Tên đề tài: Vấn đề chủ nghĩa nhân văn trong khoa nghiên cứu văn học ở Việt Nam từ 1975 đến nay
Chuyên ngành: Lý luận văn học
Mã số: 9220120
Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Đăng Hai
Người hướng dẫn khoa học: GS.TS. Huỳnh Như Phương
Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
+ Tóm tắt nội dung luận án
Trong khoa nghiên cứu văn học ở Việt Nam từ những năm 1975 đến nay, chủ nghĩa nhân văn luôn là một hệ thống mở, có ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động nghiên cứu, sáng tác và tiếp nhận văn học. Do đó, việc nghiên cứu vấn đề chủ nghĩa nhân văn trong khoa nghiên cứu văn học ở Việt Nam từ 1975 đến nay (2020) có ý nghĩa quan trọng. Luận án sử dụng chủ yếu các phương pháp: phương pháp nghiên cứu loại hình, phương pháp lịch sử, phương pháp hệ thống và phương pháp so sánh đối chiếu. Qua đó, luận án đã làm rõ ba vấn đề cơ bản: (1) tổng quan quá trình nghiên cứu về vấn đề chủ nghĩa nhân văn trong khoa nghiên cứu văn học ở Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến năm 2020; (2) xác định nội hàm khái niệm và đặc điểm của chủ nghĩa nhân văn trong văn học phương Đông và phương Tây thông qua một số hiện tượng văn học tiêu biểu; (3) xác định những đặc điểm, thành tựu và hạn chế của chủ nghĩa nhân văn trong các bộ môn lí luận, phê bình văn học và lịch sử văn học ở Việt Nam từ 1975 đến nay (2020).
+ Những kết quả của luận án:
Một là, luận án góp phần xác định nguồn gốc, sự vận động và phát triển của chủ nghĩa nhân văn; luận giải những đặc điểm của chủ nghĩa nhân văn trong văn học phương Đông và phương Tây thông qua một số hiện tượng văn học tiêu biểu. Qua đó, luận án đã góp phần xác lập cái nhìn đa chiều, đa diện trong việc tìm hiểu vấn đề chủ nghĩa nhân văn trong khoa nghiên cứu văn học cũng như việc lí giải các vấn đề về khái niệm chủ nghĩa nhân văn.
Hai là, từ việc hệ thống vấn đề nghiên cứu chủ nghĩa nhân văn trong khoa nghiên cứu văn học ở Việt Nam từ 1975 đến nay (2020), luận án đã xác định những đặc điểm, thành tựu và hạn chế của vấn đề chủ nghĩa nhân văn trong các bộ môn lí luận, phê bình văn học và lịch sử văn học ở Việt Nam từ 1975 đến 2020. Trước làn sóng của sự đổi mới trong nghiên cứu văn học, không khí học thuật sôi động những năm Đổi mới với đường hướng chủ đạo là tinh thần nhân văn, chủ nghĩa nhân văn đã làm chuyển biến nhận thức trong giới nghiên cứu lí luận, phê bình văn học, lịch sử văn học; làm thay đổi, mở rộng nội hàm một số khái niệm như hình tượng, tiểu thuyết…; làm xuất hiện một số khái niệm mới như thế giới nghệ thuật của nhà văn, quan niệm nghệ thuật về con người… Đồng thời, tư duy lí luận, phê bình văn học từng bước hướng về quỹ đạo chung: văn học là nhân học. Từ đó, luận án mở rộng hướng nghiên cứu mới, cần thiết cho khoa nghiên cứu văn học Việt Nam và đó là vấn đề nghiên cứu chủ nghĩa nhân văn trong khoa văn học.
Ba là, từ điểm nhìn của chủ nghĩa nhân văn sinh thái, những luận điểm của một số nhà tư tưởng thời cổ đại, Phục hưng và Khai sáng đang phải chịu nhiều thử thách và không ngừng bị tra xét. Thay vào đó, chủ nghĩa nhân văn sinh thái đề xuất xem xét lại mối quan hệ giữa con người với môi trường sinh thái dựa trên nguyên tắc cùng tồn tại của các tạo vật thiên nhiên mà con người chỉ là thành viên được đề cao. Do đó, ba thành tố tự nhiên - con người - xã hội phải được xem xét như một thể thống nhất và hài hòa với nhau.
+ Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu:
Thứ nhất, kết quả nghiên cứu của luận án có thể trở thành tài liệu tham khảo cho việc nghiên cứu, giảng dạy các bộ môn: lí luận văn học, phê bình văn học và lịch sử văn học Việt Nam.
Thứ hai, kết quả nghiên cứu của luận án còn giúp các nhà nghiên cứu, giảng dạy văn học có cơ sở khoa học và thực tiễn trong việc nghiên cứu vấn đề chủ nghĩa nhân văn trong văn học Việt Nam trong việc đối sánh với vấn đề chủ nghĩa nhân văn trong văn học nước ngoài;
Và thứ ba, kết quả nghiên cứu của luận án có thể vận dụng vào việc nghiên cứu các hiện tượng văn học của dân tộc và nhân loại dựa trên tinh thần nhân văn.
Hãy là người bình luận đầu tiên