Tên đề tài luận án: Vai trò kiến tạo thể chế của nhà nước trong bối cảnh nền kinh tế thị trường hiện đại theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa ở Việt Nam
Nghiên cứu sinh: Nguyễn Minh Tuấn
Mã số NCS: 01610102005
Chuyên ngành: Kinh tế chính trị
Mã số chuyên ngành: 62.31.01.02
Người hướng dẫn khoa học: HD1/HDĐL: PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn, HD2: TS Hoàng Minh Tuấn
Cơ sở đào tạo: Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM.
Kết quả nghiên cứu và đóng góp mới của luận án
1. Đóng góp về mặt lý luận
Đề xuất về hướng tiếp cận mới vấn đề hoàn thiện thể chế kinh tế trên cơ sở kết hợp lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin với những lý thuyết kinh tế thể chế hiện đại.
2. Đóng góp về mặt thực tiễn
Những nghiên cứu của luận án góp phần chỉ ra các hạn chế của thể chế kinh tế và những nguyên nhân của những hạn chế này trên cơ sở cách tiếp cận kinh tế chính trị Mác - Lênin. Trong những nguyên nhân dẫn tới những hạn chế, nghiên cứu cho rằng môi trường thể chế chính trị cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng.
Nghiên cứu đưa ra các giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế của Việt Nam hiện nay, trong đó có một số giải pháp mới được đề xuất.
- Về thể chế sở hữu và các thành phần kinh tế.
Nghiên cứu chuyển từ chế độ sở hữu đơn nhất (toàn dân) sang chế độ đa sở hữu đối với đất đai (nhà nước, cộng đồng và tư nhân). Cùng với đó, cần loại bỏ những quy định thu hồi đất còn chung chung, thiếu rõ ràng.
Thành lập tòa chuyên trách xét xử về các vụ kiện liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ đảm bảo tính chuyên nghiệp và nhanh chóng, hiệu quả trong xét xử.
Tách chức năng làm kinh tế ra khỏi các cơ quan chính quyền nhà nước, đồng thời không cần thiết phải giữ quan điểm “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” để đảm bảo môi trường cạnh tranh tự do, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.
- Về thể chế quản lý nhà nước trong hoạt động kinh tế
Điều chỉnh luật Giá và các quy định liên quan theo hướng những mặt hàng nào mà có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế khác nhau cần để cho thị trường điều tiết thay vì nhà nước quyết định mức giá như hiện nay.
Để đảm bảo thống nhất quyền lực nhà nước trong điều hành, quản lý kinh tế đặc biệt là trong hoạt động xây dựng và thực thi thể chế kinh tế cần nghiên cứu thành lập đơn vị có vai trò là một siêu “Bộ Kinh tế” trên cơ sở hợp nhất các lĩnh vực Kế hoạch - đầu tư với Tài chính.
Sớm xây dựng và ban hành Luật “Tổ chức thi hành pháp luật” để quy định rõ trách nhiệm của những cơ quan được giao quyền tổ chức thi hành pháp luật và cơ chế pháp lý để xem xét, xử lý đối với những cá nhân, tổ chức vi phạm trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật.
Xây dựng toà án Hiến pháp để đảm bảo không cơ quan chính quyền nào được đặt trên pháp luật.
Quốc Hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thể nghiên cứu thành lập riêngmột cơ quan chuyên môn về hoạt động giám sát (Ủy ban giám sát thuộc Quốc hội, Ban giám sát đối với các Hội đồng nhân)
Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hay những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
Trong phần tổng quan nghiên cứu, tác giả luận án nhận thấy có nhiều nghiên cứu trên các khía cạnh khác nhau về thể chế kinh tế Việt Nam mà luận án có thể kế thừa. Bên cạnh đó, tác giả cho rằng vẫn còn những vấn đề liên quan đến thể chế kinh tế Việt Nam hiện nay cần tiếp tục khai thác, hoàn thiện. Vì vậy, luận án dựa trên cách tiếp cận hệ thống, khoa học trên nền tảng lý luận cơ bản kinh tế chính trị Mác - Lênin kết hợp với những lý thuyết kinh tế hiện đại đặc biệt là những lý thuyết của trường phái “thể chế mới” để làm sáng rõ những vấn đề cần hoàn thiện đối với thể chế kinh tế Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, cố gắng nghiên cứu làm rõ thêm những ảnh hưởng của thể chế chính trị mang tính định hướng xã hội chủ nghĩa tới thể chế kinh tế.
Hãy là người bình luận đầu tiên