Tên đề tài: Vai trò của hồi giáo trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người Chăm tỉnh An Giang hiện nay
Chuyên ngành: Chủ nghĩa duy vật biện chứng và Chủ nghĩa duy vật lịch sử
Mã số: 9.22.90.02
Họ và tên nghiên cứu sinh: Đỗ Thị Thanh Hà
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Võ Văn Thắng, TS. Trần Hoàng Hảo
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM.
1. Tóm tắt nội dung luận án
Hồi giáo là một tôn giáo lớn trên thế giới, ra đời tại bán đảo Ả Rập từ thế kỷ thứ VII, có sự phát triển nhanh chóng về số lượng tín đồ và tầm ảnh hưởng lớn đối với các quốc gia ở các châu lục. Tại Việt Nam, Hồi giáo đã được bộ phận người Chăm tiếp nhận và cùng tồn tại với dân tộc Chăm trong nhiều thế kỷ qua. Với triết lý đạo đức, nhân sinh mang tính nhân văn, Hồi giáo đã có sức hấp dẫn đối với đời sống văn hóa tinh thần của người Chăm. Trong suốt thời gian tồn tại và phát triển, Hồi giáo đã trở thành chỗ dựa tinh thần không thể thiếu của cộng đồng người Chăm tại các tỉnh Nam bộ, trong đó có An Giang. Trong quá trình cộng cư lâu dài với các dân tộc khác, đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người Chăm có nhiều nét đặc sắc bởi các yếu tố văn hóa bản địa hòa chung với màu sắc của Hồi giáo. Vai trò của Hồi giáo trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người Chăm ở An Giang ngày càng được thể hiện rõ nét trong sự phát triển chung của đất nước.
Nghiên cứu vai trò của Hồi giáo trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người Chăm ở An Giang hiện nay để hiểu được những thay đổi và tiếp biến văn hóa của cộng đồng người Chăm hòa nhập cùng với văn hóa của các cộng đồng người Hoa, Việt, Khmer; nhận thức được vai trò tác động của Hồi giáo trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người Chăm ở An Giang. Nội dung nghiên cứu của luận án góp phần làm rõ những vai trò có tính nền tảng của Hồi giáo đối với đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người Chăm ở An Giang hiện nay như: hệ tư tưởng (thế giới quan, nhân sinh quan), đạo đức, lối sống. Hiểu được những thay đổi và tiếp biến văn hóa của cộng đồng người Chăm hòa nhập cùng với văn hóa của các cộng đồng người Hoa,Việt, Khmer; góp phần phát huy bản sắc văn hóa và những giá trị văn hóa vùng Nam Bộ trong đời sống văn hóa tinh thần cho người Chăm ở An Giang hiện nay.
2. Những kết quả mới của luận án
Thứ nhất, xuất phát từ thế giới quan và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, luận án làm rõ một số lý luận chung về Hồi giáo và Hồi giáo trong cộng đồng người Chăm ở tỉnh An Giang hiện nay.
Thứ hai, bằng phương pháp diền dã, khảo sát, luận án tiến hành phân tích vai trò của Hồi giáo trong các vấn đề như: nhận thức, tư tưởng, đạo đức và lối sống của người Chăm ở tỉnh An Giang.
Thứ ba, luận án nêu lên một số vấn đề đặt ra trong việc nghiên cứu thực trạng trên. Hồi giáo không chỉ phát huy vai trò tích cực của mình trong nhận thức và hành động của cộng đồng người Chăm ở An Giang mà nó vẫn còn tồn tại những bất cập từ quan điểm duy tâm, siêu hình trong tư tưởng, lối sống và đạo đức của người Chăm. Đồng thời, luận án đã dự báo một số xu hướng biến đổi của Hồi giáo trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người Chăm ở An Giang ngày nay.
Thứ tư, xuất phát từ những nguyên nhân và vấn đề đặt ra từ thực trạng nghiên cứu vai trò của Hồi giáo trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người Chăm tỉnh An Giang, luận án đề xuất một số phương hướng, giải pháp cơ bản nhằm phát huy những mặt tích cực và hạn chế những bất cập của Hồi giáo trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người Chăm ở An Giang hiện nay.
3. Khả năng ứng dụng của luận án:
Những kết quả nghiên cứu của luận án về thực trạng vai trò của Hồi giáo trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người Chăm ở An Giang hiện nay, phương hướng và giải pháp mà luận án đưa ra sẽ góp phần làm luận cứ khoa học cho chính quyền An Giang trong việc phát huy vai trò của Hồi giáo của người Chăm hiện nay. Kết quả nghiên cứu của luận án cũng có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo cho việc học tập, nghiên cứu, ở các lĩnh vực như: triết học, chủ nghĩa xã hội khoa học, tôn giáo học.
Hãy là người bình luận đầu tiên