Khiêm được hình thành và phát triển trong sự kế thừa truyền thống nhân sinh của dân tộc Việt Nam, cùng với sự tiếp thu có chọn lọc tinh hoa tư tưởng nhân sinh trong tư tưởng nhân sinh của Nho giáo như “nhân nghĩa’, Phật giáo như “yêu thương con người” vào Đạo giáo như hòa mình vào thiên nhiên, con người và thế giới thiên nhiên là giống nhau.
Tư tưởng nhân sinh của Nguyễn Bỉnh Khiêm có các quan điểm chủ yếu: Một là, con người trong quan hệ với trời đất; Hai là, quan điểm về đạo đức, lối sống trong đó quan điểm về cuộc đời, về đạo làm người, tu thân, nỗi lo tình đời vận nước, nhàn; Ba là, vấn đề chính trị - xã hội trong đó nước phải lấy dân làm gốc, ông đưa ra mô hình xã hội tốt đẹp trong lương lai cho đất nước, cho nhân dân mà ở đó con người sống yêu thương đùm bọc lẫn nhau, và người cầm quyền phải cai trị bằng nhân nghĩa và tuân thủ nguyên tắc làm gương.
Từ những nội dung của tư tưởng nhân sinh của Nguyễn Bỉnh Khiêm ta có thể thấy được đặc điểm, giá trị, hạn chế và ý nghĩa lịch sử của tư tưởng nhân sinh Nguyễn Bỉnh Khiêm. Về đặt điểm của tư tưởng nhân sinh Nguyễn Bỉnh Khiêm, có một là, tư tưởng triết lý nhân sinh của Nguyễn Bỉnh Khiêm gắn liền với vấn đề dân sinh và đạo lý làm người và giá trị con người; hai là, tư tưởng triết lý nhân sinh Nguyễn Bỉnh Khiêm thể hiện tư tưởng yêu nước thương dân; ba là, phê phán hiện thực cuộc sống là những đặc điểm nổi bậc của tư tưởng triết lý nhân sinh Nguyễn Bỉnh Khiêm. Về giá trị của tư tưởng triết lý nhân sinh Nguyễn Bỉnh Khiêm: Thứ nhất, tư tưởng triết lý nhân sinh Nguyễn Bỉnh Khiêm là sự tích hợp tinh hoa triết lý nhân sinh của dân tộc và thời đại của ông. Thứ hai, tư tưởng khoan dung – giá trị cốt lõi trong tư tưởng triết lý nhân sinh Nguyễn Bỉnh Khiêm. Thứ ba, giá trị tích cực của tư tưởng triết lý nhân sinh của Nguyễn Bỉnh Khiêm – thái độ sống nhập thế. Về những hạn chế cơ bản trong tư tưởng triết lý nhân sinh của ông: một là, triết lý nhân sinh của Nguyễn Bỉnh Khiêm còn mang tính duy tâm (thiên mệnh); hai là, Triết lý nhân sinh Nguyễn Bỉnh Khiêm còn thiếu các giải pháp để thực hiện tư tưởng của mình, ba là, triết lý nhân sinh chứa đựng nhiều mâu thuẫn trong xuất xử. Trong sách Nguyễn Khuê viết “tư tưởng triết lý nhân sinh của Nguyễn Bỉnh Khiêm có ảnh hưởng đến đời sau” (Nguyễn Khuê (1997), tr.180), ảnh hưởng đó thể hiện trong ý nghĩa lịch sử của tư tưởng nhân sinh Nguyễn Bỉnh Khiêm. Về ý nghĩa của tư tưởng nhân sinh Nguyễn Bỉnh Khiêm, có ý nghĩa về mặt lý luận và ý nghĩa thực tiễn. Có thể khái quát ý nghĩa về mặt lý luận trong tư tưởng nhân sinh của Nguyễn Bỉnh Khiêm thể hiện ở những vấn đề chính: một là, tư tưởng nhân sinh của Nguyễn Bỉnh Khiêm góp phần làm phong phú và sâu sắc thêm nội dung tư tưởng triết lý nhân sinh của dân tộc ta; hai là, những tư tưởng, quan điểm triết lý nhân sinh như về giá trị con người, giá trị cuộc sống, quy luật chi phối sự vận