Tên đề tài luận án: Ứng dụng phương pháp phân tích sóng mặt đa kênh trong khảo sát tầng nông khu vực phía đông Thành phố Hồ Chí Minh
Chuyên ngành: Vật lý Địa cầu
Mã số: 62440111
Họ tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Nhật Kim Ngân
Khóa đào tạo: 2013
Người hướng dẫn khoa học: TS. Đỗ Văn Lưu, PGS. TS. Nguyễn Thành Vấn
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Tự Nhiên- ĐHQG.HCM
1. TÓM TẮT NỘI DUNG LUẬN ÁN
Luận án tập trung nghiên cứu khả năng ứng dụng của phương pháp phân tích sóng mặt đa kênh (MASW) trong khảo sát độ cứng của đất đá tại một số khu vực phía đông Thành phố Hồ Chí Minh, bao gồm quận 2 và quận 9, kiểm chứng kết quả minh giải bằng lỗ khoan địa chất và kết quả của các phương pháp địa kỹ thuật khác. Luận án trình bày nguồn gốc của phương pháp sóng mặt, các nghiên cứu phương pháp phân tích sóng mặt đa kênh trên thế giới và Việt Nam kể từ khi ra đời cho đến giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, luận án cũng trình bày, đánh giá và thảo luận về cơ sở lý thuyết, cách thức đo đạc, thuật toán xử lý, thuật giải bài toán ngược, vai trò của MASW trong khảo sát địa kỹ thuật. MASW được tiến hành đo đạc tại quận 2 và quận 9, kết quả MASW được so sánh với phương pháp downhole và thí nghiệm xuyên tiêu chuẩn (SPT). Hàm tương quan thực nghiệm giữa VS và SPT-N được xây dựng cho số liệu tại các khu vực khảo sát và so sánh với các công trình đã được công bố trên thế giới. Luận án có thể được xem như một trong các công trình nghiên cứu mang tính khoa học đầu tiên trong việc sử dụng MASW khảo sát độ cứng của đất đá khu vực TP. HCM.
2. NHỮNG KẾT QUẢ MỚI CỦA LUẬN ÁN
Lần đầu tiên, giá trị vận tốc truyền sóng VS được xác định bằng phương pháp MASW tại quận 2 và quận 9 được so sánh với lỗ khoan địa chất, chỉ số SPT-N của phương pháp thí nghiệm xuyên tiêu chuẩn (SPT) và kết quả của phương pháp lỗ khoan truyền thống (downhole) với độ sai lệch trung bình 2-12%.
Đối với khu vực khảo sát tại quận 2, vận tốc truyền sóng ngang trung bình VS30 theo MASW, downhole và hàm tương quan thực nghiệm đều cho kết quả giống nhau (VS30 <180 m/s). Địa tầng khu vực tồn tại tầng bùn dày trên 10 m với vận tốc truyền sóng VS thấp hơn 100 m/s, do đó cần phải có biện pháp xử lý trong quá trình xây dựng nền móng công trình. Phân loại nền đất yếu loại E theo NEHRP và loại D theo TCXDVN 375.
Đối với khu công nghệ cao, quận 9, phương trình tương quan thực nghiệm giữa VS và SPT-N được tính toán và so sánh với kết quả tại quận 2. Bản đồ đẳng trị VS30 và mô hình 3D VS được xây dựng. VS30 theo cả ba phương pháp MASW, downhole và hàm thực nghiệm đều cho kết quả như nhau trong phân loại đất đá, nền đất cứng, xếp loại D theo NEHRP và C theo TCXDVN 375.
Độ lệch chuẩn lớn nhất, độ lệch trung bình, độ lệch tương đối lớn nhất, độ lệch tương đối trung bình, độ lệch chuẩn được dùng để so sánh độ lệch giữa VS theo MASW và các phương pháp khác trong nghiên cứu lần lượt vào khoảng 990 m/s, 330 m/s, 558%, 223%, 326 m/s, các kết quả này đều nằm trong giới hạn của các công trình công bố quốc tế đã có trước đây.
Hàm tương quan thực nghiệm (khu vực quận 2):
VS = 76,45N0,468 (môi trường gồm tất cả các loại đất) (1)
VS = 108,31N0,355 (môi trường đất sét) (2)
Hàm tương quan thực nghiệm (khu vực quận 9):
VS = 108,16N0,386 (môi trường gồm tất cả các loại đất) (3)
VS = 132,03N0,305 (môi trường đất sét) (4)
3. CÁC ỨNG DỤNG/ KHẢ NĂNG ỨNG DỤNG TRONG THỰC TIỄN HAY NHỮNG VẤN ĐỀ CÒN BỎ NGỎ CẦN TIẾP TỤC NGHIÊN CỨU
MASW có thể thay thế hoặc kết hợp với các phương pháp lỗ khoan truyền thống trong khảo sát nền móng địa kỹ thuật tại Việt Nam, giúp giảm thiểu số lượng lỗ khoan không cần thiết, giúp tiết kiệm chi phí và thời gian khảo sát. Cần nghiên cứu thêm MASW thụ động sử dụng nguồn địa chấn thụ động như tiếng động cơ xe cộ giao thông, tiếng tua bin gió,… hoặc kết hợp MASW chủ động và thụ động để tăng độ sâu khảo sát. Ngoài ra, cần nghiên cứu thêm về khả năng phân tích các đường cong vận tốc pha bậc cao kết hợp với đường cong vận tốc pha cơ bản nhằm tăng khả năng giải đoán và tiến hành nghiên cứu ứng dụng MASW tại các khu vực khác trong thành phố và trên cả nước.
Hãy là người bình luận đầu tiên