động phát triển, đạo làm người đã bổ sung vào tư tưởng nhân sinh của dân tộc những tư tưởng tiến bộ, những khái niệm phạm trù có nội hàm được hiều theo hướng tích cực phù hợp với thời đại và với sự vận động và phát triển của xã hội; ba là, bằng sự phản ánh thực tiễn đầy biến động của thế kỷ XVI, tư tưởng nhân sinh của Nguyễn Bỉnh Khiêm góp phần thể hiện cụ thể, sinh động nội dung tư tưởng triết lý nhân sinh nói chung, vì thế tư tưởng nhân sinh của Nguyễn Bỉnh Khiêm trở thành một trong những tiền đề cho các nhà tư tưởng sau này kế thừa và phát triển. Ý nghĩa thực tiễn của tư tưởng nhân sinh Nguyễn Bỉnh Khiêm có thể khái quát lại ở những nội dung chính: thứ nhất, tạo một lòng tin trong nhân dân ta về một cuộc sống tốt đẹp hơn với những giá trị được đề cao; hai là, khẳng định các giá trị con người và phê phán những kẻ đi ngược lại với các giá trị ấy; ba là, khơi dậy mong muốn hòa bình trong điều kiện đất nước phân tranh. Các bài học lớn mà tư tưởng nhân sinh Nguyễn Bỉnh Khiêm để lại cho chúng ta: Thứ nhất, nước phải “dân làm gốc”, lấy lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân làm mục tiêu cho quá trình đổi mới. Thứ hai, bài học về mục đích của giáo dục và đào tạo nhân tài.
Tư tưởng nhân sinh Nguyễn Bỉnh Khiêm có giá trị to lớn và sức ảnh hưởng đến thời đại chúng ta để lại cho chúng ta những bài học trong việc xác định lại giá trị cuộc sống, giá trị con người, giáo dục đạo đức, nhân cách lối sống cho thế hệ trẻ trong thời hiện đại các chuẩn mực đạo đức bị lu mờ. Và tư tưởng nhân sinh của Nguyễn Bỉnh Khiêm sẽ tỏa sáng định hướng cho chúng ta trong thời đại mới, xây dựng một Việt Nam giàu mạnh. Như Vũ Khâm Lân ca tụng ông với lòng ngưỡng mộ sâu sắc: “nay ta đọc được những văn chương còn lại, khác chi nghe thấy những tiếng ném ngọc gieo vàng, rực rỡ như mây năm sắc, sáng sủa như vừng thái dương” (Nguyễn Khuê (1997), tr. 181).
2. Những kết quả mới của luận án
Một là, luận án đã góp phần hệ thống hóa, làm rõ nội dung cơ bản và đặc điểm chủ yếu trong tư tưởng nhân sinh của Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Hai là, luận án đã góp phần đánh giá giá trị, hạn chế và ý nghĩa lịch sử trong tư tưởng nhân sinh của Nguyễn Bỉnh Khiêm.
3. Khả năng ứng dụng của luận án
Luận án giúp nhận thức hệ thống và sâu sắc hơn về tư tưởng nhân sinh của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bên cạnh đó giúp đánh giá khách quan, khoa học hơn giá trị và vai trò lịch sử tư tưởng nhân sinh của Nguyễn Bỉnh Khiêm trong tiến trình lịch sử tư tưởng nhân sinh của dân tộc.
Kết quả nghiên cứu của luận án góp phần xây dựng nền tảng tư tưởng nhân sinh hay nhân sinh quan cho xã hội hiện nay. Kết quả nghiên cứu của luận án có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo trong việc nghiên cứu, học tập và giảng dạy triết học, chính trị, lịch sử tư tưởng Việt Nam.
Hãy là người bình luận đầu tiên